Nằm, ngồi, đi đứng chi cũng… ăn!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 16/08/2021 10:43

(QNO) - Trong thời gian giãn cách xã hội, tôi đọc được nhiều lời khuyên về chuyện ăn, nào là ăn đủ chất, ăn đúng bữa, ăn nhiều rau xanh, tránh ăn những những thứ có hại cho gan thận như xì dầu, muối, dầu để nguội, nhiều đường… Không ngờ trong những ngày giãn cách, núp dịch, kinh nghiệm ăn cả trong dân gian và khoa học đều có nhiều lời khuyên bổ ích!

Chuyện ăn quá ám ảnh khiến tôi nhớ lại, một lần nhà văn Thanh Tịnh (tác giả Tôi đi học) kể chuyện ông được báo ở Hà Nội đặt viết bài có chủ đề “ăn Bắc mặc Kinh” vì ông có kinh nghiệm về du lịch ẩm thực. Nhà văn kể rằng sau khi bài báo được đăng trong số báo tết năm đó, một ông bạn cũ thời đi bộ đội đã gặp ông và phê thẳng cẳng: Hoặc là Thanh Tịnh không biết hoặc là biết mà viết tránh đi, rằng cái ăn bây giờ đã khác rồi. Bây giờ, sau chiến tranh người ta ăn cắp, ăn hối lộ, ăn gian, ăn chặn, ăn cướp, ăn không chừa một thứ gì chớ không còn như xưa nữa… Thanh Tịnh thú nhận là ông chưa thể viết, vì… báo tết!

Xưa trong ca dao có câu: "Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ" là cũng quá rồi. Người thợ tận dụng những miếng vải rẻo, chút hồ thừa ấy phản ảnh đời sống cơ cực của giới thợ thuyền cần lao thôi chớ không có chút gì phê phán. Còn ở xứ Quảng mình thì có câu "làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng" cũng mô tả sự vất vả của giai tầng nông dân một nắng hai sương đáng trân trọng thôi.

Lẩn quẩn với chuyện ăn, ta thấy cái chữ ăn trong tiếng Việt quá chừng là phong phú và đa nghĩa… Xin lấy vài ví dụ:

Cô gái nọ quê nông thôn dẫn chàng trai cùng làm công nhân ngoài phố về giới thiệu với gia đình. Người mẹ quê chất phác kéo con gái vô góc buồng hỏi nhỏ: Con nói thiệt với mẹ đi, hai đứa bay đã ăn nằm với nhau chưa? Nói đi để cha mẹ tính!

Một chị chửa hoang bị cả làng dị nghị: Con ni không biết ăn nằm với thằng cha nào mà mang cái bụng thè lè về đây rứa hè?

Ả nọ bỏ nhà theo trai, thuê nhà ở chung được thời gian thì bị thằng chả hất hủi. Tuy không để lại hậu quả gì nhưng mấy “bà Tám” cũng có dịp tranh nhau ra tham luận, nào là đồ ngu, để nó ăn nằm cho chán chê rồi xách mặt về, nào là cũng trai trên gái dưới chớ sạch sẽ gì mà chảnh chọe…

Hai chữ ăn - nằm mà đứng chung nhau thì câu chuyện trở nên kinh khủng hơn, mang đầy vẻ miệt thị, nghi ngờ. Trong tiếng Việt còn có các từ ghép khác như ăn chực, ăn vạ… cũng hàm ý chê bai tương tự.

Trở lại với ăn nằm, lại có một biến thể mà trong lúc giãn cách ở nhà, tôi lại nghe thêm chuyện khác. Một chị hàng xóm than phiền với bạn: Cả hai tháng nay, ông nhà tôi có làm lụng chi đâu! Chỉ có ăn rồi nằm ra đó, tới bữa lại ăn rồi lên nằm với cái ti vi hoặc là bấm "sờ mát phôn" lướt "phây búc" thôi! Vậy thì ăn và nằm không dính liền nhau, mà có thêm một liên từ và, với… ở giữa, thì ăn - nằm này chưa đến nỗi nào, chỉ là do hoàn cảnh trốn dịch covid thôi!

Nhưng sao chỉ nói ăn nằm mà không nói ăn ngồi, ăn đứng hoặc ăn đi?

Thưa có cả trong kho tàng tiếng Việt có cả: "Ăn không ngồi rồi" - nói đứa làm biếng. Chỉ đảo chữ không ra phía trước thôi cũng nhấn mạnh một sự thể phê phán kẻ ăn rồi ngồi không mà chẳng thiết làm chi cả! Không ăn ngồi thì là gì?

"Nuôi tằm ăn cơm đứng" như đã nói ở trên của người chuyên việc tàm tang ở nông thôn xứ Quảng mình đó. Còn vế trước "làm ruộng ăn cơm nằm" thì không phải ăn nằm như ở trên vì nó thêm một phụ ngữ cơm đứng giữa!

Cuối cùng là ăn và đi. Lưu dân Đàng Trong như tôi đã từng viết, họ vừa đi vừa ăn bằng cách nhặt nhạnh, thu hái hoặc chế biến nhanh tất cả những gì có trên cuộc hành trình hai trăm năm từ phía nam Hải Vân đến mũi Cà Mau trước đây. Cái bánh tráng, đòn bánh Tét, mấy món khoai lang ngào, khoai trụng, cái lẫu rau cá, mắm xổi, món nộm… mà bấy giờ đã là cao lương mỹ vị… là những dẫn chứng rất rõ…

Cuối cùng là các món “chặt to kho mặn” của xứ mình cũng là ví dụ khác. Vừa đi, vừa ăn hiểu theo nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng đều đúng cả!

Ôi, một chữ ăn thần tình trong tiếng Việt!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nằm, ngồi, đi đứng chi cũng… ăn!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO