Nâng cao chất lượng các phong trào văn hóa

HỒ QUÂN 10/03/2022 06:40

Năm 2021, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã triển khai sâu rộng từ sở, ban, ngành đến các địa phương gắn với nhiều chương trình thiết thực; góp phần duy trì nếp sống văn hóa lành mạnh, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Vùng cao Quảng Nam cần gắn phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: HỒ QUÂN
Vùng cao Quảng Nam cần gắn phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: HỒ QUÂN

Những cách làm hay

Ông Nguyễn Tiến Anh - Phó Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Bắc Trà My cho biết, với địa bàn miền núi có nhiều  đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Bắc Trà My gắn phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Đáng chú ý, các xã Trà Nú, Trà Kót có đồng bào dân tộc Co sinh sống triển khai phong trào này rất hiệu quả.

Tính đến năm 2021, tỷ lệ gia đình văn hóa của Trà Kót luôn đạt hơn 87%, Trà Nú hơn 85%; việc xây dựng thôn, tổ văn hóa trở thành phong trào sôi nổi, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia; góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, gìn giữ văn hóa truyền thống... Một số câu lạc bộ cồng chiêng của Trà Kót, Trà Nú được thành lập, duy trì hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, phong trào gắn với chương trình xây dựng nông mới trên địa bàn mang lại hiệu quả thiết thực. Toàn huyện có 7.474 gia đình văn hóa, 26/29 thôn văn hóa, 3/6 xã đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn.

Qua các chương trình đã từng bước bài trừ tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu; kịp thời phát hiện, hòa giải những mâu thuẫn trong cộng đồng; nâng cao ý thức người dân trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, đối với sở, ngành, các đơn vị đã lồng ghép nội dung phong trào với nhiệm vụ chính trị từng đơn vị. Tiêu biểu như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị thông minh” của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” của Công an tỉnh; “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” của Sở GD-ĐT; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” của Hội LHPN tỉnh…

Nâng chất lượng phong trào

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hải - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Duy Xuyên cho biết, tỷ lệ gia đình văn hóa tăng lên từng năm, nhưng thực tế nhiều gia đình chưa mặn mà với danh hiệu này. Hiện nay không có chế tài ràng buộc nên cán bộ, công chức cần quan tâm, tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân.

Còn ông Arất B’Lúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang đề nghị UBND tỉnh sớm hoàn chỉnh đề án bảo tồn văn hóa truyền thống trình HĐND tỉnh để có chủ trương, giải pháp gìn giữ văn hóa truyền thống vùng cao xứ Quảng...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, để phong trào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào thực chất, phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2022 thì các đơn vị, địa phương cần vào cuộc đồng bộ.

Trong đó, Sở VH-TT-DL gắn phong trào với mô hình tiêu biểu, hướng tới xây dựng gia đình văn hóa, thôn, xã văn hóa tiêu biểu; tập trung nguồn lực xây dựng thiết chế văn hóa, nhà văn hóa, gươl làng.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh giám sát việc công nhận các danh hiệu, tránh chạy theo hình thức. Liên đoàn Lao động công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa để từng bước nâng cao văn hóa công sở. Các địa phương tiếp tục gắn phong trào với xây dựng nông thôn mới, đô thị thông minh...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao chất lượng các phong trào văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO