Nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở miền núi Quảng Nam: Quá nhiều trăn trở!

THÙY AN 28/06/2017 08:15

Chuyện tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các bản làng miền núi Quảng Nam tưởng chừng đã lùi xa vào quá khứ, nào ngờ vẫn tồn tại dai dẳng đến nay và lại đang có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây.

Nhiều phụ nữ vùng cao Quảng Nam lập gia đình sớm và ở nhà trông con. ảnh: T.MỸ
Nhiều phụ nữ vùng cao Quảng Nam lập gia đình sớm và ở nhà trông con. ảnh: T.MỸ

1. Theo chân cán bộ dân số xã Sông Trà (Hiệp Đức), chúng tôi đến những bản làng của người Ca Dong. Không giống như hình dung của chúng tôi, những trường hợp tảo hôn thường chỉ xảy ra ở những bản làng xa xôi, hẻo lánh, hay nhiều cặp vợ chồng tảo hôn đang sinh sống cách trụ sở xã Sông Trà chừng hơn 1km, tức là cách quốc lộ 14 E khoảng vài trăm mét. Từ xa, chúng tôi đã nghe thấy tiếng ru vọng ra từ ngôi nhà  lụp xụp của người Ca Dong. Lời ru sâu lắng, có chút gì đó từng trải của người phụ nữ đã làm mẹ ở độ tuổi 14 - 15 như anh cán bộ dân số giới thiệu. Và rồi, những thắc mắc được cởi bỏ khi bước chân vào ngôi nhà lụp xụp đó.

Người phụ nữ Ca Dong tuổi  ngoài 50 đang đưa nôi hát ru đứa cháu trai chưa tròn bảy tháng tuổi, ngồi bên cạnh là cô bé Ca Dong đang bối rối không biết phải dỗ dành như thế nào để đứa con trai nín khóc. Nhìn gương mặt gầy gò, non nớt của Hồ Thị Sanh - tên cô bé, cùng với những cử chỉ dỗ con vụng về, chúng tôi hiểu rằng, vai trò trách nhiệm làm mẹ quá sức đối với cô gái tuổi 15 như Sanh. Khi được hỏi chuyện về việc lập gia đình và có con sớm, cô bé bùi ngùi chia sẻ: “Hai đứa em quen nhau khi còn đi học, khi nghỉ học là tụi em cưới. Em cảm thấy hối hận nhưng lỡ rồi không biết làm sao. Nếu được chọn lại em sẽ chọn đi học tiếp…”. Mẹ của Sanh, bà Hồ Thị Thành cho biết: “Mình nói nó còn nhỏ thì chưa được kiếm chồng mà nó không nghe. Mình cũng buồn khi thấy con không biết gì, mọi thứ mẹ cha phải lo liệu hết”.

Cách nhà bà Hồ Thị Thành chừng vài trăm mét là một ngôi nhà gỗ nhỏ bé đã xuống cấp. Vẫn là giọng hát ru vọng ra não nề nhưng lần này lại là giọng của một người đàn ông. Ông Hồ Văn Hồng năm nay gần 60 tuối, đứa con gái thứ 2 của ông năm nay mới hơn 14 tuổi, bỏ học được vài tháng vì em lỡ mang thai với cậu bạn cùng xóm, bất đắc dĩ trở thành vợ, thành mẹ. Ông Hồ Văn Hồng buồn rầu nói: “Chưa đúng tuổi mà có con là cực lắm chứ không đơn giản đâu. Bắt mẹ với cha nuôi chứ nó không biết gì”. Hai trường hợp kết hôn sớm tại xã Sông Trà là điển hình của thực trạng chung về nạn tảo hôn ở miền núi. Hầu hết cặp vợ chồng “vị thành niên” đều chưa hiểu biết về cuộc sống gia đình, chưa có kỹ năng chăm sóc con cái, đời sống kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ, họ trở thành gánh nặng của gia đình. Ông Trương Văn Phổ, người hơn 10 năm nay làm cán bộ dân số kế hoạch hóa gia đình xã Sông Trà cho biết, địa phương này có tỷ lệ tảo hôn cao nhất huyện Hiệp Đức. Trong 5 năm qua (2010 - 2014), toàn xã có 47 trường hợp trẻ em vị thành niên lấy vợ, lấy chồng sớm và không được pháp luật công nhận. “Có 99 - 100% số cặp vợ chồng vị thành niên thuộc diện nghèo khó vì không có kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm ăn, họ hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình mẹ cha” - ông Phổ cho biết thêm.

2. Những câu chuyện kết hôn sớm của những chàng trai, cô gái còn ở tuổi  “ăn chưa no, lo chưa tới” cứ mãi ám ảnh tâm trí chúng tôi. Vì thế, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu thêm về tình trạng tảo hôn tại các bản làng miền núi… Chúng tôi tìm đến xã Phước Chánh, (Phước Sơn), nơi từ năm 2010 đến nay có gần 60 trường hợp tảo hôn, cũng là xã có số trường hợp tảo hôn cao nhất huyện Phước Sơn. Riêng năm 2016, nơi đây đã xảy ra 12 trường hợp tảo hôn. Những bà mẹ trẻ tại các bản làng miền núi đều có chung ánh mắt buồn, bởi họ đều không biết tương lai của mình rồi sẽ ra sao khi trở thành người phụ nữ lo toan cho cả gia đình từ rất sớm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn là trình độ nhận thức của đồng bào miền núi còn thấp, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những câu chuyện đau lòng về hôn nhân cận huyết thống. Câu chuyện xảy ra cách đây 3 năm, nhưng nỗi ám ảnh vẫn còn dai dẳng trong lòng ông Hồ Văn N. Gia đình có 3 người con, đứa con trai thứ 2 của ông năm đó đang theo học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Phước Sơn. Cả gia đình ông N. đã gửi gắm bao hy vọng vào một tương lai rộng mở đang chờ đón cậu con trai… Nhưng rồi, một ngày nọ, con trai ông bỗng dưng đòi nghỉ học để cưới vợ. Khi gia đình ông Hồ Văn N. gặp mặt người con dâu tương lai thì mới té ngửa rằng đó lại là đứa cháu con của anh ruột mình. Ông N. tâm sự: “Tui luôn dặn dò con cháu, cái gì cũng phải hỏi cha mẹ, không biết thì phải hỏi. Vậy nhưng chúng nó ăn nằm với nhau có bầu, dẫn về đòi cưới thì biết làm sao?”.  

Một thực tế đáng lo ngại ở miền núi Quảng Nam hiện nay, đó là nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ xảy ra ở các bản làng xa xôi mà đang len lỏi vào môi trường học đường, nơi tưởng chừng các em được trang bị kiến thức có hiểu biết sẽ tránh được nạn tảo hôn. Thực tế cho thấy nhiều cặp học sinh cưới nhau khiến tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng liên tiếp xảy ra. Ông Hồ Thanh Tân - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Phong tục tập quán người dân vẫn còn, muốn con có gia đình sớm để khỏi gánh nặng cho gia đình, số em học hành không ra gì, ở nhà muốn lập gia đình cho rồi để có con cái. Mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường chưa chặt chẽ, việc tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng cũng chưa đến nơi đến chốn. Đó là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống vẫn còn tồn tại ở vùng đồng bào thiểu số”.  Tại một hội nghị chuyên đề về miền núi của tỉnh mới đây, con số thống kê ở 69 xã miền núi cho thấy, có 1.534 trường hợp tảo hôn, hơn 100 trường hợp hôn nhân cận huyết thống, con số này làm nhiều người giật mình. Theo ông Nguyễn Tri Hùng, một trong những người có nhiều năm dày công nghiên cứu về văn hóa và con người đồng bào miền núi, cho rằng, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tảo hôn không hề suy giảm mà lại gia tăng, nguyên chính là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thực lâu nay thực hiện chưa đồng bộ, chưa quyết liệt và đúng cách.

Cần có sự chung tay quyết liệt từ các cấp, các ngành liên quan để giảm thiểu nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để con em đồng bào miền núi được chung bước đến trường, được sống hồn nhiên, hạnh phúc đúng với lứa tuổi của mình. Đó là việc cần làm hiện nay.

THÙY AN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở miền núi Quảng Nam: Quá nhiều trăn trở!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO