Nâng cao giá trị hải sản sau khai thác: Còn nhiều khó khăn

NGUYỄN QUANG VIỆT 15/06/2013 08:53

Hải sản sau khi được khai thác thường giảm sút chất lượng do ngư dân chưa đầu tư hệ thống bảo quản bài bản, vì vậy hiệu quả sản xuất trên biển chưa cao.

Theo ông Nguyễn Văn Hương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình, mặc dù sản lượng khai thác hải sản của huyện Thăng Bình có tăng lên trong những năm qua nhưng hiệu quả khai thác trong mỗi chuyến biển của ngư dân vẫn ở mức thấp. Nguyên nhân chính là ngư dân bảo quản chưa tốt hải sản sau khi đánh bắt. Nhiều ngư dân ở thôn Bình Tân (xã Bình Minh) chia sẻ, do nguồn vốn hạn hẹp, không đủ khả năng đầu tư cải hoán phương tiện, trong đó chưa trang bị đầy đủ hệ thống bảo quản sản phẩm nên hiện rất khó nâng cao giá trị hải sản khai thác được.

Hải sản không được bảo quản tốt, kém chất lượng cũng kéo theo nghề chế biến hải sản gặp khó khăn. Mặt khác, do lãi suất ngân hàng cao, thị trường xuất khẩu ngày càng đòi hỏi khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm khiến nhiều cơ sở chế biến không dám đầu tư mở rộng. Hiện Thăng Bình có 8 cơ sở chế biến cá bò, 10 cơ sở chế biến mắm, 1 cơ sở chế biến cá khô và 1 cơ sở chế biến cá tẩm, phi lê nhưng hoạt động cầm chừng vì thiếu sức cạnh tranh trên thương trường. “Nhìn chung, các cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn huyện đều nhỏ lẻ, chỉ thu mua sản phẩm trên bờ rồi sơ chế ban đầu nên giá trị lao động thu được chưa cao. Bên cạnh đó, do chi phí vận chuyển sản phẩm sơ chế đến các đầu nậu thu mua ở Hiệp Đức, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Nông Sơn… tốn kém nên hiệu quả sản xuất thấp” - ông Hương nói.

Nếu như trước đây, các cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn huyện Thăng Bình bảo quản hải sản trước khi sơ chế bằng cách ướp đá, ủ đá thì hiện nay, mô hình kho đông lạnh đã bắt đầu hình thành. Đây được xem là một trong những giải pháp để góp phần nâng cao giá trị hải sản sau khai thác. Các kho đông lạnh với nhà xây có ốp xốp, lót tấm panel, máy làm lạnh cùng với lò hấp sơ chế không chỉ tăng thời gian dự trữ sản phẩm, đảm bảo chất lượng hải sản mà còn nâng giá trị hải sản chế biến. Từ đầu năm 2013, gia đình ông Nguyễn Quốc Dũng (thôn Tân An, Bình Minh) đã mạnh dạn đầu tư 11 tỷ đồng để xây dựng mô hình chế biến mới với 1 kho cấp đông và 1 kho bảo quản đông lạnh, 1 lò hấp và các nhà chế biến. Nhờ thu mua, chế biến, buôn bán nhiều loại hải sản với nhiều thị trường khác nhau nên cơ sở của ông Dũng hoạt động khá hiệu quả. Theo ước tính, 6 tháng đầu năm nay doanh thu của cơ sở đạt 1,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 60-70 lao động địa phương với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng/người.

Theo ông Trương Công Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh, trong khi nhiều ngư dân chưa có điều kiện đầu tư hệ thống bảo quản trên phương tiện thì việc tiếp cận vốn vay hiện rất khó khăn. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với hải sản khai thác được. Đó có thể là hỗ trợ đối với các dịch vụ hậu cần thu mua, bảo quản và chế biến trên biển. Cùng với đó là hỗ trợ hoạt động của các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển; kết nối giữa khai thác và dịch vụ hậu cần trên biển, tiến đến thành lập các tổ hợp tác sản xuất, chế biến hải sản...

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao giá trị hải sản sau khai thác: Còn nhiều khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO