Trước tình trạng khan hiếm giống cây lâm nghiệp chất lượng cung ứng ra thị trường, bên cạnh tập trung xây dựng các rừng giống cây bản địa, tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống lâm nghiệp, Quảng Nam đặt mục tiêu nghiên cứu công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực giống, phục vụ truy xuất nguồn gốc, quản lý sản xuất kinh doanh giống cây trồng…
Hạn chế nguồn giống
Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, qua đánh giá thực trạng, cũng như công tác quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, địa bàn tỉnh hiện có 141 vườn ươm, trong đó có 40 vườn ươm lâu dài, còn lại vườn ươm tạm thời, chưa cố định. Các vườn ươm lâu dài được đầu tư với cơ sở vật chất đồng bộ, nhân lực đầy đủ, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp.
Riêng đối với nguồn giống cây trồng lâm nghiệp hiện có vẫn còn hạn chế về số lượng và số loài, chưa đáp ứng yêu cầu trồng rừng, phục vụ tái cơ cấu lâm nghiệp. Trong khi đó, đa số nguồn giống được công nhận đã hết thời hạn, do vậy cần có kế hoạch gia hạn theo quy định.
“Hằng năm, nhu cầu cung ứng giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 75 triệu cây, với diện tích trồng rừng khoảng 30 nghìn héc ta. Mặc dù trên địa bàn tỉnh hiện có 138 đơn vị tham gia sản xuất cung ứng giống, với số lượng cây giống sản xuất khoảng 54 triệu cây, nhưng do nhu cầu quá lớn nên hằng năm phải mua từ ngoại tỉnh khoảng 21 triệu cây con giống” - ông Út nói.
Thực trạng trên xuất phát từ một bộ phận chủ sản xuất, kinh doanh giống là hộ gia đình, cá nhân tự phát nên chưa đảm bảo các điều kiện về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp; đồng thời chưa nắm bắt được quy trình, kỹ thuật, nguồn vật liệu giống chưa đảm bảo, do đó chất lượng nguồn giống cung cấp hiệu quả thấp.
Theo ông Út, để nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp, ông Út nói, ngành lâm nghiệp đang triển khai xây dựng một số dự án về phát triển giống tại một số địa phương Nam Giang, Bắc Trà My, Phú Ninh…, giúp cung cấp, bổ sung giống cho hoạt động trồng rừng thời gian tới.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng đang phối hợp với Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam xây dựng Đề án phát triển nguồn giống cây lâm nghiệp bản địa giai đoạn 2022 - 2028, dự kiến xây dựng 20ha lâm phần tuyển chọn lim xanh, ươi, giổi, muồng đen đảm bảo bảo chất lượng; phối hợp với UBND huyện Thăng Bình lập hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp đối với tràm dó lấy dầu tại địa phương.
Xây dựng trung tâm giống chất lượng
Theo các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp Việt Nam, để tăng năng suất cây trồng, bên cạnh chọn tạo giống có năng suất cao, vùng sinh thái và điều kiện địa hình phù hợp, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh nhằm tạo điều kiện tối ưu cho sinh trưởng của cây trồng.
Trong đó, xác định giống cây đảm bảo chất lượng đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất lâm nghiệp, giúp cải thiện mục tiêu năng suất rừng trồng phù hợp với điều kiện sinh thái và môi trường tự nhiên.
Để phát triển giống cây lâm nghiệp đạt chuẩn, ngoài quản lý, chọn lựa và nhân giống chất lượng cao, các chuyên gia khuyến khích ứng dụng quy trình, công nghệ nhân giống theo phương thức nuôi cấy mô tế bào, cải tiến các vườn ươm cây giống bằng vỏ bầu…
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, Quảng Nam rất quan tâm đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, xem đây là một trong những khâu quan trọng góp phần phát triển, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vốn có của tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Do tình trạng sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp thời gian qua còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc cây giống... nên các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp hiện nay chưa tương xứng với nhu cầu, tiềm năng vốn có của tỉnh, gây ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác.
Theo ông Bửu, thời gian tới, ngoài tìm kiếm phương pháp nâng cao chất lượng cây giống, các địa phương, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, nhất là quản lý chất lượng giống, đảm bảo truy xuất nguồn gốc giống trước khi đưa vào trồng rừng.
“Cần tập trung xây dựng các rừng giống cây bản địa, nguồn giống, đặc biệt chú trọng cây có năng suất, chất lượng cao, cây đa mục tiêu…, phục vụ việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên lĩnh vực lâm nghiệp nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân thời gian tới.
Ngoài ra, cần có cơ chế chính sách phù hợp, khuyến khích các cơ sở sản xuất giống nghiên cứu khảo nghiệm, sản xuất các loài giống có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trồng rừng trên địa bàn tỉnh” - ông Bửu nhấn mạnh.
Trên cơ sở đặt mục tiêu tìm kiếm phương pháp tối ưu trong việc tạo giống chất lượng, ông Bửu kỳ vọng trong tương lai Quảng Nam sẽ xây dựng được trung tâm giống lâm nghiệp quy mô cấp tỉnh đạt chất lượng theo quy chuẩn hiện đại, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ về cây giống, phục vụ công tác trồng rừng trong địa bàn tỉnh, thậm chí là khu vực miền Trung - Tây Nguyên và toàn quốc.