Nghị định 109/2018/NĐ-CP (viết tắt là Nghị định 109) do Chính phủ ban hành chính thức có hiệu lực từ ngày 15.10.2018 tới đây, là đòn bẩy để thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển.
Rau hữu cơ Cẩm Kim (Hội An) đã xong thời gian chuyển đổi nhưng chưa được cấp chứng nhận hữu cơ do chưa đáp ứng về bờ bao sinh thái. Ảnh: Q.T |
Theo thống kê, trên toàn quốc hiện có khoảng 76.000ha đất canh tác nông nghiệp hữu cơ (cách đây 10 năm chỉ khoảng 10.000ha). Có thể nhận thấy bước đột phá rõ rệt của nông nghiệp hữu cơ ở nước ta trong vài năm gần đây, tuy nhiên tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ được ban hành hầu như không được áp dụng rộng rãi trong thực tiễn, không có đơn vị nào có tư cách pháp nhân để đứng ra chứng nhận theo tiêu chuẩn đó. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp có tâm huyết phát triển nông nghiệp hữu cơ cũng gặp khó bởi trong một thời gian dài không nhận được sự hỗ trợ về cơ chế, tín dụng… Theo ông Hà Phúc Mịch – Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, giai đoạn vừa qua chưa có các đơn vị thực hiện chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam, các sản phẩm lấy được chứng nhận của các tổ chức quốc tế hầu hết lại phục vụ cho xuất khẩu trong khi thị trường nội địa vô cùng rộng mở.
Nghị định 109 ra đời sẽ ban hành tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ, đồng thời Bộ NN&PTNT cũng xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn đến 2030, tạo ra cú hích, hành lang pháp lý cho nông nghiệp hữu cơ ở nước ta phát triển. Theo nội dung của nghị định, sẽ có nhiều nhóm chính sách ưu đãi về tín dụng cho phát triển nông nghiệp, chính sách cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính sách cho nông nghiệp công nghệ cao… Bên cạnh đó, Nghị định 109 cũng sẽ hỗ trợ 100% kinh phí cho quy hoạch xác định vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp với tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ và 100% kinh phí để hỗ trợ chứng nhận lần đầu cho các tổ chức, cá nhân.
Trên địa bàn Quảng Nam, nông nghiệp hữu cơ vẫn đang chập chững hình thành ở nhiều khu vực với đa dạng sản phẩm dù còn ở quy mô nhỏ. Làng trồng rau hữu cơ Thanh Đông (Cẩm Thanh, Hội An) được xem là một trong những mô hình canh tác nông nghiệp hữu cơ ổn định và hiệu quả nhất, hiện tại đã có thể sản xuất một số sản phẩm được thị trường ưa chuộng như trà hoa atiso, hương nhu, quế… Một mô hình nông nghiệp hữu cơ khác ở TP.Hội An được kỳ vọng sẽ phát triển tại xã Cẩm Kim hiện đã hết thời gian chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp hữu cơ, tuy nhiên vẫn chưa được cấp chứng nhận hữu cơ. Bà Trần Thị Hải Yến – cán bộ Phòng Kinh tế Hội An cho biết: “Do chưa đáp ứng được tiêu chí bờ bao sinh thái nên hơn 6.000m2² đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ của 10 hộ dân tại xã Cẩm Kim vẫn chưa được cấp chứng nhận, hy vọng với sự ra đời của Nghị định 109 sẽ tạo thuận lợi hơn để khu vực này sớm được cấp chứng nhận hữu cơ”.
Tại buổi làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh thông tin: “Ngoài quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp thì ở Khu kinh tế mở Chu Lai cũng có quỹ đất, chính sách ưu đãi rộng mở cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”. Thời gian qua, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ do người trẻ đầu tư cũng đang dần phát triển. Ông Nguyễn Quốc Phong – Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp đô thị H2O Farm chia sẻ: “Đơn vị đang nhận thiết kế 3 mô hình nông nghiệp thủy canh với diện tích khoảng 2.000m2² ở Thăng Bình, Núi Thành, ngoài ra cũng có một số cá nhân, đơn vị trên địa bàn tỉnh đang tiếp cận tìm hiểu”. Trước đây, một nhược điểm khiến nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh cũng như trong khu vực miền Trung gặp khó là các tổ chức chứng nhận hữu cơ đều đặt tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Cần Thơ, hy vọng khi Nghị định 109 được ban hành sẽ mở đường để nông nghiệp hữu cơ tại khu vực miền Trung có bước đột phá mạnh mẽ hơn.
QUỐC TUẤN