Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

NHÃ PHƯƠNG - PHI THÀNH 23/04/2021 07:34

Đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp là yếu tố quan trọng giúp nhiều địa phương của huyện Duy Xuyên hoàn thành tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.

Nhiều mô hình liên kết sản xuất lúa giống và nếp thương phẩm theo hướng hàng hóa ở Duy Xuyên mang lại hiệu quả cao. Ảnh: T.P
Nhiều mô hình liên kết sản xuất lúa giống và nếp thương phẩm theo hướng hàng hóa ở Duy Xuyên mang lại hiệu quả cao. Ảnh: T.P

Tăng hiệu quả sử dụng đất

Là một trong những địa phương có thế mạnh về phát triển sản xuất nông nghiệp, những năm qua xã Duy Châu đã dồn điền đổi thửa 143ha đất lúa. Đồng thời huy động các nguồn vốn kéo hơn 18km đường dây điện, lắp đặt các trạm biến áp, công tơ để chủ động phục vụ nước tưới cho 210ha đất màu, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Nhờ linh hoạt luân canh, xen canh, gối vụ các loại cây trồng cạn chủ lực như bắp nếp, đậu xanh, ớt, đậu cô ve…, bình quân mỗi năm 1ha đất màu mang lại nguồn thu nhập 100 - 150 triệu đồng.

Ông Trần Huy Tường - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên nhìn nhận, nhiều năm trước sản xuất nông nghiệp của huyện phần lớn có quy mô nhỏ lẻ, tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa tái diễn dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương của huyện tích cực phối hợp hỗ trợ nông dân dồn điền đổi thửa 2.300ha đất lúa và đất màu. Từ đó, tạo điều kiện hình thành các cánh đồng liên vùng chuyên sản xuất lúa giống, hoa màu, cây ăn quả, cây dâu, cây sen... với diện tích 820ha.

Tại những vùng sản xuất tập trung, ngoài sự đầu tư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật của người dân, huyện chú trọng lồng ghép kinh phí từ các nguồn hỗ trợ để xây dựng hạ tầng thủy lợi.

Giai đoạn 2018 - 2020, Duy Xuyên đổ bê tông hơn 256km kênh mương các loại với tổng kinh phí gần 126 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 110 tỷ đồng, còn lại là nhân dân đóng góp. Cùng với đó, địa phương kéo 137km đường dây điện ra nhiều cánh đồng để phục vụ việc bơm nước tưới cho hơn 1.178ha đất màu.

Liên kết sản xuất theo chuỗi

Ông Nguyễn Đình Phước - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Duy Hòa 2 cho biết, vụ đông xuân 2020 - 2021 nông dân trên địa bàn HTX canh tác tổng cộng 220ha lúa và nếp, trong đó bố trí 45% diện tích liên kết sản xuất lúa giống và nếp hàng hóa. Nhờ nguồn nước tưới đảm bảo, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến nên dự kiến sản lượng lúa giống và nếp đạt gần 600 tấn, mang về doanh thu hơn 4,5 tỷ đồng, cao hơn 25% so với làm lúa thương phẩm.

“Vụ đông xuân năm nay, HTX liên kết với 5 công ty giống cây trồng ở trong và ngoài tỉnh. Đơn vị luôn chủ động phối hợp với các doanh nghiệp lo chuyện cung ứng nguồn giống đầu vào và hướng dẫn bài bản quy trình kỹ thuật mới, bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm cho nông dân. Ngoài ra, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương luôn đồng hành với HTX, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị một cách bền vững” - ông Phước nói.

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp Duy Xuyên, thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn huyện có 44 danh mục dự án đăng ký đầu tư sản xuất theo chuỗi; trong đó 31 dự án đã được UBND huyện phê duyệt và tiến hành thực hiện.

Số dự án này tập trung chủ yếu trên lĩnh vực sản xuất lúa giống, nếp, trồng dâu - nuôi tằm, trồng cây ăn quả, trồng sen, trồng ớt chuyên canh... Tổng kinh phí thực hiện các dự án nêu trên hơn 54 tỷ đồng.

Đây là những chuỗi giá trị được 8 HTX nông nghiệp đại diện nông dân đứng ra ký kết hợp đồng với 12 doanh nghiệp hợp tác làm ăn theo phương thức doanh nghiệp chịu trách nhiệm cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch hại tổng hợp và bao tiêu đầu ra sản phẩm.

Ông Trần Huy Tường - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên đánh giá: “Các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đã tạo bước chuyển biến tích cực trong bức tranh kinh tế nông nghiệp, là giải pháp quan trọng nhất để xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa một cách bền vững. Qua đó, vai trò của HTX ngày càng phát huy, tạo được sự hài hòa lợi ích giữa các bên, nhất là sự gắn bó, đồng thuận trong xã viên. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, nhanh chóng giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO