Năm Thân đáng nhớ trong đời Phan Châu Trinh

LÊ THÍ 24/03/2016 16:05

Phần lớn sách báo viết về Phan Châu Trinh đều cho biết ông sinh ngày 9.9.1872. Ngày tháng năm sinh này do chính Phan Châu Trinh khai. Nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân trong Tạp chí Bách Khoa số đặc khảo về Phan Châu Trinh cho biết vào năm 1924, sau nhiều lần xin về nước không được, cụ Phan đã làm khai sinh để bổ sung hồ sơ xin nhập quốc tịch Pháp nhằm đi lại được tự do hơn. Trong tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại của Pháp ở Aix-en-Provence vẫn còn bản khai sinh mang tên Phan Châu Trinh với ngày tháng năm sinh như trên. Về ngày sinh 9.9 có thể không hoàn toàn chính xác vì có lẽ chính Phan Châu Trinh cũng không nhớ ngày sinh của mình, chỉ ghi một ngày cho dễ nhớ, nhưng năm 1872 có lẽ là đúng. Như vậy, Phan Châu Trinh có tuổi Nhâm Thân và điều đặc biệt, điểm lại các danh nhân xứ Quảng sinh trong nửa sau thế kỷ XIX (1850-1900) thì hình như chỉ có hai người có tuổi Thân, đó là Nguyễn Đình Hiến và Phan Châu Trinh. Và Phan Châu Trinh cũng đã thoát chết trong đường tơ kẻ tóc cũng vào một năm Thân.

hình ảnh tái hiện người tù bị giam trong nhà tù Côn Đảo - nơi Phan Châu Trinh từng bị lưu đày.
hình ảnh tái hiện người tù bị giam trong nhà tù Côn Đảo - nơi Phan Châu Trinh từng bị lưu đày.

Năm Mậu Thân, 1908, sau một thời gian vận động, tuyên truyền và cả thực nghiệm, tư tưởng dân quyền của phong trào Duy tân đã bắt đầu “ngấm” vào quần chúng. Và ngòi nổ được châm vào ngày 9.3 nhân một đám giỗ của tộc Trương tại làng Phiếm Ái (nay là xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc). Hai ngày sau, ngày 11.3 với đơn xin giảm sưu thuế có chữ ký của 35 lý trưởng các làng ở Đại Lộc,  xuất phát từ đình làng Phiếm Ái, dân biểu tình kéo về huyện đường sau đó kéo thẳng xuống vây tòa Sứ ở Hội An. Lúc này không chỉ có dân của Đại Lộc mà còn dân của các huyện khác như Điện Bàn, Hòa Vang, Duy Xuyên… với hơn 3.000 người. Từ chỗ chỉ biểu tình vây tòa Sứ Hội An, lần lượt các phủ huyện khác trong cả tỉnh đều có biểu tình, Điện Bàn (20 - 22.3), Thăng Bình (26.3), Tam Kỳ (30.3), Hòa Vang (7.4), Duy Xuyên (9.4). Sau Quảng Nam biểu tình lan ra cả 10 tỉnh Trung kỳ. Từ chỗ bất bạo động đã bắt đầu có mầm mống bạo động.

Ông bà Phan Châu Trinh và con trai Phan Châu Dật.
Ông bà Phan Châu Trinh và con trai Phan Châu Dật.

Dù các lãnh tụ của phong trào Duy tân không ai trực tiếp tham gia, nhưng thực dân Pháp vẫn cho rằng  họ nếu không là thủ lĩnh trực tiếp thì cũng là thủ lĩnh gián tiếp, đứng sau lưng chỉ huy phong trào kháng thuế  “long trời lở đất” này. Trong số các lãnh tụ của phong trào thì: “Thực dân Pháp ghét nhất là Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp vì hai ông này có thiên tài hùng biện lôi cuốn người nghe, ít sợ Huỳnh Thúc Kháng vì ông ít nói”.

Mặc dù lúc này Phan Châu Trinh đang ở  Hà Nội, Trần Quý Cáp đang dạy học ở tận Khánh Hòa, còn Huỳnh Thúc Kháng đang ở Tiên Phước nơi hoàn toàn yên tĩnh, không có biểu tình. Thế nhưng Pháp ra tay ngay và nhân lần này quyết khử Phan Châu Trinh. Khâm sứ Trung kỳ điện nhờ Thống sứ Bắc kỳ bắt Phan Châu Trinh hỏa tốc giải về Huế. Phan Châu Trinh bị bắt ngày 31.3.1908, hai ngày sau đã có mặt ở Huế.

Ông bị Tòa Khâm giao cho Phủ Phụ chính xét xử. Khâm sứ Trung kỳ Lévecque cho rằng Phan Châu Trinh đã kích động dân chúng chống lại Chính phủ Pháp nên làm áp lực buộc Nam triều phải áp dụng điều 223 Bộ luật Gia Long  xử án “trảm quyết” (chém ngay). Ngày 10.4.1908, Hội đồng Cơ mật dưới sự chủ trì của Thượng thư Lê Trinh, sau khi luận tội ông “âm mưu phản nghịch nhưng chưa thực hiện”, nên chỉ kết án “xử giảo giam hậu (giam lại chém sau)… đày đi Lao Bảo và bị cầm cố chung thân, không được hưởng ân xá như các tội nhân khác trong các lễ lớn” theo điều 224. Bản án gửi qua Tòa Khâm, Lévecque tức giận, lồng lộn lên đòi phải xử lại. Trong phiên họp ngày 11.3 Lévecque cho rằng Phủ Phụ chính đã nhầm lẫn trong việc áp dụng pháp luật khi vận dụng điều 224 về “mưu loạn vị hành” (mưu loạn nhưng chưa làm) đối với trường hợp Phan Châu Trinh, vì không thể nói ông “mưu loạn nhưng chưa làm” mà chính ông đã tổ chức “sách động” dân chúng gây ảnh hưởng không chỉ ở Quảng Nam mà cả các tỉnh Trung kỳ, đã đi từ Nam chí Bắc tổ chức những hội kín, liên lạc thường xuyên với Phan Bội Châu. Y cho rằng “Phan Châu Trinh đã phạm hai tội: tội phản quốc vì  kêu gọi Nhật Bản giúp, tội làm loạn vì kích động dân chúng chống lại quyền lực của nhà vua và nhà nước bảo hộ”, nên nhắc Phủ Phụ chính “phải áp dụng đúng đắn văn bản pháp luật, không để cho những suy nghĩ khác chi phối”, phải “xem xét lại bản án này”.

Trong phiên xử lại ngay ngày hôm sau (12.4.1908), Phủ Phụ chính cũng do Thượng thư Lê Trinh chủ trì, có sự hỗ trợ tích cực của Thượng thư Cao Xuân Dục đã thuyết phục sáu vị còn lại giữ vững quan điểm, cương quyết thực hiện điều 224 cho Phan Châu Trinh. Thượng thư Lê Trinh còn nhắc cho Khâm sứ biết là “Cuộc kháng thuế không có vũ trang chỉ đấu tranh bất bạo động và Phan Châu Trinh không trực tiếp tham gia” và “Điều 223 chỉ áp dụng cho Phan Bội Châu mà thôi và giữa Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh tội trạng lại hoàn toàn khác nhau” (vì biết rằng Phan Bội Châu đang ở Nhật, ngoài vòng kiểm soát của Pháp).

Trước sự “cứng đầu” của Phủ Phụ chính nhất là của hai vị Thượng thư Bộ Học và Bộ Lễ, dù rất bực mình nhưng Khâm sứ Pháp Lévecque phải ngậm bồ hòn làm ngọt chấp nhận bản án vì không muốn gây thêm căng thẳng. Mặt khác y rất sợ phản ứng mạnh hơn của Phủ Phụ chính, nhất là trong lúc phong trào kháng thuế đang sôi sục khắp Trung kỳ. Nhưng y cố vớt vát gỡ thể diện bằng cách buộc phải đày Phan Châu Trinh ra Côn Đảo chứ không phải ra Lao Bảo như bản án của Phủ Phụ chính. Trong công điện gửi Toàn quyền Đông Dương xin đày Phan Châu Trinh ra Côn Đảo, Lévecque viết: “việc giam giữ phạm nhân rất năng động và rất khôn ngoan này ở Lao Bảo là hoàn toàn không bảo đảm mà buộc y phải thi hành án ở Côn Đảo”.

Hai vị Thượng thư ra lệnh đày Phan Châu Trinh ra Côn Đảo ngay vì sợ để lâu Tòa Khâm đổi ý có thể ảnh hưởng xấu đến sinh mạng của viên thuộc cấp mà hai vị vốn rất kính nể. Thế là Phan Châu Trinh thoát án chém và ngay ngày 14.4.1908 Phan Châu Trinh lên đường ra Côn Đảo. Trong Thi tù tùng thoại,  Huỳnh Thúc Kháng cho biết: “Cụ về Kinh, ra trước hội đồng xử án, khẳng khái một lời không chịu khuất. Nghiêm giam ở Hộ thành, cụ tự nghĩ không còn hy vọng sống. Một bữa có hai người đội và hai người lính vào nhà giam, xem xét gông, khóa tay cụ rồi dẫn ra cửa ngục. Cụ định chắc là dẫn đi chém. Nhưng theo lệ, phàm tù trọng tội xử tử thì dẫn ra cửa Bắc (cửa An Hòa), nay lại dẫn ra cửa Nam. Cụ hỏi thì người đội trả lời: Anh bị đày đi Côn Lôn. Cụ liền khẩu chiếm bài thi:

Xiềng gông cà kệ biệt đô môn

Khẳng khái ngâm nga lưỡi vẫn còn

Đất nước đắm chìm nòi giống mỏn

Thân trai nào sợ cái Côn Lôn!

Công lao của Phủ Phụ chính, trong đó đứng đầu là Thượng thư Lê Trinh, đã được cụ Phan ghi lại với nhiều cảm kích: “Trong một thời gian ngắn nhiều bản án đã được chính quyền Pháp phê duyệt xử phạt các nhà nho bị bắt, trong đó có tôi, người thì án tử hình, người thì án lưu đày hoặc khổ sai chung thân. Tôi xin nói rõ ở đây, để làm rạng danh họ, rằng một số vị quan triều đình Huế, mặc dù bị sức ép của Tòa Khâm sứ, đã từ chối ký vào bản án tử hình của tôi vì họ chẳng tìm ra điều gì để buộc tội tôi, ngoài một điều là tôi đã không làm vừa lòng một số quan chức. Nhân đây, tôi xin tỏ lời khen về một chút liêm sỉ còn sót lại trong các bản án man trá chứa đựng biết bao điều tàn bạo”.

Biết được tinh thần yêu nước của các vị đứng đầu Cơ Mật viện, luôn tìm cách bênh vực - trong điều kiện cho phép - đối với các nhà nho yêu nước nên sau đó khâm sứ Lévecque đã ra lệnh giết ngay Trần Quý Cáp ở Khánh Hòa chứ không giải về Huế và giao cho Cơ Mật viện xét xử như thủ tục quy định.

LÊ THÍ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Năm Thân đáng nhớ trong đời Phan Châu Trinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO