Nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND tỉnh

HÀN GIANG 16/08/2016 08:55

Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND tỉnh chú trọng việc ban hành các nghị quyết nhằm nâng cao chất lượng nội dung đối với mục tiêu phát triển chung của tỉnh.

 Thường trực HĐND tỉnh tổ chức họp liên tịch rút kinh nghiệm sau Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa IX. Ảnh: H.GIANG
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức họp liên tịch rút kinh nghiệm sau Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa IX. Ảnh: H.GIANG

Ở nhiệm kỳ này, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương với những điểm mới khác biệt, tạo cho các cơ quan trong hệ thống chính quyền ở địa phương hoạt động khá thuận lợi, phân định rõ ràng và cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND, thành viên UBND, tổ đại biểu và các đại biểu HĐND. Qua công tác tổ chức bộ máy theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, địa vị pháp lý của Thường trực HĐND, thành viên UBND tỉnh được nâng lên, sẽ hoạt động hiệu quả, tích cực và chất lượng hơn.

Tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa IX vừa qua, các cơ quan chuyên môn với tư cách là thành viên UBND - đại diện UBND tỉnh trình bày nội dung chuyên môn do mình phụ trách; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và HĐND tỉnh về nội dung đề án của mình. Khác với trước đây là do Thường trực UBND tỉnh hay cơ quan chuyên môn nhất định nào đó thực hiện. Do đó, giúp cho lãnh đạo UBND tỉnh nắm được đầy đủ các nội dung trong lãnh đạo, điều hành thực hiện các đề án theo lĩnh vực ngành được giao phụ trách. Đối với HĐND tỉnh cũng có điều kiện để xem xét kỹ những nội dung trình cho kỳ họp, hay thông qua tổ đại biểu và các ban của HĐND tỉnh để xem xét, đánh giá các nội dung trình bày tại kỳ họp. Trên cơ sở đó các đại biểu HĐND quyết định một cách dân chủ, quyền của từng đại biểu được khẳng định trong việc quyết định các vấn đề được đưa ra tại kỳ họp.

Đắn đo

Theo ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa IX vừa qua, lần đầu tiên các đại biểu quyết định không thông qua một dự thảo nghị quyết. Điều chưa từng có tiền lệ trong các kỳ họp của HĐND tỉnh này phù hợp và đúng với quy định mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Và trong các kỳ họp tiếp theo, một nội dung đề án được trình bày nếu còn có nhiều ý kiến khác nhau sẽ được các đại biểu tập trung thảo luận. Và nếu các đại biểu quyết định không thông qua nội dung đề án thì điều đó sẽ trở thành bình thường. Như vậy, chất lượng, tính khả thi đối với các chủ trương, chính sách, cơ chế của HĐND tỉnh sẽ cao hơn, hiệu quả hơn; góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của tỉnh.

Giám sát, chuẩn bị nội dung cho kỳ họp cuối năm

Ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, Kỳ họp thứ 3 dự kiến tổ chức vào đầu tháng 12.2016, HĐND tỉnh khóa IX sẽ xem xét, quyết định các nội dung thực hiện cho cả nhiệm kỳ. Trong đó sẽ bàn bạc về việc phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương cấp huyện, xã, nhất là trên lĩnh vực tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản. Đặc biệt, xem xét, phân bổ ngân sách năm 2017 - năm đầu thực hiện ổn định ngân sách, làm cơ sở, căn cứ để thực hiện cho giai đoạn 2017 - 2020. Đồng thời xây dựng kế hoạch tài chính của tỉnh 3 năm, 5 năm. HĐND tỉnh cũng xem xét, quyết định các nguyên tắc, tiêu chí định mức về đầu tư xây dựng cơ bản và chi thường xuyên trong hoạt động của chính quyền các cấp. Xem xét lại các nghị quyết của HĐND về chế độ chính sách, các cơ chế đã được ban hành trong nhiệm kỳ vừa rồi để bổ sung hoặc bãi bỏ cho phù hợp với kỳ kế hoạch phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2015 - 2020...

Để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa IX, theo kế hoạch, từ ngày 5.8 đến 20.9, Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh sẽ tổ chức giám sát việc triển khai chính sách người có công cách mạng. Trong đó, chú trọng việc kiểm tra thực hiện chính sách và xác lập hồ sơ công nhận đối với người có công với cách mạng và thân nhân theo Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9.4.2013, Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH. Qua đó, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và kiến nghị, đề xuất của địa phương, đơn vị và gia đình có công với cách mạng tại 6 địa phương của các huyện Phú Ninh, Tiên Phước, Duy Xuyên.

