Xã Bình Minh (huyện Thăng Bình) đang trở thành tâm điểm của vùng dự án nên người lao động tập trung đến đây tăng cao đã phát sinh nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề rác thải sinh hoạt khiến chính quyền địa phương “đau đầu”.
Một điểm tập kết rác thải tại Bình Minh. Ảnh: BIÊN THỰC |
Rác nhiều, thu gom không xuể
Chị Trần Thị Vân - Tổ trưởng tổ thu gom rác thải thôn Tân An đã viết đơn xin nghỉ làm công việc thu gom rác. Trong khi đó, chị Vân là người duy nhất trong tổ thu gom rác của thôn Tân An. Hiện xã tìm người để thay thế chị Vân. Trò chuyện, chị Trần Thị Vân cho biết, chị đã làm công việc thu gom rác ở thôn Tân An hơn một năm qua. Công việc của chị là thu gom rác vào ngày thứ 3 trong tuần, sau đó vận chuyển rác đến điểm trung chuyển để Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Quảng Nam (gọi tắt là Công ty Môi trường Quảng Nam) đến thu gom và xử lý. Bắt đầu từ tháng 10, chị xin nghỉ làm công việc thu gom rác thải, không phải do mặc cảm công việc mà do bức xúc với ý thức của người dân. Trong khi đó, thời gian gần đây, lượng rác thải phát sinh lớn khiến cho việc thu gom gặp nhiều khó khăn. Bản thân chị phải vận động thêm thành viên trong gia đình tham gia và tăng thời gian thu gom 2 - 3 ngày/tuần.
Từ năm 2013 đến nay, để đảm bảo vệ sinh môi trường, xã Bình Minh đã thành lập 3 tổ thu gom rác thải tại các thôn Tân An, Hà Bình và Bình Tịnh với 8 thành viên. Riêng thôn Bình Tân, do dân cư thưa thớt, hầu hết gia đình đều nằm trên các trục đường chính nên Công ty Môi trường Quảng Nam trực tiếp thu gom. Đối với mỗi thành viên trong tổ thu gom rác được nhận mức hỗ trợ 600.000 đồng/tháng. Riêng chị Trần Thị Vân - Tổ thu gom rác thải thôn Tân An, được nhận mức hỗ trợ 1,2 triệu đồng/tháng. Nguyên nhân là thôn này chỉ có duy nhất mình chị Vân thu gom rác thải. Chị Nguyễn Thị Tường Vy - cán bộ môi trường xã Bình Minh cho biết, căn cứ theo quy định của UBND tỉnh, địa phương thu mức phí vệ sinh môi trường với giá 17.000 đồng/hộ. Mỗi tháng có đến 80% hộ dân nộp phí vệ sinh môi trường, thu được tầm 17 triệu đồng. Tuy nhiên con số này không thấm vào đâu so với việc chi trả cho công tác bảo vệ môi trường. Trong khi đó, lượng rác thải trên địa bàn xã ngày càng nhiều, khiến cho việc thu gom rác thải gặp nhiều khó khăn.
Xã không có tiền bù phí thu gom rác
Trong 3 tháng gần đây (từ tháng 8 đến tháng 10), lượng rác ở địa phương đã tăng lên 200 - 220 tấn rác/tháng. Trước đó, toàn xã chỉ có khoảng 150 - 160 tấn rác/tháng. Công ty Môi trường Quảng Nam không chấp nhận việc khoán thu phí rác thải như trước đây và yêu cầu xác định lại khối lượng rác. Chị Vy cho biết, hiện công ty thu gom rác theo mức khoán. Nếu công ty xác định lại khối lượng rác thải, địa phương phải trích ngân sách bù vào với số tiền không nhỏ. Trước việc gia tăng lượng rác thải, vào tháng 10.2017, chúng tôi đã tham mưu với UBND xã Bình Minh ban hành công văn về việc thu phí vệ sinh môi trường. Theo đó, mỗi hộ cho thuê nhà ở đối với công nhân sẽ thu thêm mức phí 5.000 đồng/người. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn chưa đồng thuận với phương án trên. Do đó, từ bây giờ chúng tôi đang tiếp tục tuyên truyền vận động. Cùng với đó là tiếp tục hướng dẫn lại người dân phân loại rác thải tại nguồn nhằm tạo thuận lợi cho việc thu gom.
Ông Trần Công Minh - Chủ tịch UBND xã Bình Minh cũng đã thừa nhận, lượng rác thải tăng đột biến ở địa phương trong thời gian gần đây. Theo ông Minh, hiện nay Bình Minh là địa phương có nhiều dự án trong điểm. Vì vậy, lượng công nhân đến đây làm việc ngày càng nhiều. Qua đăng ký tạm trú tạm vắng, có gần 1.500 công nhân sống và làm việc ở địa phương, nhưng thực tế có hơn 2.000 người. Từ đó, nhiều quán ăn, nhà hàng mọc lên để đáp ứng nhu cầu ăn uống, sinh hoạt của công nhân. Việc phát sinh lượng rác thải sinh hoạt lớn là điều hiển nhiên. Ông Minh cũng cho biết, trước đây xã chi trả tiền rác thải cho Công ty Môi trường Quảng Nam tầm 17 - 20 triệu/tháng. Bây giờ, nếu chi trả theo số lượng rác thực tế thu gom sẽ tăng lên 35 - 38 triệu đồng/tháng. “UBND huyện Thăng Bình hỗ trợ địa phương 50 triệu đồng/năm để chi trả công tác vệ sinh môi trường; đồng thời lấy tiền thu trong dân thêm vào nhưng xã vẫn phải bù lỗ 10 triệu đồng/tháng. Lượng rác thải cứ tăng lên, phí vệ sinh môi trường cũng tăng lên, sắp tới chúng tôi không biết lấy đâu ra tiền để bù vào”- ông Trần Công Minh - Chủ tịch UBND xã Bình Minh than thở.
GIANG BIÊN - TRUNG THỰC