Nạn trộm cổ vật tại Italia

NAM VIỆT 12/06/2021 06:25

Trước vấn nạn nhiều hiện vật quý giá từ thời cổ đại bị cướp và buôn bán bất hợp pháp ngày càng tăng, Italia nỗ lực ngăn chặn và tìm cách thu hồi một phần của kho báu này.

Khách tham quan một trong những bảo tàng lịch sử nổi tiếng của Italia. Ảnh: Mapio
Khách tham quan một trong những bảo tàng lịch sử nổi tiếng của Italia. Ảnh: Mapio

Nạn trộm cắp cổ vật tại các di tích, nhà thờ, bảo tàng không có gì quá xa lạ, là vấn đề nhức nhối không chỉ của riêng Italia. Đại dịch Covid-19 khiến các điểm khảo cổ đóng cửa cũng tạo ra sơ hở mới cho những tên trộm cổ vật.

Đồng Giám đốc của Dự án nghiên cứu di sản và buôn bán cổ vật Katie Paul cho biết, buôn bán cổ vật bị trộm cướp gia tăng đáng kể ở các nhóm Facebook trên toàn cầu kể từ năm ngoái. Vào tháng 4&5.2021, một trong những nhóm lớn nhất được dự án theo dõi tăng gần gấp đôi quy mô lên 300.000 thành viên.

Bà Katie Paul nói: “Sự gia tăng này một phần có thể là do điều kiện đóng cửa vì vi rút corona, sự suy thoái ở các nền kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới, cảnh sát được tăng cường cho công tác giám sát phòng ngừa dịch bệnh và tình trạng thất nghiệp khiến cho nạn trộm cổ vật trở nên tồi tệ hơn”.

Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), vừa giới thiệu một ứng dụng có tên ID-Art chứa cơ sở dữ liệu về hàng hóa bị đánh cắp. Theo đó, trong các hoạt động chống buôn lậu toàn cầu từ tháng 6 đến tháng 10.2020, Interpol thu giữ 56.400 “mặt hàng văn hóa” và bắt giữ 67 người - bao gồm những kẻ đột nhập lăng mộ và buôn bán cổ vật.

Riêng tại Italia, hàng thu được này gồm đồ gốm sứ, đồ tạo tác, tác phẩm nghệ thuật và sách trị giá 1,5 triệu USD đã được đưa đến tay người mua. Việc giao dịch này thường thông qua các kênh như dark web (các trang web chủ yếu hoạt động trong những lĩnh vực bất hợp pháp) và chợ đen. Florence Arthur Brand - một trong những thám tử nghệ thuật hàng đầu của châu Âu cho hay: “Ít nhất 50% hiện vật La Mã cổ đại trên thị trường ngày nay bị đánh cắp”. 

Quảng trường Largo di Torre Argentina bao gồm tàn tích của bốn ngôi đền có từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên là một trong những địa điểm bị đánh cắp nhiều nhất ở Rome, khi thành phố không bố trí đủ kinh phí để tiếp tục khai quật.

Italia cũng cắt giảm ngân sách văn hóa hằng năm kể từ năm 2011, chỉ phân bổ 1% ngân sách cho di sản văn hóa. Hiệp hội quốc tế các nhà kinh doanh nghệ thuật cổ đại khẳng định, trong khi việc buôn bán hợp pháp các hiện vật lịch sử trị giá 130 triệu USD mỗi năm thì buôn bán bất hợp pháp ước tính khoảng 2 tỷ USD. 

Bộ Văn hóa Italia cũng kêu gọi sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức đóng góp để bảo vệ các kho báu cổ vật của quốc gia và thế giới. Như thương hiệu giày Tod’s quyên góp hơn 30,6 triệu USD để giúp khôi phục Đấu trường La Mã, Diesel tài trợ cho việc khôi phục cầu Rialto ở Venice.

Sắp tới, Bulgari sẽ tài trợ 1,2 triệu USD để phục dựng quảng trường Largo di Torre Argentina... Trong khi đó, đội nghệ thuật Carabinieri của Italia chuyên bảo vệ di sản văn hóa nay dành phần lớn thời gian để ngăn chặn nạn lấy cắp cổ vật, đồng thời đàm phán để thu hồi những tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp. Chỉ riêng trong năm 2020, hơn 500.000 hiện vật bị đánh cắp được trả lại cho Italia từ các bảo tàng và bộ sưu tập tư nhân trên khắp thế giới, bao gồm đầu tượng thần Hades.

Riccardi - một quan chức cảnh sát Italia cho biết, lực lượng an ninh sử dụng công nghệ kỹ thuật số (bao gồm hình ảnh vệ tinh và máy bay không người lái) để ngăn chặn nạn trộm cổ vật hay thông qua internet và dark web truy vết tìm kiếm các cuộc đấu giá bất hợp pháp vốn gây thiệt hại về kinh tế, giá trị nghệ thuật và lịch sử.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nạn trộm cổ vật tại Italia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO