Sinh hoạt đoàn là hoạt động để thu hút, tập hợp, giáo dục và rèn luyện đoàn viên - thanh niên (ĐVTN). Tuy nhiên, chất lượng của các buổi sinh hoạt đoàn hiện nay là vấn đề rất đáng quan tâm. Dưới đây là ý kiến đóng góp của đội ngũ cán bộ đoàn, ĐVTN nhằm nâng cao chất lượng, sức hấp dẫn khi tổ chức sinh hoạt đoàn, đáp ứng nhu cầu của đoàn viên.
Sức sống sinh hoạt đoàn phụ thuộc lớn vào vai trò thủ lĩnh và hình thức tổ chức. Ảnh: THIÊN NGÂN |
- LÊ THỊ MẬN (sinh viên Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Quảng Nam): “Chăm lo những vấn đề sát sườn”
Hình thức sinh hoạt đoàn hiện nay ở trường học phải mới lạ, không rập khuôn để thu hút các bạn sinh viên, như: kết hợp sinh hoạt với hoạt động dã ngoại; hàng tháng có các chương trình sinh hoạt chuyên đề, tổ chức sinh nhật tập thể, các buổi chia sẻ kinh nghiệm sống, cách thức săn nguồn học bổng và tìm việc làm thêm, hay tọa đàm về khát vọng khởi nghiệp, lập nghiệp… Tôi nghĩ, không một sinh viên nào có thể thờ ơ trước những vấn đề sát sườn như vậy. Khi đó, việc lồng ghép một thông điệp có tính giáo dục sẽ không còn khô cứng nữa mà tự nó ngấm vào đoàn viên, sinh viên. Ngoài ra, nên chú tâm hơn đến các câu lạc bộ, đội nhóm, vì đó môi trường sát nhất, kề cận nhất để phát triển khả năng của sinh viên. Các bạn khi đã thích, sẽ tham gia nhiều hơn.
- NGÔ BÁ KÔNG (Bí thư Đoàn xã Đại Minh, Đại Lộc): “Phụ thuộc vào khả năng của thủ lĩnh đoàn”
Một trong những điểm mấu chốt ảnh hưởng tới chất lượng tổ chức cơ sở đoàn trên địa bàn dân cư là sự biến động thường xuyên của cán bộ đoàn; năng lực, trình độ của đồng chí bí thư chi đoàn. Một buổi sinh hoạt có hấp dẫn hay không phụ thuộc phần lớn vào khả năng của đội ngũ này. Do vậy việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng bí thư đoàn trên địa bàn dân cư cần quan tâm, có thể giới thiệu các đồng chí đang làm việc ở xã vào vị trí bí thư chi đoàn và hỗ trợ, tiếp sức cho đội ngũ này phát triển kinh tế hộ. Một thủ lĩnh nhiệt tình, biết lắng nghe và có kỹ năng hoạt động phong trào sẽ tạo ra sức hút và sự hứng thú với ĐVTN khi tham gia các buổi sinh hoạt đoàn.
- VÕ THỊ THANH VÂN (Bí thư Chi đoàn thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình): “Sinh hoạt ghép, sinh hoạt cuốn chiếu”
Các cấp bộ Đoàn cần thường xuyên tổ chức sinh hoạt ghép, giao lưu, kết nghĩa giữa các tổ chức cơ sở đoàn trên địa bàn mình với những khu vực khác như đoàn trường học, khối lực lượng vũ trang, doanh nghiệp… Thông qua những buổi giao lưu đó sẽ tạo ra không khí mới mẻ trong các hoạt động, đồng thời tạo cơ hội cho ĐVTN học hỏi lẫn nhau trong hoạt động chuyên môn. Hoặc thỉnh thoảng có thể tổ chức sinh hoạt theo hình thức “cuốn chiếu” giữa các chi đoàn trong xã: tháng này ĐVTN toàn xã tập trung sinh hoạt ở thôn A, thì tháng sau ở thôn B. Vì thực tế hiện nay số lượng ĐVTN trên địa bàn mỗi xã đang ít dần.
- TRẦN NGỌC HÀ (đoàn viên Đoàn xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ): “Sinh hoạt đoàn không chỉ là… đi thi”
Tôi thấy hiện nay Đoàn tổ chức các cuộc thi nhiều quá. Ngày lễ hay ngày kỷ niệm nào thì y rằng lại thấy… thi. Thi văn nghệ, thi thể thao, thi kể chuyện, thi sơ cấp cứu, thi kế hoạch nhỏ, khi tôi 18, nhiều nhất là các cuộc thi tìm hiểu kiến thức. Tại sao lại phải thi mà không phải là có thêm những hình thức khác? Thanh niên mỗi khu vực có những đặc điểm tâm lý riêng, nhu cầu khác nhau nên nếu không chọn lựa hoạt động phù hợp sẽ khó đi vào lòng ngay chính ĐVTN của đơn vị đó. Theo tôi, thay vì sinh hoạt trong hội trường, phòng họp thì cũng nên thường xuyên có sự thay đổi về không gian, thời gian sinh hoạt. Ví dụ có thể tổ chức sinh hoạt chi đoàn tại các khu di tích lịch sử, di tích văn hóa, khu công viên, vui chơi giải trí, đi cắm trại…
- NGUYỄN MINH THÀNH (Bí thư Đoàn phường Điện Ngọc, Điện Bàn): “Tổ chức sinh hoạt trực tuyến”
Trao đổi trực tuyến thông qua các hình thức: diễn đàn (forum), mailgroup, webmail, webchat, facebook… đang phổ biến trong ĐVTN. Nếu áp dụng hình thức sinh hoạt đoàn như vậy sẽ rất đa dạng, hấp dẫn, kết hợp được nhiều chủ đề và loại hình khác nhau, từ sinh hoạt theo các sở thích đến việc thành lập các câu lạc bộ giúp nhau học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn... Hàng trăm ĐVTN có khả năng thông tin nhanh chóng về các sự kiện của Đoàn, nhận và gửi các thông báo, trao đổi quan điểm, cách thức giải quyết vấn đề liên quan, thảo luận các văn kiện của Đoàn đồng thời lại được lưu lại trên mạng để có thể mở ra đọc bất cứ lúc nào cần. Tuy nhiên, hình thức này chỉ khả thi đối với địa bàn có điều kiện triển khai và chỉ là kênh bổ sung, khắc phục sự khô cứng của sinh hoạt đoàn chứ không phải là giải pháp thay thế.
LÊ THIÊN NGÂN