Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội

NGUYỄN QUANG VIỆT 09/07/2017 06:40

(QNO) - Ngày 7.7, chủ trì buổi họp trực tuyến của Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh với Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH các huyện, thị xã, thành phố về kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trong thời gian đến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nhấn mạnh: Nâng cao chất lượng tín dụng CSXH hiện rất cấp thiết vì liên quan mật thiết đến chính sách lớn của tỉnh là giảm nghèo bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh kết luận buổi họp trực tuyến. Ảnh: Q.Việt
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh kết luận buổi họp trực tuyến. Ảnh: Q.VIỆT

Nợ quá hạn chiếm 0,04%

Đến ngày 30.6, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh của các chương trình tín dụng CSXH là 3.840 triệu đồng, chiếm 0,1% tổng dư nợ, giảm 0,13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,04% tổng dư nợ. Tại buổi làm việc, đa số các thành viên của Ngân hàng CSXH cấp tỉnh, huyện, thành phố, thị xã đều cho rằng, trong thời gian qua, các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng được triển khai quyết liệt. Các món vay quá hạn, khoanh nợ được theo dõi, phân tích cụ thể theo từng nhóm nguyên nhân, qua đó áp dụng các giải pháp xử lý, thu hồi nợ thích hợp. Các khoản vay đến hạn được nhắc nhở kịp thời, được phân tích, đánh giá khả năng trả nợ của từng khách hàng, nhờ đó hạn chế thấp nhất nợ quá hạn phát sinh. Ông Trần Công Minh - Chủ tịch UBND xã Bình Minh (Thăng Bình) cho biết, tổng dư nợ trong 6 tháng đầu năm triển khai trên địa bàn là 23 tỷ đồng, giải ngân đạt 100% kế hoạch. Việc thu lãi, huy động tiết kiệm đạt 100%, không phát sinh trường hợp nợ quá hạn nào. Để có được thành quả đó, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở các hộ vay vốn được triển khai sát hợp trong thời gian qua.

Các hộ vay vốn CSXH để chăn nuôi cần được hỗ trợ bởi gặp khó trong thời gian qua. Trong ảnh: Nuôi bò từ vốn vay CSXH ở gia đình của bà Đặng Thị Liền (thôn Đàn Trung, xã Tam Dân, Phú Ninh). Ảnh: Q.VIỆT
Các hộ vay vốn CSXH để chăn nuôi cần được hỗ trợ bởi gặp khó trong thời gian qua. Trong ảnh: Nuôi bò từ vốn vay CSXH ở gia đình của bà Đặng Thị Liền (thôn Đàn Trung, xã Tam Dân, Phú Ninh). Ảnh: Q.VIỆT

Theo ông Hồ Xuân Lanh - Chủ tịch UBND xã Bình Sơn (Hiệp Đức), trên địa bàn có tổng cộng 591 hộ dân vay vốn trong 14 chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH, đạt 100%. Trên địa bàn không có trường hợp nợ quá hạn. Tín dụng CSXH được các hộ gia đình sử dụng đúng mục đích, trả nợ đúng hạn, không có trường hợp chây ỳ trả nợ. Nhờ vốn vay này mà bộ mặt làng quê đã khang trang hơn, giàu sức sống bởi người dân nâng cao được đời sống vật chất và tinh thần. “Ý thức vay vốn, sử dụng nguồn vốn vay được các hộ dân nhận thức rõ ràng. Từ vốn vay, họ chú tâm làm ăn, tự thay đổi đời sống của chính gia đình mình. Điều này có được nhờ vào chất lượng hoạt động cao của các tổ tiết kiệm và vay vốn được các hội, đoàn thể là nông dân, phụ nữ, cựu chiến bình và đoàn thanh niên dốc sức, chú trọng” - ông Lanh nói.

Ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm, 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác cho vay đã nhiệt tình phối hợp chặt chẽ với ngân hàng để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng. Đến ngày 30.6, các hội, đoàn thể đang quản lý 3.982 sổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ ủy thác là 3.811.211 triệu đồng, chiếm đến 99,84% tổng dư nợ. “Các tổ tiết kiệm và vay vốn được các hội, đoàn thể quản lý đã không ngừng nâng cao chất lượng ủy thác trong thời gian qua nhờ vào sự nhiệt tình, củng cố, kiện toàn kịp thời việc cho vay và quản lý vốn” - ông Lam nói.

Cần nâng chất

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu tuy nhiên công tác triển khai cho vay chương trình tín dụng nhà ở theo Quyết định 33 và trồng rừng, phát triển chăn nuôi theo Nghị định 75 rất chậm. Đối với chương trình cho vay nhà ở, theo đề án phê duyệt của UBND tỉnh phê duyệt trong năm 2017 là 1.540 nhà nhưng hiện nay mới chỉ cho vay được 277 hộ  (đạt 18%). Đối với chương trình cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi theo Nghị định 75, mặc dù đã được phân bổ vốn nhưng chưa triển khai được vì nhiều nguyên nhân khách quan. Cụ thể, các hộ gia đình chưa được cấp quyền sử dụng đất, chưa có thiết kế trồng rừng hoặc chưa được giao khoán bảo vệ rừng ổn định. Đối với hộ đã được giao khoán bảo vệ rừng thì lại được giao theo nhóm cộng đồng, không đủ điều kiện cho vay vốn của chương trình này.

Cần hỗ trợ người chăn nuôi

Trong 6 tháng qua, công tác rà soát, xử lý hộ vay vốn bỏ đi khỏi địa bàn cư trú được chú trọng. Trong số 177 hộ bỏ đi khỏi địa bàn cư trú với tổng số tiền vay là 2.968 triệu đồng, các Ngân hàng CSXH của tỉnh đã thu hồi nợ, xóa nợ được 22 trường hợp với tổng số tiền là 508 triệu đồng. Công tác huy động tiết kiệm của các hộ vay qua tổ vay vốn đạt thấp; vẫn còn tình trạng vay ké, vay nhờ; chất lượng hoạt động của một số tổ tiết kiệm và vay vốn còn chưa được quan tâm chấn chỉnh kịp thời trong thời gian qua.

Bà Trương Thị Lộc - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng, các ngân hàng chính sách cấp tỉnh và huyện cần tinh giản thủ tục hành chính để nâng cao vốn tiết kiệm, bởi trong thời gian qua, gửi tiết kiệm thì dễ nhưng hễ rút tiền thì rất khó, tốn đến 2 ngày liên hệ. Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng, chăn nuôi đang gặp khó nên cần có cơ chế khoanh nợ, giãn nợ cho nông dân vay vốn cũng như tiếp sức họ bằng nhiều giải pháp vĩ mô và vi mô.

Ông Lê Hùng Lam nêu ý kiến, đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, xem xét, cấp quyền sử dụng đất cũng như phê duyệt thiết kế, dự toán trồng rừng. Cùng với đó là phê duyệt thiết kế, dự toán khoán bảo vệ rừng đối với những hộ trồng rừng sản xuất và tham gia bảo vệ rừng theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt. “Đề nghị UBND cấp xã ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với hình thức ổn định từ 2 năm trở lên cho từng hộ gia đình. Đề nghị UBND cấp xã căn cứ số nhà được phê duyệt thực hiện trong năm 2017 để tổ chức khảo sát nhu cầu vay vốn, trên cơ sở đó, ngân hàng sẽ chỉ đạo triển khai thực hiện sớm trong thời gian còn lại của năm 2017” - ông Lam nói.

Đến nay, công tác kiểm tra, giám sát của Ban địa diện HĐQT cấp tỉnh đạt thấp, còn đến 9 thành viên chưa thực hiện kiểm tra, giám sát. Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH các huyện Nông Sơn, Nam Giang chưa thực hiện kiểm tra, giám sát. Nhiều chủ tịch UBND cấp xã chưa thực hiện kiểm tra theo quy định định kỳ là 1 thôn/quý, tình trạng này xảy ra ở nhiều xã thuộc các huyện Núi Thành, Thăng Bình, thị xã Điện Bàn. Trong 6 tháng qua, vẫn còn tình trạng chủ tịch UBND cấp xã chưa tham dự họp giao ban tại điểm giao dịch xã, xảy ra ở các huyện Tây Giang, Thăng Bình, Bắc Trà My, Núi Thành, Tiên Phước.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh đã nghiêm túc phê bình các trường hợp trên. “Cho vay theo CSXH là cơ sở để các hộ gia đình sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế, thoát nghèo và thoát nghèo bền vững. Chủ tịch cấp xã mà không họp giao ban thì làm sao có thể chỉ đạo xử lý những tồn tại, hạn chế trong công tác tín dụng tại địa phương. Không thể viện lý do bận để biện minh cho việc này. Phải chấn chỉnh ngay trong thời gian tới để nâng cao chất lượng tín dụng CSXH vì mục tiêu lớn là thoát nghèo của tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh chỉ đạo.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO