Nâng cao giá trị hải sản

VIỆT NGUYỄN 18/06/2020 15:18

Bảo quản, chế biến còn manh mún là nguyên nhân khiến cho chất lượng hải sản đạt thấp, dẫn đến giá trị không cao.

Giá trị hải sản sau khai thác của ngư dân trên địa bàn tỉnh còn thấp.
Giá trị hải sản sau khai thác của ngư dân trên địa bàn tỉnh còn thấp.

Nhiều bất cập

Mới đây, ngư dân Phan Tấn Vỹ (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ 2 tàu cá QNa-90589 và QNa-91289 hành nghề lưới vây cập bờ bán hải sản sau hơn 20 ngày bám biển ở ngư trường Hoàng Sa. Khai thác được 15 tấn cá ngừ sọc dưa và cá nục suôn, ông Vỹ kỳ vọng thu được giá trị kinh tế cao nhưng thực tế lại trái ngược.

“Cá nục suôn và cá ngừ sọc dưa có giá trị rất lớn. Mọi khi tôi bán 2 loại cá này với giá hơn 35 nghìn đồng/kg nhưng nay chỉ còn 18 nghìn đồng/kg. Tư thương cho rằng tôi bảo quản hải sản không tốt lại để cá lâu ngày nên chất lượng kém. Giá thấp nhưng tôi phải bán cá chứ để lâu càng sụt giảm thu nhập” - ông Vỹ nói.

Khi được hỏi trang bị hầm bảo quản hải sản như thế nào thì ông Vỹ bảo, hầm truyền thống cấu tạo từ vật liệu xốp ghép, ván gỗ. “Tôi vẫn biết hầm bảo quản hải sản bằng xốp cách nhiệt PU, lót hầm bằng inox nâng hiệu suất sử dụng nước đá từ 40% lên 80%, chất lượng hải sản tăng cao nhưng quá đắt đỏ nên phải tích lũy thêm mới đầu tư được” - ông Vỹ cho biết.

Sau khi mua hải sản của ngư dân, tiểu thương Trần Thị Đông (thôn An Hải Đông, xã Tam Quang) cho cá vào các khay rồi ướp đá cây xay nhuyễn lên trên. Cách bảo quản hải sản rất sơ sài. Bà Đông bảo, chưa đầu tư được kho cấp đông nên tùy hải sản mua được, loại 1 thì bán ngay cho công ty chế biến hải sản xuất khẩu, loại 2, 3 cung cấp cho các chợ hải sản đầu mối ở huyện Núi Thành hoặc TP.Tam Kỳ.

Ở xã Tam Quang có chừng 5 tiểu thương, đầu nậu như bà Đông, bán hải sản ngay sau khi mua của ngư dân vì chưa đầu tư kho đông lạnh lớn, có công nghệ tốt để bảo quản hải sản đảm bảo chất lượng.

Cơ sở thu mua hải sản trên địa bàn tỉnh rất tạm bợ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Cơ sở thu mua hải sản trên địa bàn tỉnh rất tạm bợ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Chế biến hải sản trên địa bàn tỉnh hiện rất nhỏ lẻ. Ngoài Công ty TNHH Đông Phương (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Điện Bàn), hầu hết là cơ sở chế biến thô và trung gian xuất khẩu cá bò qua Trung Quốc. Ở các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhất là châu Âu có nhiều quy định nghiêm ngặt về sản phẩm hải sản xuất khẩu như phụ gia, kim loại nặng, chất bảo quản, kháng sinh, hóa chất... nên doanh nghiệp Quảng Nam chưa đáp ứng yêu cầu.

Nâng cao giá trị thế nào?

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, Khu dịch vụ hậu cần nghề cá, cảng cá loại 1 Tam Quang dự kiến hoạt động vào cuối năm sẽ giải quyết nhiều vấn đề tồn tại của nghề cá Quảng Nam bấy lâu nay, đặc biệt là nâng cao chất lượng, giá trị hải sản sau khai thác. Theo đó, ngư dân sẽ được tiếp sức trên mọi lĩnh vực từ sửa chữa tàu cá, mua ngư lưới cụ, các dịch vụ hậu cần phục vụ chuyến biển cho đến bán hải sản đúng giá thị trường, xóa bỏ tình trạng o ép giá hải sản. Doanh nghiệp sau khi mua hải sản sẽ bảo quản, sơ chế, chế biến theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế để xuất khẩu đến nhiều thị trường khó tính, nâng cao giá trị kinh tế thu được từ nghề khai thác hải sản.

Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, nghề cá của tỉnh còn đang trên đường chuyên nghiệp hóa nên ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản hải sản còn hạn chế. Chỉ mới có số ít chủ tàu cá có tiềm lực kinh tế khá mới có thể đầu tư hầm bảo quản hải sản bằng công nghệ PU, còn lại bảo quản bằng hầm truyền thống. Đáng nói, nhiều chủ tàu cá không tin rằng bảo quản hải sản tốt thì sẽ bán được giá vì bấy lâu nay luôn bị tư thương, đầu nậu tìm mọi cách để ép giá đầu ra hải sản. Nhiều chủ tàu cho biết, vì được tư thương, đầu nậu chi trước để mua nhiên liệu, nhu yếu phẩm phục vụ chuyến biển cũng như có tiền để ứng trước cho bạn biển nên bắt buộc phải bán hải sản cho họ khi tàu về bờ. Dù hải sản có tốt mấy thì khi bán cũng ở mức không cao.

“Để thay đổi nghề cá về chất, nâng cao chất lượng, giá trị hải sản phải chờ vào sự vận động nội tại của ngư dân, không dễ gì ngày một ngày hai là có được. Chúng tôi luôn tuyên truyền, vận động, khuyến khích ngư dân đầu tư bảo quản hải sản ngày một tốt hơn” - bà Tâm nói.

Hiện tại, nước ta đã có nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với sản xuất nghề cá trên các phương diện dịch vụ hậu cần nghề cá, truy xuất nguồn gốc hải sản, quy phạm thực hành về chế biến hải sản, tiêu chuẩn về nguyên liệu và sản phẩm hải sản. Sở NN&PTNT cho biết, sẽ tiếp tục phổ biến rộng rãi các quy định nói trên đến với ngư dân, các cơ sở thu mua hải sản lẫn doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu. Trong khi đó, Sở Công Thương cho hay, đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại mặt hàng nông sản, hải sản đến các thị trường lớn cũng như xây dựng kênh phân phối hải sản trong chuỗi cung ứng gồm siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối lớn.

Ông Trần Bốn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Quảng Nam cho biết, đang chú ý tăng cường công tác quản lý chất lượng hàng thủy, hải sản. Cùng với đó, hỗ trợ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến hải sản đăng ký tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; cải tiến mẫu mã, bao bì, nhãn mác để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường, nhất là bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao giá trị hải sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO