Nâng cánh chim đảo

QUẢNG LÂM 02/08/2019 11:39

Đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu và đề xuất giải pháp cứu hộ chim yến đảo tại Cù Lao Chàm” do Ban Quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm - Hội An chủ trì thực hiện giai đoạn 2017 - 2019 đã đem lại hiệu quả ngoài mong đợi, với 70% chim yến non được cứu hộ sống và bay theo đàn, trong khi trước đó đề tài chỉ đặt ra chỉ tiêu 20 - 30%.

TS. Võ Tấn Phong chăm sóc chim yến non. Ảnh: Q.LÂM
TS. Võ Tấn Phong chăm sóc chim yến non. Ảnh: Q.LÂM

Khu liên hợp nghiên cứu chim yến

Con tàu của Ban Quản lý và khai thác yến Cù lao Chàm - Hội An đưa chúng tôi cập bến Mũi Dứa, hòn Lao, Cù lao Chàm. Gọi là bến nhưng đó chỉ là một bệ đá trên vách núi có chiều cao ngang bằng mũi tàu. Phải rất khó khăn, thuyền trưởng mới giữ cho mũi tàu cập sát vào bệ đá, rồi theo từng đợt sóng nhấp nhô, với sự hỗ trợ của cán bộ Ban quản lý trên tàu và trên bờ, từng người phải nhảy từ mũi tàu qua bệ đá thật nhanh trước khi sóng đẩy mũi tàu ra xa. Bám vào vách đá, chúng tôi cẩn thận leo lên vách núi dựng đứng cao chừng 15m để đến hang Mũi Dứa, nơi được xem là “khu liên hợp nghiên cứu chim yến” của Ban quản lý.

Nằm ở lưng chừng núi với diện tích khoảng 500m2 là nhà chăm sóc chim yến non, nhà lưới tập bay, tập bắt mồi cho chim non và nhà làm việc của cán bộ kỹ thuật. Nhà làm việc và nhà chăm sóc chim non được xây dựng khá kiên cố. Nhà lưới làm bằng thép chống gỉ liền kề với nhà nuôi được thiết kế như một khu vườn với cây cỏ, hoa, lá, hồ nước ngọt để tạo sinh cảnh. Trong nhà lưới, côn trùng được nuôi nhân tạo để chim non tập bắt mồi. Xây dựng được khu liên hợp này là kỳ công, nỗ lực rất lớn của những cán bộ nghiên cứu thuộc Ban quản lý, bởi bình thường việc tiếp cận hang yến đã rất khó khăn.

Nhà tập bay cho chim non được thông với hang Mũi Dứa. Kỹ sư Huỳnh Ty - cán bộ Ban quản lý cho biết, Mũi Dứa cũng là hang đá tự nhiên nhưng không có chim yến vào làm tổ như các hang Cả, hang Tò Vò gần đó, nguyên nhân chủ yếu là điều kiện tự nhiên như độ ẩm, hướng gió không phù hợp cho chim yến làm tổ. Qua khảo sát, Ban quản lý đã tiến hành cải tạo hang như che chắn, tạo độ ẩm nên sau 2 năm đã có một đàn chim yến hơn 40 con vào hang làm tổ và cho thu hoạch. Từ đây, ý tưởng tạo đàn yến cho hang Mũi Dứa được hình thành trên cơ sở thực tiễn quản lý và khai thác tổ yến tại Cù lao Chàm, nghiên cứu các biện pháp cứu hộ chim yến non.

Và hang Mũi Dứa đã trở thành khu liên hợp nghiên cứu, chăm sóc, “nâng cánh” chim yến non để ngày mai chúng tung cánh lên bầu trời rộng lớn.

Cứu hộ chim non

TS. Võ Tấn Phong, thành viên Ban chủ nhiệm đề tài cho biết, ở Cù Lao Chàm, chim yến trưởng thành làm tổ vào khoảng tháng 11 (sau tiết Đông chí), sau 124 ngày thì đẻ 2 trứng. Sau khi chim yến đẻ trứng sẽ tiến hành khai thác tổ kỳ 1. Cách vài ngày chim yến làm tổ lại. Khoảng 48 ngày sau chim đẻ lại 2 trứng rồi ấp. Sau 24 ngày trứng nở, chim yến bố mẹ nuôi chim non khoảng 40 - 45 ngày thì chim non bắt đầu rời tổ và tiến hành khai thác tổ kỳ 2.

Theo TS. Võ Tấn Phong, do nhiều nguyên nhân, trong thời gian chim yến bố mẹ nuôi chim non, hiện tượng rơi tổ và rơi chim non xảy ra khá phổ biến. Tại 3 hang lớn là hang Khô, Tò Vò và hang Cả, trong mùa sinh sản mỗi ngày có hàng trăm chim yến non bị rơi khỏi tổ. Sự hao hụt tự nhiên này làm cho quá trình tăng đàn yến đảo Cù Lao Chàm diễn ra rất chậm, từ đó làm cho sản lượng tổ không tăng mà còn suy giảm. Do đó, việc nghiên cứu cách cứu hộ chim non rơi khỏi tổ và chăm sóc chúng cho đến lúc trưởng thành để tạo đàn là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, góp phần làm gia tăng sản lượng tổ yến Cù Lao Chàm.

Đã có 530 con chim yến non 5 - 10 ngày tuổi bị rơi khỏi tổ được thu gom từ các hang yến đưa về nuôi ở khu nhà chăm sóc. Kỹ sư Huỳnh Ty cho biết, chim non bị rơi khỏi tổ khi đưa về còn đỏ hỏn. Trong tự nhiên, giai đoạn này chim non được chim bố mẹ tha mồi về nuôi dưỡng từ 40 - 45 ngày mới có thể tự bay đi kiếm ăn. Nhưng khi được chăm sóc nhân tạo, rất nhiều câu hỏi đặt ra cho Ban chủ nhiệm đề tài như cho chim non ăn gì, chế độ ăn như thế nào, làm thế nào để chim nhập đàn và quay về với tự nhiên…

Anh Ty phấn khởi cho hay, gần 2 năm nghiên cứu, đến nay cơ bản đã xác định được thành phần thức ăn cho chim yến non ở các giai đoạn phát triển. Cán bộ nghiên cứu của Ban quản lý cũng đã tạo một khu vực nuôi côn trùng làm thức ăn cho chim yến non.

Nhìn TS. Võ Tấn Phong bón từng chút thức ăn cho từng chú chim yến non mới thấy sự kỳ công của công tác nghiên cứu. “Nuôi chim yến non cực như chăm con mọn vậy” - ông Phong ví von. Đồng thời cho biết, khi ăn côn trùng, chim tiêu hóa rất nhanh nên phải thường xuyên theo dõi để kịp thời bón thức ăn cho chim.

Nhìn những chú chim yến ríu ra ríu rít rướn cổ đòi ăn, anh Ty không giấu nổi niềm vui. Anh cho biết, đến thời điểm hiện nay, sau 15 - 35 ngày nuôi, đã có 70% chim đủ lông, đủ cánh, sẵn sàng cho lần cất cánh đầu tiên trong đời.

Từ nhà chăm sóc, những chú chim yến non đã chéo cánh và có khả năng bay được thả vào nhà lưới để tập bay và tập bắt mồi. Sau khi bay khỏe, chim yến con được thả để hòa nhập với đàn yến của hang Mũi Dứa, chính thức bắt đầu một cuộc sống mới trong tự nhiên.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cánh chim đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO