Tăng điểm số, thứ hạng năng lực cạnh tranh, PCI luôn nằm trong top 10 tỉnh, thành kể từ năm 2019 & 2020 để nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, xác lập niềm tin doanh nghiệp... là mục tiêu đặt ra của Quảng Nam.
Ấn định điểm số và thứ hạng
Bốn năm liên tiếp lọt vào top 10 tỉnh, thành có thứ hạng cao nhất PCI thể hiện quyết tâm cải thiện năng lực điều hành kinh tế của chính quyền Quảng Nam. Song, công cuộc cải thiện này luôn được tiếp diễn và cuộc cạnh tranh là không có điểm dừng khi tất cả 63 tỉnh thành đều muốn thăng hạng, gia tăng điểm số. Ngày 7.10.2019, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019 & 2020.
Kế hoạch đưa ra là buộc phải duy trì, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế; PCI năm 2019 phải đạt từ 67,38 điểm (tăng 1,53 điểm so với 2018), năm 2020 đạt từ 69 điểm trở lên và luôn nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước. Không một chỉ số nào trong 10 chỉ số thành phần PCI nằm ngoài cuộc cải thiện này.
Cụ thể, 3/10 chỉ số thành phần (tính minh bạch, tính năng động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự) nằm trong top 10 năm 2019 và sẽ gia nhập top 5 năm 2020. Điểm số và thứ hạng của 4/10 chỉ số thành phần (gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp) phải vượt qua sự tăng, giảm bất thường để nằm trong top 15 năm 2019 và top 10 vào năm 2020. Ba chỉ số còn lại thì chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng không thể nằm ngoài top 20 của năm 2019 và top 15 của năm 2020, còn chỉ số đào tạo lao động chỉ ấn định nằm trong top 20 của hai năm 2019 & 2020.
Kế hoạch cải thiện lần này được xem như một “chiến dịch tổng lực”. Không chỉ các chỉ số thành phần bị giảm điểm, tụt hạng (gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền, chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, tương ứng sụt 12, 13, 20, 11, 17, 3 và 12 bậc), những chỉ số tăng điểm, tăng hạng (chi phí không chính thức, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động) cũng buộc phải tăng điểm số và thứ hạng.
Những chỉ số sẽ phải được đo đếm, định lượng bằng những con số cụ thể. Có thể kể đến như tỷ lệ cấp đăng ký hồ sơ kinh doanh qua mạng bảo đảm đạt trên 30% hồ sơ; giải quyết thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp chỉ còn 2,5 ngày làm việc; rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xuống dưới 25 ngày (năm 2019) và dưới 15 ngày (năm 2020); tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai hiệu quả; các văn bản, thông tin, doanh nghiệp đề nghị cung cấp phải được phản hồi không quá 3 ngày làm việc…
Mong đợi thực tế
Chính quyền đã trình bày một kế hoạch khả thi để tiếp tục cải thiện năng lực điều hành kinh tế, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Sở KH&ĐT là cơ quan được giao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương được phân công theo kế hoạch, định kỳ trước ngày 30.4 hằng năm báo cáo UBND tỉnh.
Ông Trần Văn Ẩn - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, yêu cầu cải thiện lần này đặt các cơ quan công quyền, địa phương vào tâm thế không thể trì hoãn cải cách khi buộc tất cả phải đặt nhiệm vụ này lên ưu tiên hàng đầu, buộc phải giải trình với UBND tỉnh về các chỉ số thành phần của đơn vị mình phụ trách không thể đạt mục tiêu. Mỗi cơ quan, địa phương buộc phải nghiên cứu, phân tích từng chỉ tiêu thành phần, xây dựng các giải pháp cụ thể, sát thực tiễn để cải thiện đạt mục tiêu.
Kế hoạch cải thiện đã được ban hành. Nhưng thực tế có được như kỳ vọng không vẫn là câu chuyện đang được đặt lên bàn nghị sự. Ông Thiều Việt Dũng – Phó Giám đốc Sở Công Thương nhận xét, vị thứ, điểm số PCI mấy năm gần đây của địa phương tương đối ổn định, nhưng chưa thật sự bền vững. Dư địa tăng trưởng PCI còn khá nhiều, nên hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu hơn. Nên thường xuyên tổ chức những cuộc đối thoại doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, chuyên đề… để lắng nghe, tháo gỡ, cộng hưởng cùng doanh nghiệp. “Một cuộc chạy đường trường, nếu không bền bỉ hỗ trợ doanh nghiệp thì chỉ cần chênh lệch một chút thôi là đã có sự thay đổi về điểm số và thứ hạng cạnh tranh” – ông Dũng nói.
Thương giới thường nói trong các cuộc đối thoại, gặp gỡ thường niên rằng cải cách không phải là cuộc đua thứ hạng mà cần phải được xem như một quá trình nhìn lại bản thân để nỗ lực nâng cao chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh và đo lường sự hài lòng của doanh nghiệp. Song, điều khó nhất là tạo sự chuyển biến, từ người lãnh đạo cao nhất đến từng công chức thấp nhất, đồng lòng hỗ trợ doanh nghiệp, dựng lại niềm tin của người dân.
Chủ trương, chính sách, kế hoạch hợp lý sẽ rất cần đến những con người thừa hành có đủ năng lực. Ban hành một nghị quyết, văn bản thì rất dễ nhưng để chuyển nghị quyết, văn bản đó thành hành động và sau đó cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận được rõ ràng thì vẫn là bước đi gian nan. Cần thêm hệ thống đánh giá, theo dõi, giám sát kết quả thực thi, để hiểu những chương trình, kế hoạch đưa ra có thực sự lan tỏa đến cấp dưới hay không.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng cải thiện môi trường đầu tư sẽ phải đi vào chất lượng, bảo đảm cả hệ thống vận hành thông suốt khoa học. Sẽ kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy, thay thế những người không đủ năng lực, trình độ hoặc lạm dụng thẩm quyền, vị trí việc làm để tư lợi riêng...