Chương trình “Nâng bước em tới trường” (do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động) đã được cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Quảng Nam hưởng ứng tích cực bằng nhiều việc làm hiệu quả, thiết thực.
Thực hiện chương trình này, nhiều đồn biên phòng không chỉ giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn mà còn nhận cả những học sinh chưa ngoan để phối hợp với nhà trường giáo dục, rèn luyện giúp các em tiến bộ. Việc làm ý nghĩa này đã góp phần thực hiện tốt công tác dân vận trên địa bàn các đồn biên phòng đóng quân. Tấm lòng của những chiến sĩ mang quân hàm xanh đã và đang thắp sáng ước mơ cho nhiều học sinh vùng biên giới, biển đảo của tỉnh.
Nhận học sinh về rèn dạy
Hơn 5 năm về trước, Đồn Biên phòng Tam Thanh (Tam Kỳ) nhận đỡ đầu 2 cậu học trò là Nguyễn Thành Khoa và Nguyễn Châu Phi, là con của ngư dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Từ lạ lẫm do phải quen với môi trường sinh hoạt tập thể nền nếp, kỷ luật trong quân đội, Khoa và Phi đã nhanh chóng thích nghi và xem đồn biên phòng như ngôi nhà thứ 2, còn các chú bộ đội là người thân trong gia đình. Việc ăn ở, học tập, sinh hoạt của các em đều được đơn vị quan tâm chu đáo. Vào mỗi buổi tối, đơn vị cử một cán bộ dạy các em làm bài tập, đã giúp lực học của các em tiến bộ rõ rệt. Sau khi Khoa và Phi tốt nghiệp THCS, 2 em được cha mẹ đón về nhà và cho đi học nghề, hiện nay, 2 em đã đi làm. Chắc hẳn, khoảng thời gian sống trong quân ngũ, gần những người lính quân hàm xanh luôn đùm bọc, yêu thương sẽ trở thành ký ức đẹp trong cuộc đời các em.
Sau khi Nguyễn Thành Khoa và Nguyễn Châu Phi tốt nghiệp THCS, Đồn Biên phòng Tam Thanh vẫn tiếp tục triển khai chương trình này với hình thức nhận đỡ đầu, hỗ trợ mỗi em 500 nghìn đồng/tháng. Những trường hợp được chọn đều là những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng chăm ngoan, học lực đạt loại khá trở lên. Em Trần Thu Lộc (xã Tam Thanh) có hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống của 2 mẹ con đều phụ thuộc vào nguồn thu nhập ít ỏi từ nghề may vá của mẹ, thế nhưng mẹ em cũng chẳng thể làm được nhiều vì mang trong mình căn bệnh quái ác - u tủy. Khó khăn là vậy, nhưng không lúc nào Lộc nguôi ước mơ được đến trường, em luôn phấn đấu học tập và là học sinh khá, giỏi nhiều năm liền. Động lực của em là người mẹ tần tảo, hiền lành, những người láng giềng tốt bụng và những người lính Đồn Biên phòng Tam Thanh. Không chỉ hỗ trợ tiền mặt hàng tháng, cứ mỗi khi có việc về địa bàn, các cán bộ chiến sĩ biên phòng lại đến thăm gia đình Lộc để hỏi han, động viên em. Sự quan tâm ấy khiến cô gái nhỏ ngày càng tiến bộ hơn.
Giúp đỡ học sinh vùng cao
Chương trình “Nâng bước em tới trường” trở thành câu chuyện có sức lan tỏa mạnh mẽ ở cả hai tuyến biên giới trên bộ và biển của tỉnh, nhất là khi Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) triển khai chương trình trong toàn lực lượng. Như ở Tây Giang, để giúp em Bríu Ba (học sinh Trường THCS bán trú Lý Tự Trọng, xã A Xan) tiếp tục theo đuổi cái chữ, suốt 3 năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Xan đã đồng hành với em. Mỗi tháng một lần, gia đình em Ba nhận hỗ trợ 500 nghìn đồng từ sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Xan để giúp em đến trường và chia sẻ phần nào gánh nặng đối với gia đình. Không những vậy, Bríu Ba còn được Đại úy Tôn Ui - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng (Đồn Biên phòng A Xan) kèm cặp, nên học lực của em đã tiến bộ rất nhanh, nhiều năm liền đạt học sinh tiên tiến.
Ngoài Bríu Ba, Đồn Biên phòng A Xan còn nhận đỡ đầu em Ka Lý, học sinh ở bản Tà Vàng, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào). Ka Lý có hoàn cảnh hết sức khó khăn khi cha mất sớm, mẹ bị bệnh nặng, hiện nay em đang ở với chú. Ka Lý được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Xan nhận đỡ đầu đến hết lớp 12 với mỗi tháng 500 nghìn đồng để có thêm tiền trang trải cuộc sống. Trong mỗi chuyến tuần tra đường biên, cột mốc và phối hợp công tác với lực lượng biên phòng nước bạn Lào, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Xan dành thời gian tới thăm hoặc gửi bút viết, sách vở học tập và chút quà để động viên Ka Lý. Trước sự giúp đỡ của những người lính biên phòng Việt Nam, nhiều người hy vọng, với sự đồng hành suốt chặng đường dài như vậy, chắc chắn Ka Lý sẽ tự tin đi tiếp trên con đường tương lai.
Thượng tá Hoàng Văn Mẫn - Chính ủy BĐBP Quảng Nam cho biết: “Hiện nay, các đơn vị trong BĐBP tỉnh nhận đỡ đầu 60 học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở cả hai tuyến biên giới biển, đảo, biên giới trên bộ và ở các bản Lào giáp biên với Việt Nam. Nhờ quan tâm sâu sát bằng cả trách nhiệm lẫn tình thương nên chất lượng, hiệu quả học tập của các em ngày càng được nâng lên. Thời gian tới, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo Đoàn Thanh niên và các đơn vị tiếp tục duy trì và nhân rộng chương trình”.