Để ứng phó với mưa lớn và tình trạng sạt lở đất ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của người dân, huyện Nam Trà My đã khảo sát, tổ chức di dời, sắp xếp người dân đến nơi an toàn.
Đợt mưa lớn từ ngày 12 - 16.12 vừa qua, trên địa bàn huyện Nam Trà My có lượng mưa trung bình khoảng 80 - 100 mm gây sạt lở, ảnh hưởng đến dân cư và các công trình hạ tầng. Tại khu vực tổ 4 (thôn 1, xã Trà Mai) đá trên đồi cao phía sau nhà sạt lở gây nứt lún nền, gãy tường của 6 hộ dân. Để đảm bảo an toàn tính mạng, bảo vệ tài sản cho người dân, UBND huyện Nam Trà My đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ công an, lực lượng vũ trang, thanh niên tình nguyện và dân quân xã Trà Mai đến vận động và di dời tài sản của người dân đến nơi an toàn. Ông Nguyễn Tấn Cung - Chủ tịch UBND xã Trà Mai cho biết, khu vực xảy ra sạt lở vừa qua tại tổ 4 (thôn 1) không nằm trong khu vực bố trí, sắp xếp lại dân cư. Tuy nhiên khi phát hiện có dấu hiệu sạt lở, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai huyện tổ chức di dời về nhà sinh hoạt cộng đồng phòng tránh thiên tai huyện và các hộ dân lân cận nhằm đảm bảo an toàn. “Đối với các hộ dân bị sạt lở đang ở nhờ các nhà người thân, UBND xã báo cáo huyện sớm có hỗ trợ hoặc bố trí đất cho họ sớm ổn định cuộc sống” - ông Cung nói.
Ông Trịnh Minh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My cho biết, năm 2018 thực hiện Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh về định hướng phát triển kinh tế - xã hội gắn với ổn định sắp xếp dân cư miền núi, địa phương đã di dời 631 hộ dân ở 12 khu vực của 10 xã. Năm 2019 dự kiến Nam Trà My sẽ tổ chức di dời 1.619 hộ/39 điểm. Theo đề án của huyện, năm 2020 trên địa bàn từ 224 điểm dân cư sẽ còn 115 khu dân cư. |
Cũng trong đợt mưa lớn vừa qua, tại làng Tak Choa (thôn 4, xã Trà Linh) có 5 ngôi nhà của 5 hộ dân bị đất đá trên đồi cao phía sau nhà sạt lở, gây nguy hiểm, có khả năng ngã đổ tường nhà nên cũng được nhiều thanh niên tình nguyện và dân quân xã Trà Linh vận động, tổ chức di chuyển người và tài sản, đồ đạc đến nơi an toàn. Mưa lớn cũng làm cho tuyến đường Tak Pong - Tak Ngo bị sạt lở taluy âm nhiều đoạn, gây chia cắt giữa thôn 1 và thôn 2 (xã Trà Linh). Tuyến đường Trà Linh - Măng Lùng sạt lở 2 điểm với khối lượng đất đá lớn làm chia cắt giữa thôn 1 và UBND xã Trà linh. Sau khi mưa kết thúc, các ngành chức năng đã tổ chức triển khai phương án san ủi đất, đá nhằm giải phóng bước 1 các tuyến đường giao thông bị chia cắt, đưa phương tiện san ủi đất đá sạt lở để thông đường cho nhân dân, cán bộ và học sinh thuận lợi việc đi lại.
Trong năm 2018, các địa phương ở Nam Trà My cũng đã tổ chức rà soát những khu dân cư có nguy cơ sạt lở cao và di dời trước mùa mưa. Ông Trần Xuân Mố - Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết, làng Măng Lâng (hay còn gọi làng Măng Klâng, Măng Lưng) là một trong những địa phương có nguy cơ sạt lở cao. Từ đầu năm 2018, người dân làng Măng Lâng đã phát hiện có vết nứt gần 1m sau khu núi và trình báo lên chính quyền địa phương. Qua khảo sát UBND huyện Nam Trà My cho tổ chức di dời 69 hộ dân về điểm định cư mới cách làng cũ khoảng 500m. Hiện bà con tổ chức di dời.
THANH THẮNG