Nâng bước học trò vùng đông

ANH ĐÔNG - LÊ DIỄM 25/08/2017 09:16

Thời gian qua, các chương trình tiếp sức đến trường như “Học bổng niềm hy vọng” hay trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó tại xã Tam Thăng và Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) trước thềm năm học mới 2017-2018, thể hiện tính nhân văn và sự quan tâm kịp thời của những người làm báo đối với học sinh nghèo hiếu học.

Đường đến trường của cô học trò Phạm Thị Sâm còn lắm gian nan. Ảnh: A.L
Đường đến trường của cô học trò Phạm Thị Sâm còn lắm gian nan. Ảnh: A.L

Con đường gập ghềnh

Gần trưa, trời nắng như đổ lửa. Men theo con đường bê tông, sau đó rẽ vào một con đường nhỏ nằm lọn thỏm giữa rừng phi lao rậm rì, chúng tôi mới tìm được nhà của em Phạm Thị Sâm (thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ). Năm nay, Sâm vào lớp 8 tại ngôi trường THCS Lê Lợi. Tiếp chúng tôi, chị Phạm Thị Nở (mẹ em Sâm) cho biết: “Mấy bữa nắng gắt, tôi đi làm, con bé ở nhà một mình phải ra ngoài bóng cây để học bài. Con bé cũng do nắng nóng quá mà người thường xuyên đau ốm”. Không có nghề nghiệp ổn định, một mình bươn chải nuôi con, lại bị bệnh tim nên cảnh sống của mẹ con bà Nở cứ “thiếu trước hụt sau”. Bà Nở đang làm việc tại cơ sở giữ trẻ tư nhân tại địa phương với mức lương  2 triệu đồng/tháng. Những khó khăn hiện tại, vì con gái, bà Nở đều cố gắng vượt qua được, điều bà lo nhất là việc học tập của Sâm.

“Hôm bữa, không may tui bị tai nạn phải nằm viện điều trị, con bé thấy tôi như vậy cứ ôm mẹ khóc và hỏi phải làm thế nào mẹ? Tôi cũng ứa nước mắt vì không biết tương lai của  hai mẹ con sẽ thế nào. Tôi sợ nhất là lỡ tôi đau yếu thì ai sẽ lo cho nó ăn học”. Lớn lên trong nghèo khó, thiếu thốn nhưng Sâm lại rất ham học và  8 năm liền đều đạt học sinh giỏi. Năm học mới, tập vở, áo quần thì Sâm đã được nhận thưởng từ cuối năm lớp 7, sách giáo khoa đã được một cô giáo trong trường cho mượn học. Sâm chỉ sợ rằng một ngày nào đó em sẽ phải nghỉ học vì nhà nghèo, mẹ không may bị đau ốm nằm một chỗ. Sâm bộc bạch: “Em muốn được học thật giỏi để sau này làm bác sĩ chữa bệnh cho mẹ và những người nghèo. Nhưng em sợ một ngày đó mẹ bị bệnh, em sẽ phải nghỉ học”.

Ở vùng cát trắng nắng cháy Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), câu chuyện đến trường của em Trần Thu Lộc (học sinh lớp 9 Trường THCS Thái Phiên) vô cùng gập ghềnh. Mẹ Lộc, bà Trần Thị Chanh chẳng may mắc bệnh khô tủy, sức khỏe và tinh thần ngày càng kiệt quệ. Bà Chanh chia sẻ: “Ngày trước bệnh tật chưa nặng thì tôi vẫn cố gắng mưu sinh nhờ nghề may quần áo, nhưng nay chân tay run rẩy phải nghỉ việc. Biết cuộc sống mẹ con tôi khó khăn nên người thì cho gạo, quần áo, sách vở… Không biết rồi mai này hết người giúp đỡ thì lúc đó mẹ con nương nhờ vào ai đây, liệu rồi con bé có được đi học nữa không?”. Ôm lấy đôi vai gầy gộc của mẹ, Lộc tâm sự: “Thấy mẹ đau, em xin nghỉ học ở nhà học may nhưng mẹ không đồng ý. Mẹ bảo ráng học giỏi, biết đâu sẽ có người hỗ trợ”.

Món quà ý nghĩa

Nhằm góp phần hỗ trợ học sinh các xã Tam Thanh và Tam Thăng có thêm điều kiện đến trường, thời gian qua Hội Khuyến học xã cũng như các dòng tộc và hội đồng hương hai địa phương trên có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như trao học bổng, xe đạp, áo quần, sách vở... Ông Lê Đình Nho - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tam Thăng cho biết: “Những năm gần đây, các tổ chức, cá nhân hảo tâm đã luôn dành sự quan tâm đến học sinh của vùng đông. Chính sự hỗ trợ đó đã kịp thời động viên tinh thần, là động lực để học trò nghèo vượt qua khó khăn tiếp tục đến trường”.

Trước thềm năm học mới năm nay, 30 suất học bổng (một triệu đồng/suất) dành cho học sinh vùng đông là món quà ý nghĩa để các em có thêm động lực vươn lên. Đây là nguồn kinh phí do Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam trao tặng Quỹ học bổng Báo Quảng Nam nhân dịp khai trương văn phòng kinh doanh bảo hiểm nhân thọ tại Quảng Nam vào tháng 2 vừa qua. Ông Phan Huy Hoan - Trưởng phòng Quan hệ công chúng & dịch vụ Marketing - Bộ phận Marketing (Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam) cho biết: “Sun Life Việt Nam là một công ty bảo hiểm nhân thọ, bên cạnh việc cung cấp các giải pháp tài chính cho khách hàng, công ty luôn hướng đến việc hỗ trợ cộng đồng. Đặc biệt, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam xem trẻ em luôn là đối tượng được ưu tiên hàng đầu, vì đây là thế hệ tương lai của đất nước. Vì vậy, đồng hành với học trò nghèo hiếu học là một trong những công tác xã hội mà chúng tôi chú trọng”.

Nâng cao trách nhiệm với cộng đồng
Các chương trình khuyến học của Báo Quảng Nam đồng hành với học sinh, sinh viên đất Quảng đã được triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Năm 2004, với sự tài trợ của Công ty Bia Huế, Báo Quảng Nam đã bắt đầu cuộc hành trình với một chương trình học bổng mang tên “Niềm hy vọng”. Đó là niềm hy vọng, là sự gửi gắm, tin yêu của những người làm báo Quảng Nam và các nhà tài trợ đối với các em học sinh dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều nỗ lực vượt lên để học tốt. Còn nhớ khi đó, ông Nguyễn Tiến Bộ - Giám đốc tiếp thị Công ty Bia Huế chia sẻ rằng, hỗ trợ học sinh nghèo để các em có điều kiện tiếp tục đến trường là mục tiêu mà công ty hướng đến. Qua Báo Quảng Nam, công ty đã chia sẻ khó khăn và đồng hành với học trò nghèo đất Quảng. Bên cạnh chương trình học bổng, cũng với sự hỗ trợ của Công ty Bia Huế, Báo Quảng Nam đã triển khai chương trình xây dựng nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.
Kéo dài liên tục trong 5 năm, đã có gần 400 suất học bổng “Niềm hy vọng” và 21 ngôi nhà tình nghĩa với tổng số tiền 500 triệu đồng được Báo Quảng Nam trao tặng. Trong cơn bão lũ lịch sử năm 2009, Báo Quảng Nam đã huy động hơn 1,5 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để thực hiện chương trình Cặp sách cho trẻ em nghèo, hỗ trợ nhà ở cho người dân và sửa chữa nhiều trường học sau bão lũ.(X.PHÚ)

ANH ĐÔNG - LÊ DIỄM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng bước học trò vùng đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO