(QNO) - Bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc Cơ Tu ở huyện Đông Giang đã được Huyện uỷ có một nghị quyết chuyên đề để thực hiện trong suốt nhiệm kỳ, đến năm 2015. Huyện đã triển khai nhiều việc như chỉ đạo các xã, thôn xây dựng gươl - nhà sinh hoạt truyền thống của cộng đồng, dến năm 2014 gần 100% thôn, làng có gươl; tổ chức các lớp truyền dạy nói lý, hát lý của người Cơ Tu; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ đến thôn, làng để một số làng nghề duy trì, phát triển tạo ra sản phẩm gắn với thu hút khách du lịch, tạo nguồn thu cho người dân như làng nghề đan B’hôồng xã Sông Kôn, làng dệt Đh’Roồng xã Tà Lu; huyện cũng đã quan tâm chỉ đạo ngành văn hóa tiến hành sưu tầm các hiện vật truyền thống trong săn bắn, hái lượm, nương rẫy, nghề dệt, nhạc cụ truyền thống... của người Cơ Tu để trưng bày theo hình thức bảo tàng; nhiều thiết chế văn hoá ở trung tâm huyện và các xã, thôn được xây dựng mang đậm bản sắc Cơ Tu.
Những ngày đầu năm 2014, UBND huyện Đông Giang có cuộc họp để triển khai một nhiệm vụ mới của huyện không chỉ cho năm 2014 mà còn cho nhiều năm sau, đó là thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát triển văn hoá truyền thống của người Cơ Tu, tộc người chủ nhân của vùng rừng núi này. Thực hiện kế hoạch này, UBND huyện đang lập một dự án phân kỳ đầu tư từ năm 2014 đến năm 2020. Vừa qua theo báo cáo đề xuất của đơn vị tư vấn Công ty cổ phần đầu tư xây dựng C.W.S có trụ sở tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Tiến Trung - Chủ tịch hội đồng quản trị của công ty đã cho biết về kế hoạch bảo tồn, phát triển văn hoá truyền thống Cơ Tu trên địa bàn huyện Đông Giang giai đoạn 2014-2020. Trong đó, sự tham gia của một số chuyên gia về văn hoá đã mở ra một câu chuyện mới về các kế sách bảo tồn và phát huy các vốn quý văn hoá truyền thống của tộc người Cơ Tu mà huyện Đông Giang như làm người gánh vác cái trọng trách cao quý này không chỉ cho Đông Giang mà cho tộc người Cơ Tu. Kế hoạch đó là dự án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của người Cơ Tu bằng việc xây dựng “Làng truyền thống gắn phát triển làng nghề của tộc người Cơ Tu tại thôn Đh’rôồng xã Tà Lu giai đoạn 2014 đến 2020”. Việc huyện chọn thôn Đh’rôồng để làm điểm vì ở đấy vốn đã là làng nghề dệt truyền thống đã được công nhận và trong nước, ngoài nước nhiều người đã biết đến, có sản phẩm cho khách du lịch; ở đấy có thuận lợi về giao thông và nhất là người dân vẫn còn bảo lưu các giá trị, các loại hình văn hoá truyền thống của người Cơ Tu như cấu trúc nhà cửa cổ truyền; dân vũ tung tung- ya yá; nói lý hát lý, có các nghệ nhân về điêu khắc gỗ cổ truyền... và thêm nữa ở đấy đời sống cộng đồng trong mối quan hệ xã hội và với rừng còn đậm nét tính truyền thống của tộc người Cơ Tu.
Ông Nguyễn Bằng - Bí thư Huyện uỷ cho rằng việc chọn thôn Đh’rôồng xã Tà Lu để thực hiện một mẫu hình điểm bảo tồn và phát triển văn hoá truyền thống của người Cơ Tu xuất phát từ quan điểm: “Bảo tồn sống” trong chính đời sống hàng ngày của người dân; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá chính vì người dân, gắn với sinh kế bền vững của người dân. Mà chuyện này thì người dân ở đây đã, đang làm. Từ quan điểm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của người Cơ Tu ngay trong đời sống hàng ngày của cộng đồng, người dân gắn kết các hoạt động sản xuất nương rẫy; nghề dệt; nghề đan lát, mây tre; nghề rèn; người dân còn lưu giử các trang phục truyền thống, còn các nghệ nhân đánh cồng chiêng với các âm điệu cổ truyền và vẫn còn việc tổ chức các lễ hội tín ngưỡng của người Cơ Tu hàng năm sẽ là điều cốt lõi để Đh’rôồng có điều kiện trở thành một “bảo tàng sống của nhiều giá trị văn hoá truyền thống tộc người”, là điểm đến cho khách du lịch.
Theo quy hoạch, làng truyền thống Đh’rôồng sẽ giữ nguyên hiện trạng cư trú của dân cư hiện nay, chỉ chỉnh trang và xây dựng một quần thể dân cư mới ngay trên đất làng cũ có các tiêu chí của không gian tự nhiên gắn kết với rừng, suối nước, đất sản xuất rẫy, ruộng bậc thang, vườn cây gia đình. Hình thành nên một cấu trúc làng truyền thống với nhà ở của người dân là nhà sàn, có gươl, nhà dài, sân làng để tổ chức lễ hội... như đặc trưng cổ truyền của người Cơ Tu: Làng lập theo vòng tròn, bầu dục, ở giữa làng có nhà gươl, có hàng rào làng, có cổng làng, có rừng thiêng (nghĩa địa), có máng nước, có nhà kho lúa... và cái cốt lõi bên trong ấy chính là người dân ở làng sẽ có một cuộc sống với các hoạt động sản xuất như làm rẫy, làm ruộng, làm nghề dệt, nghề đan lát, mây tre, nghề rèn... người dân đủ các điều kiện để tổ chức các lễ hội tín ngưỡng dân gian của tộc người mình theo các nghi lễ cổ truyền, có trang phục, trang sức, cồng chiêng và các sinh hoạt dân ca, dân vũ truyền thống.
Theo ông Đỗ Tài, Chủ tịch UBND huyện Đồng Giang thì việc quy hoạch và xây dựng làng truyền thống gắn phát triển làng nghề của tộc người Cơ Tu với việc lấy thôn Đh’rôồng làm điểm là công việc cực kỳ khó khăn khi thực hiện trong những năm đến bởi huyện Đông Giang là một huyện miền núi cao, ngân sách còn khó, bởi việc bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của người Cơ Tu trong xu thế hội nhập và chịu nhiều sự tác động văn hoá mới từ bên ngoài vào là không dễ và bởi phải tìm ra cách để hướng người dân tự ý thức để bảo tồn các giá trị văn hoá của tộc người mình mà từ đó trở lại tạo ra cơ hội và kế phát triển kinh tế gia đình. Chuyện vẫn còn phía trước nhưng huyện đã quyết tâm chỉ đạo và làm dẫu dự toán ban đầu lên đến cả trăm tỷ.
Đầu năm lên huyện Đông Giang nghe chuyện mới xây dựng làng truyền thống Cơ Tu tưởng chừng như là chuyện cũ nhưng với chúng tôi lại là chuyện hoàn toàn mới. Mới vì chuyện bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của một tộc người ngay trong cộng đồng người dân; mới vì bảo tồn các giá trị văn hoá quý giá của tộc người để phát triển sinh kế cho người dân một cách bền vững, gắn kết con người với rừng; mới vì Đông Giang làm không chỉ vì mình mà cho cả tộc người Cơ Tu. Chỉ còn lại vấn đề là nguồn lực đầu tư. Chúng tôi tin rằng tỉnh, các ngành chức năng và các nhà đầu tư sẽ vào cuộc với Đông Giang.
NGUYỄN TRI HÙNG