Năm học 2015-2016, Hội An chú trọng phát triển giáo dục theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó lưu ý công tác chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên, giáo dục học sinh và đẩy mạnh công tác xã hội hóa...
Hiện nay, toàn TP.Hội An có 39 trường mầm non, tiểu học và THCS với tổng số 18.000 học sinh. Trong đó có 9/13 trường mầm non, 10/14 trường tiểu học, 3/10 trường THCS đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Hệ thống trường lớp nhìn chung đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân.
Trong những năm qua, đội ngũ giáo viên và học sinh thành phố đã có nhiều nỗ lực, tạo chuyển biến và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tỷ lệ học sinh đạt loại khá, giỏi và tốt nghiệp các cấp học, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hàng năm đều tăng. Hội An cũng là địa phương được xếp loại khá cao tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về số học sinh đỗ vào trường chuyên từ năm 2013 đến nay.
Hệ thống trường lớp ở TP.Hội An ngày càng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Ảnh: Đ.H |
Tuy nhiên, đảng bộ thành phố vẫn xác định trong năm học mới cần tiếp tục tạo chuyển biến cơ bản về phát triển giáo dục đào tạo theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Ánh nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới căn bản về mục tiêu, nội dung, phương pháp, chương trình giáo dục ở các cấp học theo hướng tiếp cận trình độ tiên tiến và yêu cầu thực tiễn. Xây dựng đội ngũ giáo viên đảm bảo về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ, có tinh thần trách nhiệm cao. Không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học toàn diện, kết hợp dạy văn hóa và giáo dục đạo đức”.
Theo đó, yếu tố quyết định hàng đầu là chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên. Hiện nay, toàn thành phố đang quản lý khoảng 1.160 cán bộ, giáo viên, công nhân viên, trong đó có 354 đảng viên (chiếm tỷ lệ 30,5%). Các trường công lập có 35 chi bộ độc lập, 2 đơn vị sinh hoạt ghép. Vì vậy cần đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ trường học và các tổ chức chính trị trong nhà trường để thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho mỗi cán bộ, giáo viên phải thực sự gương mẫu, thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Bên cạnh đó, không ngừng chăm lo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng về chuyên môn, nghiệp vụ. Thầy giáo Nguyễn Văn Dung - Trưởng phòng GD-ĐT thành phố cho hay: “Hiện nay, toàn ngành có 100% giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn và đạt trên chuẩn là hơn 80%. Song, vấn đề quan trọng là hiệu quả thực tế trong quá trình thực hiện công việc cụ thể của từng người, vì vậy phải chú trọng các biện pháp quản lý đồng bộ từ việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, việc bồi dưỡng trang bị kiến thức mới và cả công tác kiểm tra, chỉ đạo trong quá trình giảng dạy của đội ngũ giáo viên”.
Cũng theo thầy Nguyễn Văn Dung, yếu tố tiếp sau việc chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên là công tác chăm lo giáo dục toàn diện cho học sinh. Trong thực tế, với những tác động phức tạp, đa chiều, vẫn còn một bộ phận học sinh chưa xác định rõ động cơ học tập, thiếu cố gắng, không chăm ngoan, thậm chí vi phạm pháp luật. Vì thế, ngoài việc chăm lo giáo dục văn hóa, ngành GD-ĐT cần đặc biệt coi trọng giáo dục đạo đức cho học sinh, khắc phục tình trạng thiên lệch một chiều như hiện tại. Đặc biệt, ở cấp học càng lớn thì càng phải chú trọng công tác này càng sâu sát, cụ thể. Không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học toàn diện, kết hợp giữa dạy chữ với dạy người - dạy nghề, rèn luyện kỹ năng sống, bồi dưỡng kiến thức xã hội, ý thức thực thi pháp luật.
ĐỖ HUẤN