Năm tôi hai mươi

LÊ HỨA HUYỀN TRÂN 27/11/2016 10:50

Ngày đầu tiên tôi gặp người ấy, tôi tự nhủ rằng đó là một định mệnh, nhưng nếu quả thật đó là định mệnh, tôi không biết được duyên phận này vốn lẽ đúng hay sai. Tôi là sinh viên khoa văn, tôi yêu những câu chuyện và tôi lãng mạn. Trường tôi, sinh viên khoa văn và khoa nhạc thường hay “kết” nhau, vì có một điểm chung là lãng mạn. Những mối tình ấy ít khi đi đến đâu nhưng lúc nào nhớ về cũng sẽ toàn kỷ niệm đẹp. Trong khi phần lớn những cô nàng văn khoa yêu những anh chàng mang guitar trên vai thì tôi lại đặc biệt ấn tượng với những chàng trai biết thổi sáo hoặc chỉ đơn giản là có thể vi vu tung hứng với kèn harmonica. Bạn bè hay trêu tôi kém cảm nhận, âm thanh réo rắt của sáo và tiếng khè khè đầy tạp âm của harmonica sao có thể bằng âm hưởng vang rộng của guitar được. Tôi không nói, chỉ cười. Tôi thích những gì là khác lạ.

Năm tôi hai mươi, tôi gặp người ấy. Đó là một người đàn ông đậm thước với chiếc áo sơ mi trắng lúc nào cũng được dắt vào quần một cách gọn ghẽ. Lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau là dưới giàn hoa giấy, khi tôi đang cùng đám bạn ôm sách đi vội tới tiết học thêm thì bắt gặp anh, lúc ấy đang ngồi du dương với cây kèn harmonica. tim tôi như có một sự chấn động nhẹ, lúc ấy, cứ như trong không gian chẳng có ai, chẳng có cả đám bạn tôi đứa thì kèo nài tôi đi, đứa thì đang ngẩn ngơ trước một chàng thư sinh áo trắng, chỉ có anh và tôi, và những bản nhạc không lời. Thấy tôi đứng ngẩn ngơ, anh cười hiền:

- Cô bé thích điệu nhạc của anh à?

Như để chữa thẹn, tôi vội cất lời:    

- Rõ vô duyên, đường đâu phải của anh. Muốn đi hay dừng lại cũng vì anh à?

Đó là kỷ niệm đầu tiên của chúng tôi. Lần thứ hai gặp nhau là khi thầy của tôi dẫn anh ra mắt với câu lạc bộ, anh sẽ tạm thời làm chủ nhiệm câu lạc bộ sáng tác văn học của chúng tôi trong vài tháng cho tới khi thầy chữa bệnh xong. Anh là sinh viên cũ của thầy, đang làm việc tại một nơi khác, nay thầy nhờ nên mới về trường cũ làm chủ nhiệm một thời gian. Vì tôi là trưởng câu lạc bộ nên nghiễm nhiên thầy giới thiệu tôi với anh. Ngay khi vừa thấy tôi, anh đã vội cười “A, cô bé vô lễ”, làm tôi khá thẹn. Sau lần đó, vì những công tác của câu lạc bộ, anh và tôi hay gặp nhau. Anh bảo tôi:

- Ra là mới năm nhất à? Thế là nhỏ hơn anh đúng một con giáp, phải lễ phép với anh nghe chưa?

- Hơn những một con giáp cơ đấy. Thế thì phải gọi là chú cơ.

- Ai lại gọi chú, một là anh, hai là thầy, đâu già đến độ đó?

- Một con giáp là quá rồi chú ạ. Có dạy em đâu mà em gọi là thầy, chỉ là chủ nhiệm của em thôi. Một chú, hai không, cho chú chọn.

Anh cười ha hả, đó là cảm xúc chủ đạo của những ngày tôi và anh cùng làm việc với nhau. Năm hai mươi tuổi, tôi yêu và chia tay mối tình đầu trong cùng một năm. Chẳng hiểu sao những cuộc chia ly thường đi kèm những cơn mưa. Và cũng chẳng biết sao lúc tôi cô đơn nhất lại có anh bên cạnh. Anh bắt gặp tôi trên con đường đi học về, đang khóc tức tưởi vì mối tình tan vỡ với anh khóa trên. Anh nài tôi lên xe chở về, nít nôi đi dưới mưa cảm bệnh: “Lên xe đi nào, có nghe lời “chú” không hả? Chấp nhận làm “chú” một lần cho thấy tiếng nói người lớn hơn rồi đó. Người ta hạ mình như thế rồi, có leo lên xe không?”. Và tôi lại bật cười trước người đàn ông đã quá ngưỡng ba mươi nhưng lúc nào cũng cười đùa như con nít. Năm hai mươi tuổi, mối tình đầu của tôi đau một cơn đau rất nhẹ nhàng là nhờ có anh.

Năm tôi hai mươi tuổi, người ta ghép cặp tôi với anh vì chúng tôi thường hay đi với nhau. Đám bạn tôi đứa thiện ý thì bảo: “Nói thực thì anh Di là một người đàn ông tốt tính, hiền lành, lại chu đáo không chê vào đâu được. Nhưng, nếu quả thật làm mẫu đàn ông để cặp kè bây giờ thì… mày nên nghĩ lại, hơn mày những một con giáp đấy. Mày còn quá trẻ còn ổng thì quá già rồi”. Vài đứa ác mồm lại dị nghị: “Vốn dĩ gọi bằng anh nhưng thực ra lại đáng tuổi chú rồi, hơn mười hai tuổi. Dù chỉ là chủ nhiệm tạm thời nhưng cũng là thầy trò, nghĩ sao mà thích mà yêu thế được?”. Lúc đó tôi chợt nhận ra, thì ra đối với tuổi hai mươi của chúng tôi thời bấy giờ, tuổi tác là một vấn đề vô cùng quan trọng, và vì đám bạn cứ nói ra nói vào tôi cũng buột miệng:

- Tao không bao giờ yêu ai hơn tao những một con giáp, đáng tuổi chú của tao đâu.

Tôi nghe có tiếng rơi của chiếc kèn harmonica mới mà anh hứa mua cho tôi ở sau lưng. Tôi nghe tiếng cười vụn vỡ của anh chợt tắt trên môi và bàn tay anh nhẹ nhàng khoác lên vai tôi và cả đám bạn, giả lả:

- Mấy đứa khéo trêu bạn ghê nhỉ? Chú là chú chẳng bao giờ yêu trò mình đâu nha.

Kể từ đó tôi với anh trở nên ngượng nghịu, rồi dần xa cách, bạn bè bảo tôi, nào là anh chỉ hợp làm người hướng dẫn, đừng dính vào yêu đương, rồi thì tôi còn nhỏ quá, mới năm một, tương lai còn phía trước… Vài tháng sau, thầy khỏe lại, anh đi. Ngày anh đi, nhiều đứa khóc bù lu bù loa một phần vì dân văn nhạy cảm, phần khác anh rất tốt với chúng tôi. Tôi vì ngại không nói lời tiễn biệt anh, chỉ có anh bước qua xoa đầu tôi và dúi vào tay tôi một món quà, thế rồi anh đi. Chỉ có thế, không ai nói với ai lời nào…

Năm tôi hai mươi, tôi nhận được một chiếc kèn harmonica từ một chàng trai lớn hơn tôi cả một giáp. Một chàng trai mà mãi sau này tôi cũng không có dịp gặp lại nữa. Chàng trai ấy là người mà tôi đã lỡ thương.

LÊ HỨA HUYỀN TRÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Năm tôi hai mươi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO