(QNO) – Ngày 4.6, Sở Công thương đã có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đề nghị cung cấp thông tin về tình hình hoạt động khai thác chợ, đặc biệt quy trình chuyển đổi Ban quản lý chợ sang mô hình doanh nghiệp. Nhiều ý kiến bày tỏ xung quanh văn bản này.
Phân vân
Ông Nguyễn Quang Bình – Phó Ban quản lý chợ Hội An (BQL) cho biết, ông ủng hộ việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ, nhưng thời điểm hiện nay thì không phù hợp, nên cần cân nhắc, tính toán kỹ. “Bây giờ chuyển sang mô hình doanh nghiệp rất khó vì tiểu thương bỏ chợ hết rồi. Chưa kể, khi doanh nghiệp vào họ có thể nâng giá thuê mặt bằng lên (theo quy định doanh nghiệp có quyền nâng giá không quá 2 lần), tiểu thương sẽ rất khó khăn, cuộc sống anh em cũng đảo lộn” - ông Bình nói.
Sau hơn 1 tháng dịch Covid -19 tái bùng phát, chợ Hội An khá vắng vẻ. Nhiều ki ốt đã đóng cửa, một số gian hàng cũng phủ bạt tạm ngừng bán buôn. “Trước dịch, tổng số tiểu thương đăng ký bán trong chợ là 978 hộ nhưng bây giờ nghỉ hết còn chưa đến 400 hộ. Doanh thu sụt giảm, chúng tôi phải ứng tiền để trả lương anh em, riêng tiền tăng thêm, ngoài giờ đến nay nợ anh em cũng vài tháng rồi” - ông Bình cho biết thêm.
Ban Quản lý chợ Hội An là đơn vị sự nghiệp tự thu chi. Từ năm 2019 về trước, bình quân mỗi năm thu khoảng 5 tỷ đồng, tuy nhiên khi dịch Covid-19 xuất hiện nguồn thu sụt giảm khá nhiều. Cụ thể, năm 2020 thu được 3,2 tỷ đồng, riêng quý I năm nay thu được 535 triệu đồng, đạt 11,4% tổng dự toán năm 2021. Ngoài nộp lại thành phố 10% tiền thuế (5% thuế VAT và 5% thuế thu nhập doanh nghiệp) BQL sử dụng số tiền còn lại.
Tương tự, tại Ban Quản lý chợ Tam Kỳ nguồn thu cũng không cao, bình quân khoảng 5 tỷ đồng/năm, sau khi nộp ngân sách thành phố (10% tổng nguồn thu), còn lại chi trả lương cho 50 nhân viên và khấu hao, sửa chữa (mỗi năm sửa chữa khoảng 300 triệu, trừ phát sinh ngoài kế hoạch).
BQL chợ Tam Kỳ quản lý 4 chợ gồm chợ Tam Kỳ, chợ An Sơn, chợ phụ Trung tâm thương mại và chợ Hòa Hương, tổng cộng khoảng 2.000 tiểu thương.
Theo bà Vũ Thị Thanh Nga – Trưởng BQL chợ Tam Kỳ, nguyên nhân nguồn thu thấp ngoài giá thuê mặt bằng thấp thì hiệu quả hoạt động của chợ cũng không như trước đây do cạnh tranh với nhiều kênh bán hàng mới như online, siêu thị… “Quy định của nhà nước thì mình chấp hành thôi nhưng tôi nghĩ việc chuyển đổi không hợp lý nên cần xem xét kỹ lưỡng” - bà Nga nói.
Cân nhắc trước khi chuyển đổi
Ngày 4.6, Sở Công thương đã có văn bản 847 gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố đề nghị cung cấp thông tin về tình hình hoạt động đầu tư, kinh doanh khai thác chợ, đặc biệt là việc thực hiện Quyết định 02/2019 ngày 19.1.2019 về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, những chợ đang hoạt động do nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt phải chuyển đổi mô hình quản lý từ Ban quản lý, Tổ quản lý, xã, phường, thị trấn quản lý chợ hoặc tư nhân quản lý chợ sang mô hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý, kinh doanh, khai thác.
Bà Nguyễn Thị Vân – Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An nhìn nhận, đây là chủ trương đúng, giúp nhà nước bỏ đi gánh nặng quản lý, nguồn thu cũng ổn định hơn, đặc biệt không phải chịu áp lực về đầu tư khi cơ sở vật chất xuống cấp. Trung bình, mỗi năm kinh phí sửa chữa chợ Hội An khoảng 1 tỷ đồng, hầu hết do thành phố đầu tư.
Dù vậy, theo bà Vân, với đặc thù Hội An, chỉ nên chuyển đổi mô hình quản lý ở những chợ hạng 3 do xã, phường quản lý, riêng chợ Hội An (đường Bạch Đằng) nằm trong khu vực di sản nên để đơn vị sự nghiệp công lập nhà nước quản lý, vì đây không chỉ là chợ dân sinh mà còn có bề dày lịch sử văn hóa.
Tính đến tháng 7.2019 trên địa bàn tỉnh có khoảng 159 chợ bao gồm 2 chợ cấp 1 (Hội An, Tam Kỳ), 13 chợ cấp 2 và 144 chợ cấp 3.
Tại huyện Đại Lộc dù có 5 chợ đã chuyển đổi sang mô hình HTX (chợ Đại Thắng, Đại Minh, Đại Phong, Đại Đồng, Đại Nghĩa), nhưng theo ông Phạm Thúy – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đại Lộc, các chợ còn lại chuyển đổi rất khó khăn, nhất là các chợ có quy mô nhỏ nguồn thu không nhiều.
Đại Lộc có 17 chợ, ngoài chợ thị trấn Ái Nghĩa thuộc hạng 2, hầu hết là chợ cấp 3. Trong đó BQL chợ Ái Nghĩa do thị trấn quản lý có 9 thành viên hoạt động theo hình thức tự thu chi, bình quân mỗi năm chợ Ái Nghĩa thu khoảng 700 triệu đồng vừa đủ trang trải chi phí cho bộ máy hoạt động và sửa chữa khấu hao tài sản. .
Qua khảo sát một số địa phương, hầu hết ủng hộ chuyển đổi mô hình hoạt động BQL chợ sang doanh nghiệp, nhưng cần có lộ trình. Ông Nguyễn Ba – Trường phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ nhìn nhận, doanh nghiệp quản lý là mô hình hoạt động khá tốt, chí ít ở việc đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, với một số chợ truyền thống đang hoạt động hiệu quả thì nên tính toán xem xét.
Theo ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn, chuyển đổi chợ chỉ nên thực hiện với điều kiện có yêu cầu từ BQL chợ và tiểu thương phải đồng ý. Dù vậy, ông vẫn khuyến khích chuyển đổi qua mô hình doanh nghiệp theo hình thức đấu thầu. Tại Điện Bàn, ngoài chợ Điện Ngọc do doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư khai thác, còn lại do ban quản lý và các tổ quản lý chợ.
Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công thương cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh ngoài 3 chợ do doanh nghiệp quản lý và 9 chợ do các HTX quản lý, còn lại đều do các địa phương tự thành lập, dùng biên chế công chức, viên chức xã, phường ra quản lý chợ, phó chủ tịch làm trưởng ban.
“Việc tiếp tục bổ sung biên chế cho BQL các chợ đi ngược lại Nghị định 150 của Chính phủ. Chưa kể, nguồn vốn xây dựng chợ hiện nay cũng thực hiện theo đầu tư công do địa phương cân đối, vì vậy chuyển đổi mô hình đầu tư từ BQL chợ sang cổ phần, doanh nghiệp là cần thiết. Tỉnh cũng đã có Quyết định số 02.2019 ban hành rất cụ thể về chuyên đổi chợ, các địa phương cần nghiên cứu xây dựng lộ trình chuyển đổi” - ông Dự nói.