Nâng cao chất lượng vận động viên thể thao thành tích cao: Bắt đầu từ khâu tạo nguồn

TƯỜNG VY 23/01/2014 08:47

Lần đầu tiên, một cuộc hội thảo nhằm tìm kiếm các giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, đào tạo và huấn luyện vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao được trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT Quảng Nam tổ chức với sự tham gia của các hội võ thuật tỉnh, trung tâm, phòng VHTT các huyện, thành phố.

Việc tuyển chọn VĐV chất lượng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo.  Ảnh: T.VY
Việc tuyển chọn VĐV chất lượng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo. Ảnh: T.VY

Thầy tìm... trò

Một trong những khâu rất quan trọng, góp phần quyết định đến chất lượng đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao là công tác tạo nguồn, tuyển chọn VĐV. Làm thế nào phát hiện tài năng trong số hàng nghìn em có năng khiếu đang tập luyện tại cơ sở, nhất là với một địa bàn rộng như Quảng Nam? Theo Hiệu trưởng trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT Quảng Nam - Phan Văn Hạ, nhiều năm qua, trường xác định nguồn tuyển sinh từ 3 “địa chỉ” chính: tại cơ sở, thông qua hệ thống các giải thể thao trong tỉnh và huấn luyện viên (HLV) tự tìm kiếm, phát hiện. “Với hình thức đào tạo tại cơ sở, trường ký kết hợp đồng đào tạo với các câu lạc bộ võ thuật, các trường THCS có phong trào mạnh, các trung tâm VHTT, phòng VHTT, hỗ trợ các HLV cơ sở để phát hiện năng khiếu. Mặc dù số lượng VĐV không nhiều nhưng thông qua nguồn này đã đảm bảo phần lớn cho công tác tuyển sinh vào trường. Nguồn VĐV chủ yếu là do các HLV trường tự đi cơ sở phát hiện và những năm qua nhà trường tuyển VĐV phần lớn là từ nguồn này” - ông Hạ cho biết.

Về công tác tuyển chọn và đào tạo, hàng năm, nhà trường tổ chức đợt tuyển sinh vào dịp hè để tiện cho việc chuyển học văn hóa của các em. Ngoài ra, còn có nhiều đợt tuyển sinh đột xuất khi HLV phát hiện VĐV có năng khiếu tốt. Với mỗi đợt tuyển sinh, trường thành lập hội đồng chuyên môn, kiểm tra theo các tiêu chí tùy vào từng đối tượng cụ thể, trên cơ sở đề xuất của HLV. Tương tự, kế hoạch huấn luyện từng năm, quý, tháng cho từng đội, từng đối tượng cũng được xây dựng cụ thể. Định kỳ kiểm tra, đánh giá khả năng phát triển thành tích của các VĐV, trên cơ sở đó cho thôi tập đối với những VĐV không có khả năng nâng cao thành  tích.

“Sự phối hợp giữa nhà trường với các trung tâm, phòng văn hóa - thể thao, các  hội võ thuật, HLV cơ sở là con đường tối ưu để phát hiện, tuyển chọn VĐV tài năng. Thời gian đến, sở sẽ phối hợp với các sở, ngành chức năng để tìm kiếm các giải pháp giúp nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo”.
(Giám đốc Sở VH-TT&DL - Đinh Hài)

Tuy nhiên, công tác tuyển chọn, đào tạo của trường cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Dễ thấy nhất là công tác phối hợp với ngành GDĐT trong khâu phát hiện tuyển chọn VĐV hầu như còn bỏ ngỏ. Thể thao học đường có vai trò rất quan trọng, nhất là cung cấp nguồn VĐV cho thể thao thành tích cao. Thế nhưng, các giải thể thao học sinh của tỉnh nhiều năm nay gần như không “ăn nhập” gì với các môn đào tạo tại trường. Cụ thể, hiện trường đào tạo 9 môn trong đó chỉ duy nhất môn điền kinh là có trong chương trình của thể thao học sinh. Ngay cả hệ thống giải thể thao của tỉnh cũng “lạc rơ” khi chỉ tổ chức các giải vô địch mà không có giải trẻ nên chẳng hỗ trợ gì cho công tác phát hiện năng khiếu và tuyển chọn của trường.

Tạo sự gắn kết từ nhiều phía

Với kinh nghiệm hơn 30 năm làm công tác TDTT, ông Đặng Công Thiệp (Trung tâm VHTT TP.Hội An) cho rằng, đến bây giờ mới đi tìm các giải pháp nâng cao chất lượng, trong đó đề cập sự phối hợp giữa ngành TDTT với GDĐT là chậm trễ. “Thời chưa chia tách tỉnh, giữa 2 ngành TDTT và GDĐT đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc phát hiện, tìm kiếm tài năng và Hội An từng cung cấp cho tỉnh nhiều VĐV, trong đó có người sau khi nghỉ thi đấu hiện làm công tác huấn luyện tại trường. Do vậy, thời gian tới, trường phải chủ động thắt chặt hơn nữa sợi dây liên kết với các địa phương để phát hiện, tuyển chọn VĐV” - ông Thiệp đề nghị. Đồng quan điểm, võ sư Trần Xuân Mẫn - Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền Quảng Nam chia sẻ, việc phát hiện VĐV đều phải dựa vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp hội võ thuật từ xã, phường đến huyện, thành phố, tỉnh, các võ sư, HLV ở cơ sở và đây là điều rất cần thiết. Một số ý kiến đề nghị ngành TDTT cần phối hợp với ngành GDĐT đưa một số môn có điều kiện phát triển vào trường học phổ thông, giải thể thao học sinh để giúp tạo nguồn tuyển sinh. “Giải thể thao học sinh, thậm chí đại hội TDTT cơ sở cũng cần tổ chức những môn mà trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT Quảng Nam đào tạo” - một cán bộ Trung tâm VHTT huyện Duy Xuyên đề xuất.

Theo ông Phan Văn Hạ, định hướng của trường trong thời gian đến là tiếp tục đầu tư 9 môn hiện đang đào tạo gồm Karatedo, Taekwondo, Pencak Silat, Võ cổ truyền, Wushu, Vovinam, điền kinh, bóng chuyền và bắn súng. Để tạo nguồn VĐV, trường kiến nghị Sở VH-TT&DL phối hợp với Sở GDĐT đưa vào giảng dạy thí điểm các môn Karatedo, Taekwondo, Vovinam tại một số trường THCS; đưa vào chương trình thi đấu giải thể thao học sinh các môn thể thao thành tích cao mà tỉnh đầu tư. Cạnh đó, cải cách lại hệ thống thi đấu các giải thể thao của tỉnh, trong đó chú ý đến việc mở các giải trẻ nhằm phát hiện năng khiếu. Về phần mình, trường sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương trong việc đào tạo tuyến cơ sở, đổi mới công tác tuyển chọn đầu vào, huấn luyện, đào tạo; trong đó đẩy mạnh áp dụng các biện pháp khoa học trong đánh giá chuyên môn, nâng cao chất lượng HLV, tạo điều kiện cho VĐV thi đấu cọ xát.

TƯỜNG VY

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao chất lượng vận động viên thể thao thành tích cao: Bắt đầu từ khâu tạo nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO