Nâng cao chuỗi giá trị kinh tế rừng

H.LIÊN - M.PHƯỜNG 28/04/2017 09:16

Tăng tỷ trọng, nâng cao chuỗi giá trị từ rừng trong cơ cấu ngành nông nghiệp là hướng đi của Đại Lộc.

Phát triển kinh tế rừng

Đại Lộc có 34.000ha rừng, trong đó diện tích rừng sản xuất chiếm 14.000ha, tiềm năng phát triển kinh tế từ rừng rất lớn. Nhờ đẩy mạnh chính sách giao đất giao rừng, triển khai vận động nhân dân trồng và bảo vệ, chăm sóc, xây dựng hương ước, quy ước quản lý và bảo vệ, phong trào trồng và phát triển rừng đã phát triển sâu rộng tại các địa phương. Nhiều vùng rừng nguyên liệu gỗ chuyên canh hình thành trên địa bàn với các chủng loại chủ yếu là keo, sao đen và các loại cây khác giúp người dân từng bước nâng cao đời sống và có nguồn thu nhập ổn định từ rừng. Tại các xã Đại Nghĩa, Đại Chánh, Đại Thạnh, Đại Sơn… người dân dần khấm khá từ kinh tế rừng.

Đại Lộc hướng tới quản lý chất lượng giống các vườn ươm cây trồng rừng. Ảnh: H.Liên
Đại Lộc hướng tới quản lý chất lượng giống các vườn ươm cây trồng rừng. Ảnh: H.Liên

Đại Chánh là xã đặc biệt khó khăn, có diện tích đất nông nghiệp rất ít, phần lớn diện tích là đất lâm nghiệp với hơn 3.000ha, trong đó có 500ha rừng sản xuất trồng keo lai. Nhờ cây keo, thôn nghèo Thạnh Phú, Thạnh Tân… dần khởi sắc. Điển hình như gia đình ông Bùi Tiến (thôn Thạnh Phú) trồng rừng kết hợp kinh tế gia trại cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm; hay như hộ ông Nguyễn Thanh Hải (Thạnh Phú) cũng khấm khá từ rừng. Số hộ có thu nhập 50 - 80 triệu đồng/năm từ kinh tế rừng ngày càng nhiều. Đại Nghĩa có 1.900ha rừng, trong đó gần 200ha rừng thuộc dự án Kfw6 hỗ trợ với 400 hộ tham gia, tập trung ở các thôn Đức Hòa, Đại Lợi, Hòa Tây, Nghĩa Tây, riêng thôn Đức Hòa chiếm 60% diện tích đất lâm nghiệp.

Ông Nguyễn Nhớ - Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa cho biết, từ sự quan tâm, hỗ trợ phát triển lâm nghiệp của Đảng và Nhà nước cùng sự khuyến khích của chính quyền, người dân đã ý thức được việc chăm sóc và phát triển rừng hiệu quả, nhiều hộ có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, cho con cái học hành đến nơi đến chốn, có của ăn của để, điển hình như hộ ông Đinh Dũng, Phạm Long... Xã đang tập trung tuyên truyền khuyến khích bà con lựa chọn chuyển đổi thâm canh những giống keo tốt như keo lai có năng suất, chất lượng cao, ít sâu bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương.

Hình thành chuỗi giá trị

Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, nhận thức được giá trị và lợi thế từ rừng, Đại Lộc đang tập trung mạnh cho lâm nghiệp. Địa phương có 14.000ha rừng trồng được hưởng lợi từ dự án Kfw6 trong tổng số 34.000ha rừng, đây là diện tích không hề nhỏ. Song, do tập quán của người dân là trồng rừng với mật độ dày, chu kỳ kinh doanh ngắn, chủ yếu bán dăm gỗ, giấy, dẫn tới hiệu quả từ rừng chưa cao; chưa kể sau chu kỳ 2 - 3 năm, đất canh tác bạc màu, thoái hóa, năng suất cây trồng sẽ thấp. “Để phát triển và nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, huyện tập trung định hướng về khâu giống. Năm 2016 trở đi đã bắt đầu đưa giống mới, từng bước thay thế giống cũ, cụ thể là đưa giống keo tai tượng, keo lai Úc gieo bằng hạt, keo giâm hom, nuôi cấy mô vào sản xuất. Huyện đã triển khai 25 - 30ha keo Úc trồng thâm canh. Cùng với đột phá về khâu giống, địa phương còn định hướng chu kỳ canh tác phải dài ra, từ 7 - 12 năm. Cùng với đó, tích cực quản lý chặt chẽ hệ thống vườn ươm, chọn một trong số 16 vườn ươm có quy mô để nhân giống, đăng ký tiêu chuẩn sản xuất lẫn cung ứng giống chất lượng” - ông Mẫn nói.

Giai đoạn 2016 - 2020, Đại Lộc tập trung xây dựng các mô hình trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn, gắn với các cơ sở chế biến; phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có 2.000 - 3.000ha rừng trồng thâm canh gỗ lớn. Mở rộng 15 - 20ha trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại các xã có diện tích đất rừng, đất đồi núi. Từ nay đến năm 2020, mỗi năm, phủ rừng đạt tỷ lệ 50%, phát triển diện tích keo nguyên liệu ổn định đạt 8.000ha, nâng khối lượng gỗ rừng trồng khai thác hằng năm hơn 40.000 tấn. Chủ trương của huyện là nâng cao hiệu quả trồng rừng theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non, xuất khẩu dăm gỗ sang khai thác gỗ lớn nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp nguyên liệu gỗ cho công nghiệp chế biến đồ gỗ và xuất khẩu. Cũng theo ông Mẫn, để tạo chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ, sắp tới huyện sẽ làm việc với 4 nhà máy sản xuất gỗ đầu tư vào địa bàn về hướng liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và chủ rừng, tạo vùng nguyên liệu ổn định, bao tiêu sản phẩm, xây dựng vùng rừng thâm canh, rừng gỗ lớn. Huyện cũng làm việc với tỉnh quy hoạch vùng cấp chứng chỉ rừng, đầu tư thâm canh đúng các tiêu chí, giải quyết được bài toán từ rừng.

H.LIÊN - M.PHƯỜNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao chuỗi giá trị kinh tế rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO