Nan giải bảo tồn không gian phố cổ

QUỐC HẢI 08/08/2015 08:30

Việc bảo tồn di sản văn hóa thế giới - Đô thị cổ Hội An, trong đó có bảo tồn không gian phố cổ đang đặt ra nhiều bài toán khó.

Dây điện giăng ngang dọc trong phố cổ. Ảnh: QUỐC HẢI
Dây điện giăng ngang dọc trong phố cổ. Ảnh: QUỐC HẢI

Thực ra, từ lâu, chủ trương bảo vệ không gian phố cổ Hội An đã được thành phố và cả UNESCO quan tâm với những chủ trương biện pháp cụ thể. Tuy nhiên, thực tế khu phố cổ nảy sinh nhiều vấn đề cần phải có thời gian xử lý phù hợp.

Mất mỹ quan

Từ năm 2004, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JIBIC đã hỗ trợ Hội An triển khai dự án ngầm hóa điện trong khu phố cổ và đến năm 2012 đã cơ bản hoàn thành. Các tuyến đường chính như Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Bạch Đằng đều đã ngầm hóa hệ thống dây điện với đường ống lớn có đường kính 60cm, bên trong có 6 ống nhỏ luồng dây điện dân dụng, cáp truyền hình, điện thoại,…

Dù vậy, dạo quanh phố cổ hôm nay, nhiều nơi dây nhợ vẫn còn giăng đầy làm mất mỹ quan không gian phố cổ. “Một số ngã tư tôi thấy trụ điện, dây điện ngoằn ngoèo, rất mất thẩm mỹ. Tôi nghe nói đã đầu tư biết bao nhiêu tỷ đồng để làm ngầm này nọ mà chừ như vậy là không đẹp.” - Một người dân trong khu phố cổ nói.

Trên các tuyến đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai,… dễ nhận thấy dây điện giăng mắc khắp nơi. Bên cạnh một số đoạn đường dây được bó tròn thành búi lớn thì không ít nơi dây bị thả bùng nhùng, đối nghịch với không gian cổ kính của phố.

Một du khách miền Nam tham quan phố cổ Hội An bày tỏ: “Không gian phố cổ quá đẹp nhưng chỉ tiếc là hệ thống dây diện bùng nhùng quá. Tôi từng biết Hội An đã có chủ trương xóa hết cả những trụ ăng ten tivi trên mái phố nữa. Nếu ngầm hóa được hệ thống dây điện và xóa hẳn ăng ten “trời” thì không gian phố cổ sẽ đẹp hơn”.

Do đặc thù là một di tích sống nên quá trình ngầm hóa vẫn để lại các trụ điện, dẫn đến việc người dân và các mạng viễn thông, cáp truyền hình tự động kéo dây giăng mắc. Thêm vào đó, chủ trương của Hội An là giữ lại một số trụ điện như hiện vật gắn với lịch sử hình thành phố cổ nên tình trạng trên đã diễn ra.

Ông Trần Chương - Trưởng phòng Quản lý đô thị Hội An cho rằng: “Rất khó tháo dỡ các mạng cáp truyền hình, viễn thông vì đây còn là vấn đề dân sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần người dân. Trong khi đó, khó có thể yêu cầu doanh nghiệp ngầm hóa hoàn toàn vì còn phụ thuộc vào điều kiện kinh phí của mỗi doanh nghiệp”.

Do vậy, trước mắt, thành phố không cấp phép mới cho các mạng cáp truyền hình hoặc điện thoại kéo dây vào phố cổ, sau đó đề nghị doanh nghiệp hiện có dây trong phố cổ thực hiện ngầm hóa, nếu phù hợp sẽ triển khai tiếp còn không phải bó buộc lại cho gọn gàng để đảm bảo mỹ quan. Các ngành chức năng cũng tiếp tục tham mưu cho thành phố biện pháp hữu hiệu, đảm bảo sự dung hòa giữa nhu cầu dân sinh và mỹ quan chung.

Bài toán bảo tồn không gian

Trước đây, khi báo chí lên tiếng về việc xây dựng “Hàm cá mập” bên bãi bồi An Hội, thành phố đã kiên quyết tháo dỡ. Bởi, nói như KTS. Võ Duy Trung - Trưởng phòng Quản lý trùng tu di tích khu phố cổ của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An: “Giá trị của một khu vực đô thị lịch sử không những phụ thuộc bản thân các di tích, mà phần lớn là kết quả của sự kết hợp nhiều yếu tố trong đó không gian, khoảng trống đóng vai trò hết sức quan trọng để tạo nên một quần thể có giá trị bảo tồn”.

Với cách nhìn nhận như vậy, hiện nay khu phố cổ Hội An không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn bản thân từng di tích hay tổ hợp các di tích mà còn phải gìn giữ trạng thái nối kết của quần thể di tích khu phố cổ với cảnh quan xung quanh, đặc biệt cảnh quan các khu dân cư cùng những khoảng trống ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan khu phố cổ.

Thực trạng gây mất cảnh quan do các hệ thống dây dẫn nêu trên đang đặt ra rất nhiều vấn đề. Trước hết, quá trình bảo tồn đô thị cổ là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải có tầm chiến lược, ngay cả khi chưa có khả năng thực hiện cũng cần có những ứng xử thích hợp. Trong trường hợp này, việc giáo dục nhận thức trong cộng đồng là yếu tố quyết định đối với công tác quản lý, bảo tồn di sản.

Thêm nữa, bảo tồn di sản kiến trúc đô thị không phải là bảo tồn những công trình - di tích có giá trị trong một khu vực lịch sử mà công tác bảo tồn phải vượt ra cả không gian, cảnh quan bên ngoài bao gồm những khu vực có thể làm cho di sản ấy chịu ảnh hưởng trực tiếp.

“Bảo tồn kiến trúc, cảnh quan khu phố cổ phải được hoạch định trên những quan điểm cụ thể và mang tính chiến lược, dự báo lâu dài, phù hợp với từng bối cảnh. Vì vậy, việc khai thác sử dụng hay đặt những vấn đề về công tác bảo tồn ở mọi thời điểm, đặc biệt là các giải pháp bảo vệ không gian của khu phố cổ đòi hỏi phải hết sức cân nhắc và có những hướng tiếp cận phù hợp” - Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An nói.

QUỐC HẢI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nan giải bảo tồn không gian phố cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO