Lao động - Việc làm

Nâng cao chất lượng thỏa ước vì người lao động

QUỐC TUẤN 09/04/2024 11:13

Thỏa ước lao động là công cụ quan trọng của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ người lao động nên rất cần có giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thương lượng, ký kết thỏa ước.

20240405_082512.jpg
Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể” diễn ra tại TP.Hội An cuối tuần qua. Ảnh: Q.T

Chú trọng thỏa ước lao động tập thể

Theo số liệu thống kê năm 2023, trong nhóm 9 tỉnh thuộc cụm công đoàn các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) khu vực duyên hải Nam Trung Bộ có 67% doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động (NLĐ), có 488 doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ và 140 cuộc đối thoại đột xuất, qua đó thương lượng ký kết mới được 56 bản thỏa ước lao động tập thể (LĐTT). Trong nhóm cũng có đơn vị thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước LĐTT ở nhóm doanh nghiệp.

Ông Trần Bá Lợi - Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Bình Phước (một đơn vị nằm trong cụm) nêu dẫn chứng, các thỏa ước lao động gồm nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ như: tiền lương tối thiểu cao hơn 3 - 5% so với mức lương tối thiểu Chính phủ quy định, tiền lương thử việc ít nhất bằng 90%, khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề ít nhất 6%…

Đến nay, trong nhóm đã có hơn 80% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký kết thỏa ước LĐTT, trong đó thỏa ước loại A chiếm 12%, loại B: 65%, loại C: 22,5%, loại D: 0,35%.

Ông Nguyễn Kỳ Vĩnh - Chủ tịch Công đoàn các KKT và KCN tỉnh Quảng Nam thông tin, tại Quảng Nam đến nay đã có 81/99 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký kết thỏa ước LĐTT (đạt tỷ lệ 81,8%). Hiện đã đưa nội dung thương lượng tập thể (TLTT), sửa đổi và ký kết mới thỏa ước LĐTT trong tiêu chí đánh giá, xếp loại khen thưởng công đoàn cơ sở cuối năm.

Công đoàn các KKT và KCN tỉnh Quảng Nam đang quản lý và chỉ đạo hoạt động 96 công đoàn cơ sở với 44.305 đoàn viên/49.665 NLĐ. Hiện gần 90% công đoàn cơ sở đã phối hợp tổ chức đối thoại định kỳ và đột xuất với người sử dụng lao động.

thoa-uoc-1.jpg
Việc thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước LĐTT trong nhóm 9 tỉnh thuộc cụm công đoàn các KKT, KCN khu vực duyên hải Nam Trung Bộ có nhiều bước tiến theo hướng có lợi cho người lao động. Ảnh: Q.T

Đại diện Công đoàn cơ sở Công ty TNHH CCI Việt Nam (KCN Bắc Chu Lai, Núi Thành) cho biết, công ty đang đảm bảo công việc ổn định cho khoảng 2.500 lao động ở Núi Thành, TP.Tam Kỳ và vùng phụ cận.

Năm 2023, đơn vị đã tiến hành ký kết lại thỏa ước LĐTT mới với một số điều khoản thiết thực và cao hơn yêu cầu hiện tại của Luật Lao động Việt Nam. Ngoài tiền lương, công ty thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ bằng các khoản phụ cấp, duy trì các chính sách hỗ trợ thôi việc, đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ; xây dựng phòng vắt trữ sữa cho công nhân viên nữ đang trong thời kỳ thai sản…

Giảm dần các thỏa ước hình thức

Nhìn nhận tại hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể” diễn ra cuối tuần qua tại TP.Hội An, một số đại biểu cho rằng tình trạng doanh nghiệp ký thỏa ước mang tính hình thức, đối phó, chỉ sao chép lại một số nội dung của Bộ Luật Lao động là vấn đề trăn trở.

Hiện nay việc có tiến hành TLTT hay không là do các bên trong quan hệ lao động quyết định trên cơ sở tự nguyện, pháp luật hiện hành không có những quy định bắt buộc các bên phải tiến hành TLTT.

thoa-uoc-2.jpg
Hiện nay việc có tiến hành TLTT hay không là do các bên trong quan hệ lao động quyết định trên cơ sở tự nguyện, pháp luật hiện hành không có những quy định bắt buộc các bên phải tiến hành TLTT. Ảnh: Q.T

Mặt khác, các quy định về chế tài xử phạt đối với việc vi phạm trong TLTT có nhưng chưa đủ mạnh để bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện các quy định về TLTT, nên trong thực tế có rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng để né tránh khi nhận được yêu cầu TLTT.

Ở nhiều trường hợp, công đoàn cơ sở mới chỉ dừng lại là “trung gian - cầu nối”, cố gắng để tìm kiếm điểm chung giữa hai bên và thuyết phục hai bên để đi đến thỏa thuận. Do đó, kết quả TLTT bị phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí của chủ doanh nghiệp, nếu chủ doanh nghiệp không đồng ý thì hoạt động TLTT rơi vào bế tắc, kết quả không đạt được.

Nhiều đại biểu tham gia hội thảo cùng chung nhận định về giải pháp cần củng cố nâng cao chất lượng tổ chức công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước và thành lập các tổ tư vấn pháp luật nhằm tăng cường tuyên truyền về những quy định trong thương lượng, đối thoại, ký kết thỏa ước LĐTT.

Đại diện Công đoàn khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng đề xuất, cần tập huấn chuyên sâu về kỹ năng thương lượng cho cán độ công đoàn; tăng cường đào tạo cán bộ công đoàn có chuyên môn về lao động tiền lương, định mức lao động; thành lập các nhóm chuyên gia về TLTT ở từng địa phương... để tham mưu xử lý các vấn đề kỹ thuật có liên quan đến quá trình thương lượng ở cơ sở.

Ông Nguyễn Vinh Quang - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam) thông tin, mục tiêu đề ra trong thời gian tới là phải nâng 55 - 60% thỏa ước đạt loại B trở lên. Dự kiến với mỗi tỉnh có 80 nghìn lao động trở lên thì phải ký kết ít nhất 1 thỏa ước nhóm doanh nghiệp.

Cần xác định tổ chức và ký kết TLTT ở nhiều cấp độ khác nhau chứ không chỉ tập trung ở doanh nghiệp; nâng cao độ bao phủ, trong đó tập trung trọng tâm vào tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao chất lượng thỏa ước vì người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO