(QNO) - Mùa khô hạn đang bắt đầu, hàng chục héc ta đất sản xuất vùng hạ du đang có nguy cơ thiếu nước, trông chờ vào sự chia sẻ nguồn nước từ các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Thế nhưng, nhà máy thủy điện Za Hung đã âm thầm nâng cấp bờ đập nhằm tích thêm nước cho hồ chứa.
Công nhân nhà máy thủy điện Za Hung dùng dây đưa bao cát xuống nâng cao bờ đập. |
Nhiều người dân xã Zà Hung (Đông Giang) phản ảnh, những ngày qua, công nhân của nhà máy thủy điện Za Hung đóng trên địa bàn hối hả đưa bao tời cát nâng cao bờ tràn đập chính thủy điện lên cao gần 1m nhằm tích thêm lượng nước trong hồ chứa, nhưng chưa có sự chấp thuận nào của cơ quan chức năng. Người dân địa phương tỏ ra lo lắng, nếu công trình hoàn thiện với quy mô lớn hơn mỗi ngày sẽ tác động xấu đến môi trường. Đặc biệt là ảnh hưởng đến sản xuất hoa màu, đất đai của người dân sống ven lòng hồ thủy điện. Mặt khác, nguồn nước đổ về vùng hạ du “cứu cánh” cho nhiều cánh đồng cũng bị lén lút “bớt xén”.
Chiều ngày 9.3, có mặt tại công trường của nhà máy với nhiều công nhân lao động đang dùng dây đưa bao cát xuống dọc bờ đập chất chồng cao hơn 0,5cm. Công nhân ở đây tiết lộ, công việc này triển khai hơn 1 tuần nay. Vì mùa khô hạn nên các đập chứa không đủ nước để chạy phát điện liên tục nên lãnh đạo nhà máy cho nâng cao trình lên để tích trữ thêm được nhiều nước. Để thu thập thông tin, chúng tôi tìm đến văn phòng trụ sở làm việc của nhà máy thủy điện Za Hung, nhưng tại đây chỉ có một nữ nhân viên làm việc và cho biết lãnh đạo nhà máy đi vắng.
Bao cát nâng cao trái phép tại bờ đập tràn của nhà máy. |
Giữa năm 2015, Báo Quảng Nam đã phản ảnh về 9 hộ dân trên địa bàn thôn Sông Voi (xã Jơ Ngây, Đông Giang) khiếu kiện nhà máy thủy điện Sông Côn 2 vì gây hậu quả mất đất sản xuất cho họ. Mà nguyên nhân được xác định là do tháng 12.2010, nhà máy này tự ý lắp đặt thêm hệ thống van lật, nâng cao trình đập lên khoảng 1m trong khi chưa thực hiện thủ tục pháp lý về điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác định phạm vi, cao trình ngập, cắm mốc… |
Sáng 15.3, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam qua điện thoại, lãnh đạo nhà máy thủy điện Za Hung cho biết, hiện tại mỗi ngày nhà máy chỉ chạy nước 4 tiếng đồng hồ. Nâng cao bờ đập lên 50cm bằng bao cát để phục vụ cho đề tài nghiên cứu nâng cao hiệu quả của thủy điện và chỉ triển khai thí điểm trong vòng 1 tháng trở lại. Trong số 6 ô nâng cao, thì đã có 1 ô bị nước cuốn trôi. “Chúng tôi chỉ tạm thời chắn nước chạy thử nghiệm phục vụ cho đề tài khoa học. Đề tài có hiệu quả thì làm, không thì thôi chứ có cơi nới kiên cố bằng bê tông cốt thép gì đâu” - vị lãnh đạo này giải thích thêm.
Trong khi đó, cơ quan quản lý là Sở Công thương khẳng định, về nguyên tắc các nhà máy thủy điện có muốn lắp đặt, xây dựng, nâng cao trình đập lên để tăng dung tích hồ chứa phải có sự chấp thuận của Bộ Công thương và có báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thời điểm này, Sở Công thương chưa nhận được bất cứ văn bản nào liên quan đến việc cơi nới “phục vụ cho đề tài nghiên cứu” của nhà máy thủy điện Za Hung.
Theo phân tích của các chuyên gia thủy điện, lý do mà đại diện lãnh đạo nhà máy đưa ra là không thuyết phục. Bởi lẽ, với mùa khô kiệt thì mới cần nâng cao trình bờ đập để tăng dung tích hồ chứa. Đến mùa mưa lũ, nguồn nước về đầy hồ thì cần gì phải cản nước lại. Thêm nữa, việc tích nước của nhà máy thủy điện dù ở mức độ lớn hay nhỏ cũng đều tác động đến đời sống sản xuất của người dân vùng hạ du. Lẽ nào chủ đầu tư nhà máy thủy điện này không biết? Được biết, nhà máy thủy điện Za Hung có dung tích hồ chứa trên 700 nghìn mét khối nước, có tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng. Công trình phát điện vào tháng 7.2009, cung cấp khoảng 130 triệu KWh/năm.
TRẦN HỮU