Nâng cao hiệu quả Ban Thanh tra nhân dân

PHAN VĂN MINH 06/12/2016 09:22

Ngay từ năm 1976, qua Thông tư số 02 của Ủy ban Thanh tra Chính phủ, một thiết chế dân chủ cơ sở đã được phép hình thành có tên gọi Ban Thanh tra nhân dân (TTND). Rồi từ đó, nhiều văn bản pháp quy như nghị định, pháp lệnh và cả Luật Thanh tra cũng đã từng bước điều chỉnh, bổ sung nhằm hoàn thiện thiết chế này. Trước hết, đây là một thiết chế do nhân dân địa phương hoặc người lao động bầu ra nhằm giám sát các hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở. Điều này có nghĩa, thành viên Ban TTND được “cài cắm” ngay trong lòng cơ quan, đơn vị. Ở đây xin bàn nghiêng về phía đơn vị hành chính và cơ quan nhà nước cấp cơ sở, nơi mà Ban TTND ít khi phát huy được vai trò của mình bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Tranh minh họa.
Tranh minh họa.

Về lý thuyết, việc giám sát này đáng ra sẽ được thường xuyên và hiệu quả nhất. Thế nhưng cũng do những quy định từ chính các văn bản trên, cái ban này vốn không… “bà con” chi với Ban chấp hành Công đoàn nhưng lại phải trực thuộc, có gì phải báo cáo Công đoàn. Trong khi đó, chức danh Chủ tịch Công đoàn thường do một trong số lãnh đạo chủ chốt của cơ quan nắm nên mọi kế hoạch, kết quả giám sát đều phải đi qua “lưỡi kéo” kiểm duyệt của lãnh đạo. Có anh bạn làm Trưởng ban TTND ở một trường học kể, tổng kết nhiệm vụ công tác thanh tra, bản báo cáo kết quả kiểm tra dài hơn 20 trang của anh qua “kiểm duyệt” bị buộc phải rút xuống còn chỉ 4 trang, các nội dung phê phán đều phải xóa bỏ mới được đọc trước hội nghị công chức - viên chức cơ quan. Anh cũng đã âm thầm gửi bản “cáo trạng” lên Thanh tra Nhà nước cấp trên nhưng chẳng thấy ai đả động gì tới. Cuối cùng, cái ban TTND của trường còn bị giải thể giữa nhiệm kỳ với lý do “không còn phù hợp với sự phát triển của đơn vị”.

Mặt khác, việc bầu chọn Ban TTND thường diễn ra theo một trong hai trạng thái sau: Hoặc là đề cử “cho có” một số người rồi bầu qua quýt vào lúc cuối giờ cho xong. Các thành viên được chọn thường là những người khá… “hiền lành và ngoan ngoãn” nên cả nhiệm kỳ chẳng biết và chẳng muốn thanh tra cái gì. Cuối nhiệm kỳ, Ban TTND sẽ “mượn” báo cáo tổng kết của cơ quan để tóm lược các đề mục rồi nhận định bằng những câu… dĩ hòa vi quý, đại để như “hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra”, “đạt và vượt chỉ tiêu”, “có một vài tồn tại nhỏ cần khắc phục”… Hoặc là ngược lại, với những cơ quan có quy mô lớn hơn, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp có thu, việc giới thiệu, đề cử và bầu cử Ban TTND thường được “định hướng” nghiêm ngặt từ lãnh đạo. Những nhân vật nào có vẻ “hăng hái”, “khó bảo” thường bị loại ra ngay từ lúc “hiệp thương”. Còn trong hội nghị chính thức, nếu có đề cử thêm người nào ngoài danh sách dự kiến, chủ trì hội nghị cũng sẽ “xem mặt mà bắt hình dong”, lèo lái sao cho cái ban TTND sau này không trở thành một “đối trọng” của lãnh đạo cơ quan, đơn vị.

Còn một nguyên nhân khác nữa góp phần làm mờ nhạt vai trò của Ban TTND, đó là các thành viên của ban này thường chưa có nghiệp vụ gì về công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là việc thanh tra tài chính. Trong khi đó, nhiệm kỳ của họ theo quy định chỉ có hai năm. Cho nên nếu có thành viên nào nhiệt tình xông xáo, đến khi tích lũy được chút ít kinh nghiệm trong việc phát hiện những khuất tất trong các hoạt động của cơ quan thì đã “hết giờ”, phải bầu lại ban mới mà thường là “an toàn” hơn. Anh bạn nói trên than rằng từ khi anh thôi làm Ban TTND đến nay đã trải qua ba nhiệm kỳ nữa nhưng tình hình cơ quan anh vẫn “bể lặng sóng yên”, mặc dù tình trạng độc đoán chuyên quyền ngày càng lộng hành hơn trước. Có một sự thật khá “tiếu lâm” vẫn tồn tại trong một số đơn vị công lập rằng, nếu tất cả các ban bệ đoàn thể phụ thuộc đều phải đề ra nhiều đầu việc và phấn đấu hoàn thành mới được coi là tích cực thì chỉ riêng Ban TTND, thông thường càng tỏ ra lười biếng bao nhiêu lại càng “được lòng” bấy nhiêu. Thành viên nào siêng năng quá lại trở thành một nhân vật “rầy rà”, “lắm chuyện” dưới mắt lãnh đạo.

Hiện nay, tình trạng tham ô lãng phí vẫn ngày càng diễn ra ở mọi nơi mọi lúc. Có lẽ một trong các nguyên nhân là Thanh tra nhà nước, Thanh tra ngành không có “tai mắt” trực tiếp trong từng cơ quan, đơn vị. Khi tổ chức một đoàn rầm rộ kéo xuống kiểm tra thì nhiều thông tin, chứng cứ sai phạm đã bị bưng bít, xóa dấu vết hoặc cùng đường là… tẩu tán. Chỉ có Ban TTND với vai trò như là một con “chíp” nằm vùng, một “cơ sở nội gián” trong mỗi đơn vị hành chánh và cơ quan nhà nước cấp cơ sở, mới có khả năng nắm bắt, phát hiện mọi diễn biến từ bên trong. Từ đó cho thấy, giá như những bất cập như đã nêu được điều chỉnh rốt ráo hơn nữa, hoạt động của Ban TTND sẽ trở nên thực chất hơn, đóng góp hiệu quả hơn vào công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay. Cần phải có giải pháp đảm bảo tính dân chủ ngay từ khâu đề cử, bầu chọn thành viên và nâng cao quyền hạn, cơ chế độc lập của Ban TTND. Chẳng hạn, nên chăng quy định kế hoạch và kết quả thanh tra phải được báo cáo lên Thanh tra nhà nước cấp trên; kéo dài nhiệm kỳ của Ban TTND là 5 năm, ngang bằng nhiệm kỳ của MTTQ và công đoàn cơ sở. Còn về nghiệp vụ, nhà nước có thể ban hành một tài liệu hướng dẫn chi tiết các biện pháp thanh kiểm tra, đặc biệt là thanh tra tài chính, một lĩnh vực nhiều “đường ngang ngõ tắt” rối rắm mà nhân dân và người lao động vốn không thông thuộc, nhất là đối với các thành viên trẻ chỉ chuyên chú về công tác chuyên môn.

Thiết nghĩ, việc cho ra đời một thiết chế giám sát như ban TTND từ 40 năm về trước đã thể hiện một tầm nhìn rất xa của nhà nước. Vậy cần phải tận dụng tối đa vai trò pháp định của nó để không uổng phí một công cụ vốn rất nhiều tiềm năng trong việc phòng chống tham ô lãng phí, một mặt trận mà cả hệ thống chính trị đã quá vất vả bấy nay nhưng chưa thấy dấu hiệu của sự thành công bền vững.

PHAN VĂN MINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao hiệu quả Ban Thanh tra nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO