(QNO) - Nấm là một món ăn quen mà chủ quan tôi nghĩ rằng vị ngon của nấm không phải chỉ ở cái đẹp của hình dáng, hương thơm của thảo mộc mà chính là sự khơi gợi ở vị giác một vẻ đẹp về sinh tồn. Ngoài hằng hà vô số các loại nấm được con người dưỡng sinh bằng thao tác khoa học thì nấm trong tự nhiên là một nguồn dinh dưỡng "trời cho".
Thân thuộc nhất với người làm ruộng có lẽ hơn hết là nấm rơm. Sau mùa rơm rạ nông nhàn giữa hai vụ, thường vào độ đầu đông, khi có những cơn mưa dài thì từ trong rơm rạ bắt đầu ủ mình và sản sinh một loại thực phẩm kỳ diệu.
Nấm rơm trong tự nhiên thật khó có thể đem so với nấm rơm (mà dường như không phải nấm rơm) ngày nào cũng được bày bán ở ngoài chợ. Từ tên gọi dung dị mà khác biệt so với các loại nấm trong tự nhiên được gọi tên theo kiểu dáng, đặc điểm hoặc màu sắc: như nấm rắn, nấm mèo, nấm huyết, nấm mối, nấm dai... thì tên loại nấm này gắn liền với nguồn gốc xuất xứ (nấm mọc từ rơm).
Xưa nay, cây lúa sau khi thu hoạch vẫn được người nông dân tận dụng tối đa để tạo ra những giá trị hữu ích gắn liền với cơ nghiệp của mình. Khi chưa có những nguồn thực phẩm tiện lợi mà ẩn chứa nhiều nguy cơ cho gia súc như hiện nay thì rơm khô là nguồn thức ăn chính của trâu bò trong mùa đông ẩm ướt. Những cây rơm cao ngất còn là "vật liệu xây dựng" nhà tranh vách đất mà giờ đây đã gần như bị bút mực xóa nghèo đưa vào ký ức...
Và rơm đó, sau khi tận dụng hết công năng thì được rải quanh vườn vừa là cách diệt cỏ không tốn chút công sức, vừa bù thêm nguồn dinh dưỡng lâu bền cho đất. Từ đây, ủ mình trong khí trời, trong mưa đêm và gió mạnh, nhất là sau những ngày mưa dầm bão rớt, từ rơm đã mọc lên một loại thảo mộc bình dị mà cái ngon của nó không kém phần "mỹ vị" - nấm rơm.
Có lẽ không gì vui sướng bằng trong một buổi sáng ngớt mưa, vừa lò dò cắp rổ ra vườn đã thấy lô nhô lú nhú những nấm là nấm. Và bất quản đám mạt rơm (một loại bọ nhỏ cắn rất ngứa) đang chực chờ bên dưới, nấm sẽ được "tận thu" trước lúc nở xòe tàn.
Bây giờ, khi hồi ức lại những hình ảnh này, tôi thầm nghĩ rằng phải chăng trời đất đã rộng lượng "hưỡn đãi" cho người nông dân sau một tiết trời dấm dẳng mưa đến cạn nguồn lương thực? Có phải vì thế mà nấm rơm đem chế biến kiểu gì cũng ngon đến cạn nồi cơm độn đầy khoai sắn? Riêng tôi, ngoài nấm xào, nấm nấu canh... thì có lẽ cao lương nhất vẫn là nấm nướng lùi tro. Rất có thể đó chính là món ăn tiện lợi nhất mà những đưa trẻ háu đói thiếu kiên trì như chúng tôi đã vội tạo ra.
Nấm đem rửa sạch, chạy ra vườn hái miếng lá chuối sứ gói chừng năm bảy cái, bỏ vào dăm hột muối rồi cột lại, lùi tro nóng. Chỉ tầm hai ba phút là chúng tôi đã có thể gắp ra vừa thổi vừa ăn. Hình ảnh đó, vị thơm ngọt đó giờ đây nhất định không thể diễn tả được bằng một kiểu ngôn ngữ nào ngoài một sự hình dung đầy tiếc nuối. Và trong bữa tiệc nấm hôm ấy, thể nào câu nói "nấm rơm thơm thịt gà" cũng sẽ được nhắc đi nhắc lại trong khi chực chờ những gói nấm nướng được vội vàng lùi tro tiếp tục.
Nấm rơm tự nhiên không phải là đặc sản riêng có của xứ Quảng, và tôi không chắc có bao nhiêu nơi có những đứa trẻ lớn lên giống anh em tôi trong mùi thơm ngậy của nấm nướng lùi tro. Tôi chỉ có thể tin rằng, nếu có tuổi thơ nào đã từng được dung dưỡng trong những giá trị tri túc, thì thức cao lương này nhất định sẽ còn mãi trong vẻ đẹp vang bóng của hồi ức...
NGUYỄN THỊ THANH THẢO