Nhiều khó khăn, thách thức được thị xã Điện Bàn nhận diện để tìm ra giải pháp tháo gỡ nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2019.
Thị xã Điện Bàn sẽ tập trung giữ chuẩn, nâng chất xã NTM, xây dựng “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”. Ảnh: C.T |
Thách thức
Năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Điện Bàn đã tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị và đạt những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, nhiều tồn tại, hạn chế cũng được nhận diện. Đó là, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp chậm, thiếu đồng bộ; doanh nghiệp triển khai dự án du lịch chưa đẩy nhanh tiến độ. Tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp chưa cao; suy giảm thâm canh và bỏ hoang ruộng đất chưa được khắc phục. Một số nơi thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành công tác giữ vững và nâng cao chuẩn nông thôn mới (NTM), vì vậy, có 8 xã bị “tụt hạng” không được công nhận lại vào năm 2018. Xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, dồn điền đổi thửa chưa đạt kế hoạch đề ra. Vướng mắc về quy trình, thủ tục đầu tư khiến khâu triển khai đầu tư các dự án phát triển đô thị ì ạch. Quản lý quy hoạch, hiện trạng đất đai, quản lý trật tự xây dựng còn buông lỏng.
Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - ông Trần Úc còn cho biết, quản lý về môi trường, khoáng sản dù có chuyển biến song hạn chế cũng không ít, nhất là tình trạng khai thác cát trái phép gây bức xúc trong nhân dân. Giải quyết hồ sơ đất đai còn chậm. An ninh trật tự tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường với tệ nạn đánh bạc, ma túy ngày càng gia tăng; tín dụng đen, đòi nợ thuê diễn ra ở một vài nơi gây tâm lý bất an. Tai nạn giao thông giảm về số vụ nhưng thiệt hại về người và tài sản ở mức cao, một vụ đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra trên tuyến tránh Vĩnh Điện khiến 13 người tử vong. Đơn thư khiếu kiện, khiếu nại gia tăng. Trong số 700 đơn, khoảng một nửa rơi vào các địa phương, tuy nhiên cấp cơ sở chưa giải quyết rốt ráo mà còn đùn đẩy trách nhiệm. Dịch bệnh có thời điểm bùng phát cao, nhất là bệnh sốt xuất huyết…
Tranh thủ cơ chế
Năm 2019, ngoài sức mạnh nội sinh, Điện Bàn sẽ phát huy thuận lợi cơ bản, đề ra giải pháp tháo gỡ tồn tại, hạn chế. Trước hết, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, nhiều cơ chế tạo thuận lợi cho Điện Bàn phát triển kinh tế - xã hội. Đơn cử là về hạ tầng nông thôn, nước sạch, chợ, siêu thị, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ thôn, khối phố sau sáp nhập. Năm nay, tỉnh tiếp tục nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT607; xúc tiến nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT608 đoạn ngã ba Lai Nghi (giáp ranh Hội An - Điện Bàn) lên giáp quốc lộ 1 cũ bằng nguồn vốn vay ODA; xây dựng trường THPT mới để đáp ứng nhu cầu dạy và học. Cạnh đó, nhà máy nước Trảng Nhật với quy mô 15.000m3/ngày đêm sẽ được đưa vào khai thác. Cơ chế vận hành phát triển đô thị chắc chắn được ban hành để đưa 72 dự án trong đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc bàn giao về. “Thị xã sẽ tiếp tục điều chỉnh chung quy hoạch Điện Bàn từ cấp 4 lên cấp 3 nhằm dung nạp sự phát triển của đô thị ven sông Vĩnh Điện, đô thị tuyến biển, khu sinh thái Điện Hòa, khu sinh thái sông Đầm (xã Điện Phương). Quy hoạch này phải được lấy ý kiến của Bộ Xây dựng để chuẩn bị cho tầm nhìn dài hạn đến năm 2030, tương thích theo quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội do nhóm tư vấn cho chúng tôi hoàn chỉnh và trình tỉnh phê duyệt” - ông Trần Úc chia sẻ.
Tập trung phát triển đô thị, du lịch
Năm qua, công tác xây dựng, phát triển đô thị Điện Bàn chững lại để rà soát hạ tầng và rà soát khớp nối. Ông Trần Úc nói rằng, địa phương kiên quyết theo hướng lập lại kỷ cương. Hiện quy hoạch điều chỉnh phân khu 3 giai đoạn của đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đã cơ bản làm xong, góp phần giúp giải quyết luôn vấn đề khớp nối ranh giới, khập khiễng trong thoát nước và chỉnh trang đô thị. Thị xã sẽ sớm tham vấn lấy ý kiến cộng đồng, mời địa phương liên quan nghe lần cuối những góp ý, sau đó trình tỉnh phê duyệt. Tất nhiên, một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng, có thể thiệt thòi nhưng đành phải chấp nhận để đảm bảo cho một định hướng 2.700ha đô thị mới phát triển bền vững. Ngoài ra, thị xã tiếp tục thực hiện các đề án xây dựng 5 xã dọc quốc lộ 1 thành phường vào năm 2020, nâng cấp đường trục chính giao thông nông thôn, đô thị; đầu tư tuyến ĐH7, đường trục chính đô thị mới, hệ thống xử lý nước thải đô thị, trục đường đô thị Điện Minh - Điện Phương.
Địa phương sẽ dành 3 - 5% nguồn lực đầu tư hoàn thiện, mở rộng các cụm công nghiệp. Rà soát, làm quy hoạch định hướng phát triển du lịch Điện Bàn trong mối quan hệ tổng thể với du lịch Quảng Nam và Đà Nẵng. Thị xã giao cho Phòng VH-TT tham mưu lộ trình lồng ghép xây dựng NTM kiểu mẫu gắn du lịch làng quê, làng nghề... Liên quan đến tam nông, một hội thảo gắn vấn đề khởi nghiệp, cơ chế chính sách đầu tư trong nông nghiệp nông thôn, hình thành các tổ hợp tác sẽ được tổ chức vào thời gian tới. Đồng thời chú trọng thu hút, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Sắp đến, Điện Bàn sẽ giải tán 4 - 5 tổ, chỉ để lại 1 tổ chốt chặn kiểm soát khoáng sản tại khu vực ngã ba Vòm. Tổ này được kiện toàn cả về nhân sự, bổ sung trang thiết bị, kinh phí và huy động thêm con người của 2 xã Điện Phong và Điện Minh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát an ninh trật tự, giao thông, thị xã tiếp tục lắp đặt hệ thống camera tại vị trí xung yếu đã được duyệt.
CÔNG TÚ