Từ ngày 5 đến 10.10, Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh tổ chức giám sát về tình hình hoạt động, quản lý, sử dụng vốn tại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh. Qua đó nắm rõ thực trạng về mô hình tổ chức và tình hình hoạt động, quản lý, sử dụng vốn tại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Từ đó phân tích, đánh giá chất lượng hoạt động các quỹ và đề xuất bổ sung giải pháp tăng cường quản lý, sử dụng nguồn lực của quỹ đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét việc duy trì hoặc cơ cấu lại các quỹ hoạt động kém hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực. (H.GIANG)

Cũng theo ông Võ Hồng, ở Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa IX, dự kiến tổ chức vào cuối năm nay, có rất nhiều đề án được trình ra kỳ họp (khoảng 42 nội dung). Với một khối lượng công việc lớn như vậy đòi hỏi các đại biểu phải tập trung công sức, tâm huyết, trí tuệ vào việc xem xét, bàn bạc và quyết định đối với từng nội dung. Song, từ nay đến ngày khai mạc Kỳ họp thứ 3, trong quá trình chuẩn bị nội dung đề án của các cơ quan chuyên môn sẽ có sự tham gia ngay từ đầu của các ban HĐND tỉnh. “Nếu xét thấy một nội dung đề án chưa được xây dựng hoàn thiện, chưa chặt chẽ và chưa thật sự bức thiết lắm thì sẽ chuyển sang kỳ họp tiếp theo của năm 2017. Điều này nhằm đảm bảo chất lượng, tính khả thi cao của các đề án được HĐND tỉnh thông qua. Một nội dung đề án được chuẩn bị tốt, khi trình ra kỳ họp sẽ được các đại biểu xem xét tính phù hợp đối với mục tiêu phát triển chung của tỉnh, khả năng dự báo nguồn lực của tỉnh và tính hiệu quả của đề án. Từ đó, các đại biểu thảo luận và có quyết định thông qua hay không thông qua” - ông Võ Hồng nói.

Phát huy trí tuệ tập thể

Sau thành công của Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa IX, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức họp liên tịch giữa HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để rút kinh nghiệm nhằm tổ chức kỳ họp sắp tới đạt chất lượng hơn. Thẳng thắn nhìn nhận các hạn chế được nêu ra, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cũng lưu ý các cơ quan chuyên môn thành viên UBND tỉnh, khi chuẩn bị xây dựng đề án cần chú trọng phát huy trí tuệ của tập thể. Chú ý công khai nội dung dự thảo đề án lên cổng thông tin điện tử nhằm tranh thủ ý kiến góp ý của các sở ngành, của nhân dân. Gần đến kỳ họp thì rà soát lại, thực hiện lấy ý kiến phản biện từ các đơn vị liên quan để đi đến thống nhất, xây dựng hoàn thiện đề án. “Một điều cần hết sức lưu ý hiện nay là trong quá trình xây dựng nội dung đề án, các sở ngành của tỉnh phải chú ý nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật của trung ương mới được ban hành. Có như vậy, nội dung đề án được trình ra HĐND tỉnh sẽ không bị vướng về mặt pháp lý; đồng thời kịp điều chỉnh, bổ sung vào các đề án đã được HĐND tỉnh thông qua để phù hợp với quy định của Trung ương” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, để khắc phục những hạn chế đã được nhìn nhận, trong thời gian tới, việc chuẩn bị nội dung đề án trình cho kỳ họp cần thực hiện theo tư duy mới, với cơ chế cùng làm, cùng họp giữa các ngành và các ban của HĐND tỉnh. Như vậy sản phẩm của một cơ quan soạn thảo cũng là sản phẩm chung của một tập thể, rút ngắn đi thời gian bố trí hội họp, để các bên nắm và tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung hoàn thiện đề án. UBND và Thường trực HĐND tỉnh chỉ họp và cho ý kiến thảo luận đối với các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, cùng bàn bạc để thống nhất. Đối với các vấn đề mà hai bên chưa thống nhất sẽ được trình ra kỳ họp để các đại biểu HĐND tỉnh xem xét, quyết định. “Các cơ quan được giao chuẩn bị đề án (bổ sung, điều chỉnh) cần phải có sự đánh giá thật kỹ về hiệu quả của những việc đã làm, nhất là đối với những vấn đề thuộc về chính sách, liên quan đến con người. Việc đánh giá này hiện nay là một khâu yếu và cần phải được chú trọng, làm chủ động trong quá trình soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Còn đối với các cơ chế, chủ trương mới, đơn vị được giao soạn dự thảo nội dung phải có sự dự báo về sự tác động của chính sách đến đối tượng thụ hưởng. Việc đánh giá tính hiệu quả và dự báo tác động của chính sách cần nên có và phải có để các cơ quan chuyên môn thẩm định về hiệu quả cơ chế, chính sách nếu được ban hành” - ông Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh.

HÀN GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND tỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO