Nam Trà My chồng chất khó khăn sau mưa lũ

TẤN SỸ 26/10/2020 06:55

Những đợt mưa lũ vừa qua, huyện Nam Trà My thiệt hại khá nặng nề. Đến thời điểm này, nhiều xã vẫn còn cô lập, nguy cơ sạt lở núi luôn hiện hữu.

Nam Trà My huy động lực lượng xung kích khắc phục sạt lở. Ảnh: T.SỸ
Nam Trà My huy động lực lượng xung kích khắc phục sạt lở. Ảnh: T.SỸ

Lo sạt lở

Hơn 10 ngày qua, 54 hộ dân làng Tu Chai (xã Trà Cang) luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. Quả đồi hàng chục nghìn mét khối đất đá nguy cơ sạt lở, vùi lấp cả làng. Ban ngày bà con ở tạm trong nhà, ban đêm họ phải di chuyển qua làng khác trú nhờ.

Thấy người lạ đến làng, bà Lê Thị Hồng Vân dắt theo đứa con nhỏ đến bắt chuyện như muốn kể nỗi khó khăn đang hiện hữu. Theo bà Vân, từ lúc quả đồi sạt xuống phá nát con đường, việc đi lại của bà con trong làng rất khó khăn. Lúa rẫy đến kỳ thu hoạch thì bị sạt lở vùi lấp, các kho lúa trong làng chỉ cầm cự được chừng 10 ngày nữa, nên nếu không sớm thông đường thì người dân sẽ thiếu ăn.

Ông Phan Văn Năm - Giám đốc Công ty Xây dựng Năm Nhung (đơn vị được huyện Nam Trà My giao thi công, bảo dưỡng tuyến đường hơn 3km từ thôn 1 đi thôn 3 xã Trà Cang) cho biết, khối lượng đất đá vùi lấp tại làng Tu Chai quá lớn, khoảng 20.000m3, với chiều dài hơn 300m. Việc khắc phục sẽ mất một tháng mới có thể thông tuyến, tạm thời đơn vị san gạt một con đường nhỏ để bà con có thể đi bộ qua lại.

Ông Lê Thế Trường - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Nam Trà My cho biết, không chỉ Trà Cang, hiện tại ở Nam Trà My có 6 xã với 10 điểm sạt lớn, gây cô lập hàng chục thôn với gần 1.000 hộ đồng bào Ca Dong, Xê Đăng. Trong đó sạt lở nặng nhất là ở các xã Trà Vân, Trà Vinh, Trà Leng, Trà Cang. Khối lượng đất đá vùi lấp, chia cắt đường ở 10 điểm thôn là hơn 70.000m3 . Hiện tại đơn vị chỉ đạo các công ty xây dựng làm việc 24/24 giờ để sớm thông tuyến cho bà con đi lại.

Tại điểm trường Tăk Chai có 2 lớp ghép với 25 học sinh Xê Đăng đang theo học. Từ ngày bão số 5 diễn ra, rồi sạt lở đường đến nay, ngày nào lớp học cũng vắng từ 5 đến 10 em. Cô giáo Đỗ Thị Sương (phụ trách điểm trường) cho biết, sạt lở đường giáo viên có thể đi bộ vào giảng dạy, nhưng phụ huynh thì không thể đưa con nhỏ vượt núi đi học; chỉ có các em ở gần trường thì đến lớp, chứ còn 11 em ở thôn 5 vắng học nhiều ngày nay. Ở đây các em tiếp thu kiến thức rất chậm, nay không đến lớp thường xuyên thì chất lượng cuối năm sẽ rất thấp.

Giải pháp tình thế

Xã Trà Vân là một trong 6 địa phương bị sạt lở, chia cắt dài ngày nhất của huyện Nam Trà My. Theo ông Hồ Văn Huyện - Chủ tịch UBND xã Trà Vân, địa phương đã huy động hơn 300 đoàn viên thanh niên xung kích mở đường tạm thời qua các điểm sạt lở lớn cho bà con đi lại và luân phiên đứng tại các điểm sạt lở để trung chuyển học sinh nhỏ đến lớp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, là huyện thường xuyên bị sạt lở núi, chia cắt giao thông mỗi khi mùa mưa bão đến, nên ngay từ đầu tháng 8, Nam Trà My đã chỉ đạo cho các ngành, địa phương chủ động hợp đồng với các nhà thầu, công ty xây dựng. Giao trách nhiệm đưa phương tiện cơ giới máy móc túc trực sẵn sàng 24/24 giờ tại các điểm có nguy cơ sạt lở cao. Do đó, mặc dù chịu ảnh hưởng của sạt lở đất do bão số 5, 6, 7 gây ra, song Nam Trà My đã sớm thông đường bước đầu về 10/10 xã. Tuy nhiên, với 10 điểm sạt lở ở thôn quá lớn, phương tiện cơ giới chưa thể cơ động đến nơi, do đó công tác khắc phục còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện tại Nam Trà My chỉ đạo các xã huy động lực lượng thanh niên xung kích mở đường, làm đường tạm cho bà con đi lại; mở các kho thóc nhân đạo, kho thóc chống lũ để hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân có nguy cơ thiếu ăn, kiên quyết không để tình trạng thiếu đói cục bộ xảy ra.

“Cái khó nhất của Nam Trà My hiện nay là nguồn lực địa phương còn quá hạn chế, trong khi ngân sách dự phòng đã chi gần hết cho hoạt động phòng chống đại dịch Covid-19 vừa qua, nên việc khắc phục thiên tai, sạt lở núi là ngoài tầm tay của địa phương. Nam Trà My đang rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương và tỉnh để sớm thông đường, ổn định đời sống dân sinh cũng như việc học hành của con em địa phương” - ông Trần Văn Mẫn nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nam Trà My chồng chất khó khăn sau mưa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO