Tình trạng đơn thư của công dân gửi đến các cơ quan chức năng ở Hội An tăng cao trong thời gian qua đã tạo áp lực lớn đối với quản lý hành chính. Khắc phục nhanh và hiệu quả thực trạng này là phát huy dân chủ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển trong tình hình mới.
Theo báo cáo của UBND thành phố, trong năm qua UBND các cấp và các ngành chức năng đã tiếp nhận hơn 1.600 đơn các loại, trong đó UBND thành phố tiếp nhận 1.325 đơn gồm 13 đơn khiếu nại, 1 đơn tố cáo và gần 1.560 đơn khác. Về tiếp công dân, UBND thành phố đã tiếp gần 720 lượt người, UBND các xã phường và các cơ quan tiếp hơn 610 lượt. Nội dung đơn thư và các cuộc tiếp công dân chủ yếu tập trung trên lĩnh vực đất như chỉnh lý biến động đất, tách thửa, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đền bù giải tỏa – tái định cư; một số nội dung liên quan đến công tác tu bổ, sửa chữa di tích, nhà ở; bố trí mặt bằng kinh doanh dịch vụ du lịch, cấp phép xây dựng...
Áp lực lớn
Dù nội dung đơn thư có đúng có sai nhưng các cấp và các ngành đã giải quyết cơ bản các vấn đề khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh của nhân dân, đặc biệt là các loại đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Nhìn chung, số lượng đơn thư các loại đã tiếp nhận tăng hơn so với trước, đơn thư thông thường tăng khoảng hơn 300 đơn thư. Trong đó, lĩnh vực đất đai có gần 960 đơn (chiếm gần 72%), tăng 270 đơn, lĩnh vực đền bù giải tỏa 130 đơn (chiếm 9,7%), xây dựng 130 đơn (chiếm 9,7%). Tỷ lệ đơn thư thông thường UBND thành phố đã giải quyết được chiếm khoảng 85%. Không chỉ các cấp chính quyền và ngành hữu quan mà số lượng đơn thư của công dân gửi đến Ủy ban MTTQ Việt Nam của thành phố cũng tăng. Bà Nguyễn Thị Hường – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận thành phố cho biết: “Trong năm qua, Thường trực Mặt trận thành phố đã tiếp nhận 20 đơn thư của công dân yêu cầu giải quyết đất ở, hỗ trợ đền bù, tái định cư, tranh chấp đất đai... đã chuyển cho UBND, Phòng Tài nguyên môi trường, Phòng Quản lý đô thị thành phố và được các ngành giải quyết kịp thời và đã thông báo cho mặt trận biết”.
Một số quy định về đất đai, xây dựng, thương mại - du lịch... còn bất cập, cần điều chỉnh phù hợp. Ảnh: ĐỖ HUẤN |
Thực tế đã cho thấy, việc giải quyết các yêu cầu hành chính của người dân là một áp lực lớn hàng ngày, chi phối lớn đến việc triển khai thực thi các nhiệm vụ khác. Mặc dầu chính quyền và các ngành của thành phố đã có nhiều cố gắng tập trung giải quyết nhưng vẫn còn nhiều trường hợp chậm trễ, trong đó có gần 90 đơn đến nay chưa được kiểm tra, giải đáp. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng này là gì? Bà Nguyễn Thị Hoa Phượng – Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố trao đổi: “Để đạt mục tiêu xây dựng Hội An – thành phố sinh thái, văn hóa và du lịch nên nhiều văn bản pháp luật được thành phố ban hành để quản lý trên một số lĩnh vực: đất đai, xây dựng, thương mại – du lịch... trong đó có một số quy định bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật nhưng UBND thành phố chậm điều chỉnh, sửa đổi nên khối lượng đơn thư tiếp tục gia tăng. Nhiều trường hợp giải quyết không dứt điểm, nội dung thiếu thống nhất, chặt chẽ cũng là nguyên nhân phát sinh đơn thư. Ngoài ra, do nhiều quy hoạch kéo dài quá lâu không triển khai làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền lợi về đất đai – xây dựng của người dân, do đó thay vì công dân có thể nộp hồ sơ đất đai tại bộ phận “Tiếp nhận và giao trả hồ sơ” để được giải quyết thì lại phải làm đơn cứu xét, kiến nghị yêu cầu UBND thành phố giải quyết”.
Điều chỉnh những bất cập
Chính quyền thành phố cần phải sớm điều chỉnh những quy định bất cập, không còn phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn, đồng thời chọn lọc, đưa một số loại đơn thư vào giải quyết như một loại thủ tục hành chính thay vì giải quyết theo quy trình đơn thư thông thường như hiện nay nhằm tăng cường tính công khai minh bạch và làm cơ sở để xác định rõ trách nhiệm pháp lý đối với cơ quan chậm trễ trong giải quyết hồ sơ của công dân, đồng thời giảm áp lực đối với UBND và các ngành chức năng, hạn chế tiêu cực phát sinh.
Mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phối hợp với Thanh tra và Phòng Tư pháp thành phố đã ký kết liên tịch Chương trình phối hợp về tiếp công dân, giám sát và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân cũng là để thực thi hiệu quả việc phát huy dân chủ, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Ông Lê Chơi – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận thành phố cho rằng mục tiêu hướng tới là từng bước giảm dần tranh chấp mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở, qua đó khắc phục tình trạng khiếu kiện kéo dài, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của công dân để đề xuất với Đảng và Nhà nước giải quyết kịp thời.
Theo đó, nội dung chương trình phối hợp cũng được cụ thể hóa gắn liền với những vấn đề thực tiễn của thành phố. Ông Lê Công Quý – Chánh Thanh tra thành phố cho biết, tập trung chủ yếu là các nội dung tăng cường tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân về pháp luật khiếu nại, tố cáo; phối hợp giải quyết các tranh chấp ngay tại cơ sở khi có mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân; tăng cường hoạt động giám sát của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, Tổ hòa giải cơ sở để phòng ngừa, hạn chế phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; xem xét kiến nghị giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp và chính đáng của công dân; trao đổi, cung cấp tình hình tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân; giải quyết ý kiến phản ánh và kiến nghị của nhân dân...
ĐỖ HUẤN