Trước diễn biến bất thường của thời tiết, cùng với dự báo về tình hình thiên tai năm nay, huyện Nam Trà My đã tích cực chủ động nhằm phòng ngừa thiệt hại.
Phòng ngừa sớm
Trà Cang là xã có địa bàn rộng, nhiều điểm dân cư phân tán, nhiều tuyến giao thông đi qua các điểm có địa hình phức tạp, nguy cơ sạt lở cao, nhất là trong mùa mưa bão. Theo đó, công tác truyền thông phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai được xã thực hiện sớm.
Ông Ngô Tấn Lạc - Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho hay, với điều kiện hạ tầng viễn thông còn khó khăn, kinh phí cho công tác ứng phó hạn chế đã ảnh hưởng đến kết quả phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của xã. Vì vậy, Trà Cang xác định việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trên tất cả kênh thông tin là hết sức cần thiết nhằm phòng ngừa sớm.
Ông Lạc cho biết: “Thông qua tuyên truyền trực tiếp, phát thanh tiếng Xơ Đăng trên đài xã, lắp đặt biển cảnh báo và nhất là phát huy kênh truyền thông mạng xã hội zalo... chúng tôi đã đưa thông tin cảnh báo, hướng dẫn phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong mọi tình huống”.
Tại xã Trà Don, 51 hộ bị ảnh hưởng sạt lở tại làng Tắk Tố (thôn 3) được nhà nước hỗ trợ sắp xếp dân cư theo Nghị quyết 23 đã có nhà ở ổn định tại khu dân cư mới.
Ông Đinh Văn Vượng - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Don chia sẻ: “Khu dân cư Tắk Tố hiện có 216 nhân khẩu, sau cơn bão số 4 hồi năm 2022 gây sạt lở, ảnh hưởng đến an toàn của người dân.
Khi triển khai phương án vận động người dân ra khỏi làng cũ, về vị trí an toàn hơn, từ thực tế sạt lở đang diễn ra, người dân đồng tình di dời. Khu dân cư hiện nay là kết quả từ sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của xã nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân”.
“4 tại chỗ” ứng phó thiên tai
Những năm trở lại đây, nhờ triển khai hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, thiệt hại do thiên tai gây ra cho Nam Trà My qua từng năm giảm đi đáng kể.
Trung tá Đặng Ngọc Toàn - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My cho biết, ngay từ đầu mùa mưa bão, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị và lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh sẵn sàng phương án tham gia ứng cứu và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
“Khi xử lý tình huống trong tìm kiếm cứu nạn, bão lũ, chúng tôi luôn phải đảm bảo đủ thành phần như: bộ phận chỉ huy, hậu cần, khắc phục, y tế, bảo đảm an ninh.
Dự kiến tình huống, phân công lực lượng trên các hướng, nắm rõ số điện thoại của các hộ dân trong vùng có nguy cơ và tuyên truyền vận động nhân dân khi có tình huống. Khi có lệnh di dời thì xác định rõ vị trí để người dân nắm và thực hiện” - Trung tá Đặng Ngọc Toàn thông tin.
Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức về phòng chống thiên tai trong nhân dân, cũng như đẩy mạnh việc quy hoạch, sắp xếp lại dân cư là cách mà nhiều địa phương khác của Nam Trà My đang triển khai thực hiện đồng bộ.
Chỉ trong hai năm 2021 và 2022, số hộ đã được sắp xếp, di dời chỗ ở là 202 hộ, trong đó di dời khẩn cấp do thiên tai 168 hộ. Chính quyền và người dân đã nhận thức được rằng, sắp xếp lại dân cư không những góp phần ổn định và nâng cao đời sống của chính người dân, mà còn giúp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Với phương châm “4 tại chỗ”, người dân và chính quyền sẽ chủ động hơn trong việc phòng tránh thiên tai.
Hàng năm, Nam Trà My luôn là địa phương chịu thiệt hại nặng nề của thiên tai, do đó UBND huyện có kế hoạch phòng tránh thiên tai rất sớm, đồng thời chỉ đạo mỗi xã phải có phương án ứng phó cụ thể.
Ông Mẫn cho biết: “Huyện luôn bố trí lực lượng trực chiến trên các tuyến đường, nếu sạt lở sẽ xử lý ngay, tránh bị cô lập, đồng thời tổ chức, phân công lực lượng tại chỗ gồm dân quân, công an, thanh niên… trực tiếp xử lý.
Bên cạnh đó chúng tôi phải chủ động lương thực thực phẩm đầy đủ, gạo sẽ cấp trước mùa mưa cho các xã, thôn, sau thiên tai phải tập trung khắc phục ngay để không ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của nhân dân”.