(QNO) - Sáng 30.5, Sở KH-CN tổ chức hội thảo “Nghiên cứu thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục tạo nguồn nhân lực dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”. Đề tài do TS. Đặng Thu Hương - Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (trường Đại học Kinh tế quốc dân) chủ nhiệm. Đối tượng đề tài chọn nghiên cứu, khảo sát là 4 nhóm dân tộc chính gồm: Cơ Tu, Co, Giẻ Triêng, Xê Đăng tại 6 huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Đông Giang, Nam Giang và Tây Giang.
Hội thảo bàn hướng nâng cao hiệu quả giáo dục miền núi. |
Đề tài đã nêu lên thực trạng giáo dục miền núi trên cơ sở 3 hướng tiếp cận: thực trạng phân bố các trường học tại 6 huyện miền núi; khả năng tiếp cận giáo dục ở các bậc học của học sinh người dân tộc thiểu số; kết quả học tập của học sinh ở các bậc học. Đến nay, miền núi Quảng Nam có 52 trường mầm non, 66 trường tiểu học, 67 trường THCS và 10 trường THPT. Trong đó có 35 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) và 7 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT). Trong 6 huyện miền núi nói trên, Bắc Trà My có mạng lưới đào tạo người dân tộc nhiều nhất và Tây Giang là huyện có cơ sở mạng lưới giáo dục thấp nhất. Về quy mô học sinh, tỷ lệ học sinh DTTS ở bậc THPT tăng qua các năm học, đặc biệt năm học 2012-2013, tỷ lệ này đạt 61,39%; trong khi đó, tỷ lệ này ở bậc THCS chiếm 64,52%.
Mỗi năm, các trường PTDTNT và PTDTBT có từ 100 - 150 học sinh là người DTTS theo học. Tây Giang là huyện có học sinh DTTS chiếm tỷ lệ cao nhất (98,77%), Bắc Trà My có tỷ lệ thấp nhất (22,14%). Qua khảo sát, tỷ lệ học sinh vào các trường PTDTNT tỉnh và huyện còn thấp so với học sinh DTTS cùng cấp trên toàn tỉnh. Tỷ lệ học sinh vào trường huyện đạt 6% so với học sinh DTTS cùng cấp và đối với trường tỉnh, tỷ lệ này là 1,5%... Đề tài đã đi sâu phân tích nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đào tạo nguồn nhân lực DTTS, qua đó đề xuất những giải pháp, bài học kinh nghiệm thiết thực.
HOÀNG LIÊN