(QNO) - Chiều 25.8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu làm việc với huyện Nam Trà My về công tác sắp xếp dân cư, ứng phó thiên tai và phát triển cây dược liệu trên địa bàn.
Huyện Nam Trà My đang gấp rút thực hiện các phần việc ứng phó thiên tai. Huyện đã hỗ trợ sắp xếp, di dời chỗ ở cho 1.991 hộ dân trong giai đoạn 2017 - 2020. Năm 2021 đã sắp xếp lại chỗ ở cho 203 hộ, trong đó 93 hộ vùng thiên tai cần di dời khẩn cấp, 108 hộ sống phân tán, 2 hộ nghèo đặc biệt khó khăn.
Nhiều công trình dân sinh gồm 10 tuyến đường, 36 công trình nước sinh hoạt, 39 công trình thủy lợi bị hư hỏng... được Nam Trà My đầu tư khắc phục, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công trình trước mùa mưa bão năm nay.
Đối với phát triển cây dược liệu, ngoài sâm Ngọc Linh, người dân phát triển một số loại cây khác như giảo cổ lam, đảng sâm, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa, chè dây, khổ qua rừng... với diện tích hơn 366ha.
Thu nhập bình quân của các hộ trồng dược liệu 20 - 30 triệu đồng/năm; có nơi người dân chăm sóc tốt và tự nhân rộng để trồng thì thu hoạch đạt 50 - 70 triệu đồng/năm, như xã Trà Nam, Trà Linh, Trà Cang.
Nam Trà My hiện có 5 cơ sở kinh doanh thu mua sản phẩm thô của người dân. Sau đó các cơ sở này sơ chế, chế biến, đóng gói sản phẩm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm bình quân người dân bán ra thị trường 5 - 6 tấn dược liệu các loại. Huyện có 14 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, chủ yếu là sản phẩm từ dược liệu.
Đối với sâm Ngọc Linh, huyện đang cho thuê môi trường rừng để trồng sâm theo Nghị quyết 42 của HĐND tỉnh đối với 13 tổ chức, doanh nghiệp. UBND huyện đã phê duyệt hồ sơ thuê môi trường rừng cho 31 nhóm hộ với 471 hộ gia đình tại 6 xã với diện tích 435,4ha để trồng sâm Ngọc Linh.
Từ nguồn kinh phí của Nhà nước đã hỗ trợ trại sâm Tăk Ngo mua giống sâm gốc tổng cộng 8.515 cây. Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Trà My thực hiện với diện tích 3,5ha (số lượng cây sâm hiện có khoảng 20.000 cây từ 2 - 7 năm tuổi). Đây là nguồn cây giống chính cung cấp hạt nhằm nhân giống để phục vụ mở rộng, phát triển cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện kiến nghị tại một số khu dân cư chưa có điện lưới quốc gia nên nội dung hỗ trợ điện chưa thực hiện được. Do đó đề nghị HĐND, UBND tỉnh đầu tư dự án cấp điện tại các khu dân cư chưa có điện lưới quốc gia; chỉ đạo Sở Công Thương sớm triển khai thực hiện dự án cấp điện nông thôn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2013 - 2020.
Ngoài ra, quan tâm đầu tư xây dựng mới và sửa chữa các công trình nước sạch trên địa bàn 10 xã; có cơ chế hỗ trợ kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho các hộ thực hiện sắp xếp dân cư.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu huyện Nam Trà My tiếp thu ý kiến góp ý của các sở, ngành trong sắp xếp dân cư, phòng chống thiên tai, phát triển dược liệu. Năm 2020, huyện gặp nhiều biến cố do thiên tai, năm nay cần rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn phương án phòng chống thiên tai. Chủ động phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai và phòng chống Covid-19. Sắp xếp dân cư cố gắng đưa dân vào vùng không sạt lở, hạn chế tập trung đông dân khi di dời tránh trú bão lũ, sạt lở.
Đối với các công trình bức thiết khắc phục bão lũ, phòng chống thiên tai, ông Hồ Quang Bửu yêu cầu huyện thực hiện gấp rút các công trình dở dang. Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu là hướng đi đúng đắn của huyện và cần được phát triển trong dân, mở rộng diện tích trồng ở vùng có điều kiện khí hậu phù hợp...