Hai ngày qua tại huyện Nam Trà My xuất hiện mưa lớn liên tục khiến hàng nghìn mét khối đất đá cùng cây cối sạt lở xuống các trục đường giao thông gây cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Tuy nhiên, nhờ chủ động các phương án ứng phó nên địa phương không lo chuyện thiếu lương thực trong dân như những năm trước đây.
Điểm sạt lở tại km95 trên quốc lộ 40B diễn ra vào sáng ngày 2.11Ảnh: HOÀNG THỌ |
Cô lập hoàn toàn
Mưa lớn bắt đầu xuất hiện tại huyện Nam Trà My từ sáng sớm ngày 1.11 khiến các trục đường giao thông ở Nam Trà My bị sạt lở đất đá gây cô lập hoàn toàn. Ngoài 6 điểm sạt lở lớn trên tuyến huyết mạch quốc lộ 40B đoạn từ xã Trà Dơn về trung tâm huyện xảy ra vào ngày 1.11 thì mưa lũ tiếp tục gây sạt lở thêm 4 điểm tại khu vực này. Riêng điểm sạt lở tại khu vực thác 5 tầng thuộc km95 trên tuyến quốc lộ 40B xuất hiện lúc 7 giờ 30 sáng ngày 2.11 với khoảng 10.000m3 đất đá cùng cây cối ngã đổ gây đứt hơn 20m nền đường nhựa và cắt đứt giao thông. Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Nam Trà My, trên đoạn đường 40B chưa tới 10km nhưng xuất hiện tới 10 điểm sạt lở lớn nhỏ. Nhiều phương tiện vận tải vẫn còn mắc kẹt tại khu vực này. Ngoài thiệt hại về giao thông, mưa lũ cũng khiến cho mạng di động Vinaphone, Mobiphone tại Nam Trà My tê liệt, công trình nước sinh hoạt cho khu trung tâm hành chính Tắc Pỏ hư hỏng hoàn toàn, nhiều diện tích hoa màu và công trình thủy lợi của người dân bị cuốn trôi, thiệt hại nặng. Hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa bị ngưng trệ. Chưa có thông tin thiệt hại về người.
Trước tình trạng này, huyện Nam Trà My đã điều động xe múc giải phóng ách tắc trên tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ 40B nhưng do tình trạng sạt lở diễn ra mỗi lúc một lớn hơn nên chưa thể triển khai phương án thông tuyến. Ông Lê Thanh Hưng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nam Trà My trên đường đi kiểm tra thiệt hại cho hay, huyện đã cử lực lượng công an, quân đội lập điểm chốt chặn để không cho người dân lưu thông trên tuyến quốc lộ 40B nhằm đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng; chỉ đạo các trường cho học sinh tạm nghỉ để bảo đảm an toàn; chỉ đạo lực lượng xung kích 10 xã trực sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. Riêng đối với những khu vực dân cư xung yếu nếu có nguy cơ sạt lở thì huy động lực lượng tại chỗ để tiến hành di dời người và tài sản đến nơi an toàn. “Mưa quá lớn, sạt lở nhiều. Chúng tôi đã cố gắng điều phương tiện để thông tuyến nhưng sạt lở lớn nên chưa thể làm được gì. Với khối lượng đất lở, đồi sạt lớn như vậy nên huyện đã kiến nghị tỉnh quan tâm điều thêm phương tiện mới khắc phục sớm được” - ông Hưng cho biết.
Không lo thiếu đói
Trước những diễn biến hết sức khó lường của mưa lũ, trưa hôm qua (2.11), UBND huyện Nam Trà My đã triệu tập cuộc họp khẩn để bàn giải pháp ứng phó với thiên tai. Ưu tiên số một của địa phương là đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng người dân. Theo đó, sẽ tăng cường thêm lực lượng công an, quân đội để chốt chặn trên trục 40B nhằm nghiêm cấm người và phương tiện lưu thông khi mưa lũ, sạt lở đang diễn ra. Cử các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện về 10/10 xã để nắm tình hình và chỉ đạo các địa phương xử lý khi có tình huống xấu xảy đến.
Năm nay, nhờ địa phương chủ động xây dựng phương án nên việc thiếu lương thực trong nhân dân sẽ khó xảy ra. Theo Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu, trước mùa mưa lũ, huyện chỉ đạo các ngành chức năng ký kết với các chủ hộ kinh doanh tại trung tâm huyện dự trữ gạo và nhu yếu phẩm nhằm đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. Cạnh đó, huyện đã có siêu thị bày bán đầy đủ chủng loại hàng thực phẩm, tiêu dùng nên nhu yếu phẩm không bị khan hiếm. Chợ trung tâm huyện cũng mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng nên các tiểu thương đều dự trữ khá nhiều thực phẩm, hàng tiêu dùng. Tại các xã đã xây dựng kho dự trữ gạo cứu đói do trung ương hỗ trợ và sẵn sàng xuất kho khi có yêu cầu. Đối với 43 thôn đều có kho thóc nhân đạo, 243 khu dân cư đều có kho thóc tình thương đang dự trữ hàng chục tấn lương thực để cứu đói. Đáng mừng là mùa vụ năm nay năng suất lúa nước và lúa rẫy của nhân dân Nam Trà My đạt khá cao. Hiện tại, hơn 98% diện tích hoa màu đã được nhân dân thu hoạch xong và đưa về làng dự trữ nên chuyện thiếu lương thực rất khó xảy ra. Còn đối với học sinh từ cấp 1 đến cấp 3, nhờ thực hiện mô hình phổ thông dân tộc bán trú nên bình quân mỗi học sinh được Nhà nước cấp 15kg gạo/tháng. Số gạo của học kỳ I đã được chuyển về các trường học đưa vào kho dự trữ nên đời sống học sinh những ngày mưa gió vẫn được đảm bảo. “Nhờ địa phương chủ động xây dựng phương án đối phó nên khi mưa lũ, cô lập xảy ra, chúng tôi đã ứng phó kịp thời. Khó khăn nhất hiện nay là việc giải phóng ách tắc trên tuyến giao thông huyết mạch 40B để nhân dân đi lại, giao thương thuận tiện” - ông Bửu cho biết.
Đến chiều tối qua mưa lũ ở Nam Trà My vẫn còn diễn ra khá lớn, ước đạt trên 300mm. Các trục đường giao thông tiếp tục xảy ra sạt lở lớn. Nước lũ từ thượng nguồn vẫn đổ về khá mạnh, đe dọa nhiều điểm xung yếu. Riêng đoạn sông Tranh tại khu vực trung tâm hành chính Tắc Pỏ đã xảy ra sạt lở do chưa được đầu tư bờ kè kiên cố. Dự kiến để khắc phục hết khối lượng đất đá sạt lở chỉ tính riêng tuyến 40B từ Trà Mai xuống Trà Dơn phải mất hơn 1 tuần lễ mới xong.
HOÀNG THỌ