Nâng cao chất lượng rừng

XUÂN TRƯỜNG 09/11/2015 09:59

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, quỹ đất dành cho trồng rừng thay thế trên địa bàn dần trở nên cạn kiệt, TP.Tam Kỳ đặt ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng rừng.

Theo Quyết định 2462/QĐ-UBND ngày 9.8.2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2020, địa bàn TP.Tam Kỳ được điều chỉnh quy hoạch rừng với tổng diện tích là 592,12ha (rừng phòng hộ 523,75ha và rừng sản xuất 68,37ha). Trong khi đó, kết quả điều tra, rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn TP.Tam Kỳ mới đây (do Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Trung Trung Bộ thực hiện), diện tích đất lâm nghiệp toàn thành phố hiện nay là 661,5ha (rừng phòng hộ 590,1ha và rừng sản xuất 71,4ha), tập trung chủ yếu tại các xã Tam Thăng, Tam Phú, Tam Thanh, Tam Ngọc và phường An Phú. Như vậy, hiện tại diện tích rừng của TP.Tam Kỳ cao hơn diện tích rừng được điều chỉnh theo Quyết định 2462/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Tuy nhiên, theo Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Trung Trung Bộ (là đơn vị tư vấn quy hoạch rừng cho TP.Tam Kỳ giai đoạn 2016 - 2020), đến năm 2020, diện tích rừng thành phố có thể giảm so với quyết định này. Nguyên nhân cơ bản là nhiều diện tích đất rừng sẽ được chuyển sang đất khác để tạo quỹ đất xây dựng các công trình hạ tầng đô thị. Trong khi đó, quỹ đất dành cho trồng rừng thay thế tại đa số các xã, phường trên địa bàn đã cạn kiệt. Chính vì thế, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016 - 2020, TP.Tam Kỳ sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng rừng với các ưu tiên hàng đầu về tái tạo môi trường, cảnh quan sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các xã Tam Thăng, Tam Phú đang tích cực trồng dặm và chăm sóc rừng trồng của dự án PACSA để đảm bảo độ phủ xanh cho rừng. Ảnh: X.T
Các xã Tam Thăng, Tam Phú đang tích cực trồng dặm và chăm sóc rừng trồng của dự án PACSA để đảm bảo độ phủ xanh cho rừng. Ảnh: X.T

Tại xã Tam Thăng, việc triển khai các dự án Đường cứu hộ cứu nạn, khu quy hoạch dân cư… đã làm cho 115,2ha đất rừng phòng hộ phải chuyển sang đất khác để tạo quỹ đất cho xây dựng. Đặc biệt, có 75ha rừng trồng của dự án PACSA bị ảnh hưởng bởi Khu công nghiệp Tam Thăng. Tuy nhiên, quỹ đất để trồng rừng thay thế của xã Tam Thăng hiện chỉ còn 5ha (sẽ được trồng trong cuối năm 2015) nên Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ phải rà soát và tìm diện tích trồng rừng thay thế tại một số địa bàn lân cận như các xã Tam Phú, Tam Thanh, phường An Phú. Trong kế hoạch trồng rừng giai đoạn 2016 - 2020, địa phương cũng chỉ có thể thực hiện với tổng diện tích là 13,6ha. Ông Trần Quốc Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thăng cho biết: “Không có quỹ đất để cải thiện diện tích rừng, địa phương sẽ chú trọng vào công tác chăm sóc, bảo vệ rừng hiện có. Đặc biệt, đối với rừng trồng của dự án PACSA, địa phương sẽ tăng cường việc trồng dặm ở một số khu vực để đảm bảo độ che phủ rừng. Ngoài ra, một số khu vực khác như ven sông Bàn Thạch, hồ Sông Đầm… cũng sẽ được nghiên cứu để trồng rừng theo định hướng tái tạo môi trường sinh thái”.

Nếu như các địa phương khác trên địa bàn TP.Tam Kỳ có diện tích rừng giảm theo quy hoạch giai đoạn 2016 - 2020 thì xã biển Tam Thanh lại có diện tích tăng lên. Trong giai đoạn này, địa phương sẽ đưa 19,9ha đất ngoài quy hoạch cho lâm nghiệp theo Quyết định số 2462/QĐ-UBND vào đất rừng phòng hộ, trong đó, trồng rừng mới trên đất trống là 14,3ha và trồng dặm trên những vùng đã có rừng nhưng mật độ không đảm bảo là 5,6ha. Với đặc thù tự nhiên của xã Tam Thanh là nằm dọc ven sông và biển nên địa phương cũng tính toán việc trồng rừng vừa thích ứng với biến đổi khí hậu vừa tạo được cảnh quan sinh thái để phát triển du lịch. Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết: “Đối với khu vực từ bờ kè biển trở ra, chúng tôi sẽ phục hồi và tiến tới phủ xanh rừng ở một số đoạn, đồng thời giao lại cho người dân để cùng quản lý một cách hiệu quả. Vì khu vực này rất quan trọng trong việc chắn sóng, chống xói lở, chống nạn cát bay và các yếu tố thời tiết cực đoan khác”.

TP.Tam Kỳ đang đặt ra các giải pháp hiệu quả để có thể nâng cao chất lượng rừng, khả năng phòng hộ của rừng và quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng kết hợp với tái tạo cảnh quan môi trường, phát triển du lịch sinh thái.

XUÂN TRƯỜNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao chất lượng rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO