Việc tổ chức thực thi pháp luật; đồng thời rà soát rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) là công việc thường xuyên của chính quyền các cấp. Đây là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của đất nước và mỗi địa phương.
TỈNH ủy vừa tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” và tổng kết công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2011 - 2015. Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị hoạt động tư pháp có chung nhìn nhận: Quá trình xây dựng, hoàn thiện văn bản QPPL và thực thi pháp luật ở địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Định hướng đặt ra đối với các cấp ủy, chính quyền địa phương là tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả của các văn bản QPPL; đẩy mạnh thực hiện cải cách tư pháp, nêu cao tính thống nhất và tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48/NQ-TW của Bộ Chính trị vừa được Tỉnh ủy tổ chức. Ảnh: NG.ĐOAN |
Nhiều hạn chế
Ông Phạm Văn Đốc - Bí thư Huyện ủy Tiên Phước cho biết, những năm qua, việc tổ chức thi hành pháp luật được địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm và thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh những kết quả tích cực mà Tiên Phước đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW, ông Phạm Văn Đốc cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Trong quá trình thực hiện công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Tình hình vi phạm pháp luật ở một số lĩnh vực như đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, khoáng sản, giao thông đường bộ vẫn còn diễn ra khá phổ biến và phức tạp. Nhiều hành vi vi phạm pháp luật chưa được cơ quan, người có thẩm quyền kịp thời phát hiện, ngăn chặn nên việc xử lý gặp khó khăn. Nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính không được thi hành nhưng không bị cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật, dẫn đến tính nghiêm minh của pháp luật chưa cao”.
Kết quả giám sát thực thi pháp luật trong thời gian qua của Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho thấy, công tác thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc giải quyết các vụ án hình sự, dân sự; nguyên do có phần nhận thức, đánh giá vụ việc, các chứng cứ chưa được đầy đủ. Trong khi đó, việc vận dụng pháp luật không đúng quy định, chưa đồng bộ; trình độ chuyên môn và năng lực của một bộ phận cán bộ hoạt động tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật, ông Trần Văn Miên - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh kiến nghị: “Công tác phổ biến giáo dục pháp luật cần được tăng cường hơn nữa nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Chính quyền các cấp phải gắn kết hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với việc giải quyết các vấn đề trọng tâm, bức xúc của người dân khi có sự phản hồi, kiến nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp. Đồng thời tập trung thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan tư pháp để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các vi phạm. Tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp liên ngành trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Trong xây dựng và ban hành các chính sách của tỉnh cần chú trọng công tác khảo sát, điều tra, đánh giá tác động của chính sách đến đối tượng bị điều chỉnh để đảm bảo các quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống”.
Linh hoạt và đồng bộ hơn
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cũng như khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác xây dựng và ban hành các văn bản QPPL của HĐND, UBND cùng cấp, ông Nguyễn Đức Thọ - Giám đốc Sở Tư pháp đề xuất: “Bên cạnh chú trọng kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế, các sở, ban ngành cấp tỉnh cần chủ động phối hợp với Sở Tư pháp trong công tác soạn thảo, xây dựng và ban hành văn bản QPPL để tránh sai sót. Về trình tự, thủ tục thông qua văn bản QPPL của UBND cần được quy định một cách linh hoạt hơn, phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương. Có thể thay đổi phương thức thực hiện nghị quyết của HĐND theo hướng nếu có đủ điều kiện và đã được quy định cụ thể rồi thì tổ chức thực hiện ngay khi nghị quyết có hiệu lực, không nhất thiết phải theo quy trình truyền thống lâu nay. HĐND cũng cần tránh lối mòn khi nghị quyết nào cũng giao cho UBND cùng cấp ra văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện, thực chất đó chính là lý do kéo dài thời gian có hiệu lực thi hành, chậm đưa nghị quyết vào cuộc sống”. Cũng theo ông Thọ, cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản QPPL khi được lấy ý kiến, cũng như trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản trong việc tiếp thu ý kiến góp ý, thẩm định để đảm bảo chất lượng của văn bản QPPL khi được ban hành. Những nội dung này đã được quy định trong các văn bản QPPL của UBND tỉnh, nhưng chưa được quy định cụ thể trong các văn bản luật nên việc áp dụng trong thực tế đôi khi chưa nghiêm và thiếu biện pháp chế tài xử lý.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, trong thời gian đến, lãnh đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần bám sát các định hướng tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 48-NQ/TW và công tác cải cách tư pháp trên địa bàn. Đồng thời tập trung rà soát, làm tốt công tác giám sát, kiểm tra để chấn chỉnh, tham mưu điều chỉnh kịp thời đối với các văn bản QPPL đã được ban hành nhưng chưa phù hợp thực tiễn. Tăng cường công tác phối hợp, tạo sự thống nhất trong việc giải quyết đối với từng vụ việc, nhất là tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài theo đúng quy định pháp luật. Các cấp, ngành, địa phương, cơ quan tư pháp đẩy mạnh công tác phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, xử lý kiên quyết theo tinh thần thượng tôn pháp luật.
HÀN GIANG