Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội

VIỆT NGUYỄN 17/12/2020 05:53

Chất lượng tín dụng năm 2020 của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Việt Nam chi nhánh Quảng Nam được đánh giá cao, khi nguồn vốn ưu đãi đã kịp thời đến với hộ nghèo, chính sách và phát huy hiệu quả.

Người dân miền núi tiếp cận vốn CSXH để đầu tư phát triển kinh tế. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Người dân miền núi tiếp cận vốn CSXH để đầu tư phát triển kinh tế. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nhiều hiệu quả

Năm 2020, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam đã tích cực huy động vốn, tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng. Đến ngày 30.11, tổng nguồn vốn đạt 5.102 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn trung ương giao là 4.789 tỷ đồng (chiếm 93,9%), nguồn vốn địa phương 313 tỷ đồng (chiếm 6,1%). Nguồn vốn huy động tiết kiệm qua tổ tiết kiệm và vay vốn là 206 tỷ đồng, đạt 89% kế hoạch được giao. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng CSXH 5.070 tỷ đồng, đạt kế hoạch. Chất lượng tín dụng CSXH đạt tốt khi tổng dư nợ quá hạn và nợ khoanh đến ngày 30.11 là hơn 4,9 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,1% tổng dư nợ, giảm hơn 1 tỷ đồng so với cuối năm 2019. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân - Trưởng ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cho biết, kết quả có được một phần nhờ trong năm Ban đại diện HĐQT đã xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát cụ thể, phân công thành viên theo dõi tại các địa bàn phụ trách. Trong 11 tháng qua, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và bão lũ nhưng công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo theo đúng kế hoạch đề ra. Hoạt động của Ngân hàng CSXH cấp tỉnh, cấp huyện ổn định cả về quy mô và chất lượng.

Đến ngày 30.11, tổng dư nợ CSXH ủy thác qua 4 tổ chức hội, đoàn thể là Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Hội Nông dân là hơn 5.000 tỷ đồng (chiếm 99,9% tổng dư nợ), nợ quá hạn xấp xỉ 1,9 tỷ đồng (chiếm 0,04% dư nợ ủy thác).

Ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cho biết, các hội, đoàn thể nhận ủy thác đã tích cực phối hợp với Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam rà soát, củng cố, kiện toàn tổ tiết kiệm và vay vốn. Đến ngày 30.11, toàn tỉnh có 3.500 tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó tổ xếp loại tốt chiếm 89,7%, xếp loại khá chiếm 9,7%, xếp loại trung bình chiếm 0,3%, không có tổ xếp loại yếu. Nhờ chú trọng kiểm tra, giám sát, đã giải quyết hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội, tạo điều kiện hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nguồn vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm, thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới.

Ổn định chất lượng tín dụng

Trong năm 2020, Quảng Nam có 4.018 lượt hộ nghèo, 4.889 lượt hộ cận nghèo và 8.335 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn CSXH để phát triển kinh tế. Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam đã cho 5.939 lượt lao động vay từ chương trình Quỹ quốc gia về việc làm; hỗ trợ 1.092 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập; đầu tư mới và cải tạo 20.114 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay xây mới 306 nhà ở; giúp 6.152 hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn được vay vốn phát triển kinh tế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng, bên cạnh các thành quả, hoạt động của Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam vẫn tiềm ẩn khó khăn. Việc cho vay người lao động đi làm việc ở nước ngoài giải ngân chậm do tác động xấu của đại dịch Covid-19. Không ít hộ nghèo, cận nghèo mới phát sinh sau bão lũ chưa được khảo sát, bổ sung kịp thời để tiếp cận vốn vay ưu đãi khôi phục sản xuất. Việc bổ sung vốn từ ngân sách địa phương vẫn còn thấp so với nhu cầu. Các xã về đích nông thôn mới đã ra khỏi vùng khó khăn dẫn đến các hộ gia đình có nhu cầu nhưng không còn được vay vốn sản xuất, kinh doanh ở vùng khó khăn. Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu rất lớn tạo việc làm mới cho người lao động hiện nay.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đề xuất Ngân hàng CSXH Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH quan tâm bố trí thêm nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu tạo việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động. Xúc tiến, triển khai chương trình, đề án và nguồn vốn cho vay xuất khẩu lao động sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Có chính sách phù hợp để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong buổi làm việc mới đây giữa Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam với đoàn kiểm tra, giám sát của HĐQT Ngân hàng CSXH Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh ghi nhận các đề xuất của Quảng Nam, Trung ương sẽ có giải pháp kịp thời hỗ trợ địa phương. Để ổn định chất lượng tín dụng CSXH, Quảng Nam cần tích cực ủy thác vốn từ ngân sách địa phương để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, cho vay khởi nghiệp và các chương trình phù hợp với địa phương. Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cần triển khai hiệu quả các giải pháp huy động nguồn vốn trong dân, nhất là từ tổ viên thuộc các tổ tiết kiệm và vay vốn.

“Quảng Nam cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng CSXH đến các đối tượng thụ hưởng khi được Trung ương phân bổ vốn; đảm bảo 100% hộ nghèo đủ điều kiện vay vốn CSXH; cho vay vốn phải đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng từ từng chương trình tín dụng CSXH” - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO