Thời gian qua, Liên minh HTX Quảng Nam không ngừng nỗ lực động viên các tầng lớp xã hội xây dựng và phát triển HTX, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể (KTTT).
Thành lập mới nhiều HTX
Nhìn lại năm 2020, Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam Võ Bảy chia sẻ đó là năm đặc biệt khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, lại thêm thiên tai dồn dập gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và sản xuất kinh doanh của các HTX, tổ hợp tác (THT). Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Liên minh HTX Việt Nam, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương cùng nỗ lực của các HTX, Liên minh HTX tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra.
Theo đó, việc tham mưu các văn bản chính sách về KTTT được kịp thời; chỉ đạo quyết liệt, sâu sát về hỗ trợ cơ chế chính sách giúp cho HTX, THT tiếp cận thuận lợi, nhanh chóng để sản xuất kinh doanh, khẳng định vị trí của KTTT đối với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đơn vị tăng cường công tác đối ngoại; tư vấn thành lập mới THT, HTX đạt kết quả cao (đạt 147,5% so với kế hoạch UBND tỉnh và Liên minh HTX Việt Nam giao), tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch.
Trải qua chặng đường dài xây dựng và phát triển, bức tranh KTTT trên địa bàn Quảng Nam có nhiều gam màu sáng. Toàn tỉnh hiện có 2.615 THT (530 THT hoạt động phi nông nghiệp), riêng năm 2020 thành lập mới 105 THT. Nhiều THT đã tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh nhằm tăng thêm nguồn thu nhập cho các thành viên, góp phần giải quyết việc làm, an sinh xã hội cho cộng đồng dân cư.
Tính chung 5 năm qua, có 246 HTX thành lập mới (năm 2020 thành lập mới 59 HTX), nâng tổng số HTX đang hoạt động lên con số 414. Những HTX này sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, vận tải, quỹ tín dụng nhân dân, thương mại, dịch vụ, du lịch, quản lý chợ, kể cả môi trường và y tế, thu hút 229.256 thành viên tham gia, tổng vốn điều lệ và giá trị tài sản đạt hơn 1.892,8 tỷ đồng (tăng hơn 584,6 tỷ đồng so với năm 2015).
Nâng chất lượng
Ngày 11.4.1946, trong bộn bề công việc ngay sau khi giành độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam kêu gọi thành lập HTX. Trong thư Bác viết: “Nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có HTX. HTX là gì? Nói tóm lại HTX là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh thì khó nhọc ít mà ích lợi nhiều…”. Người thiết tha kêu gọi điền chủ nông gia hãy chung vốn góp sức, lập nên HTX nông nghiệp ở khắp nơi. Sau lời hiệu triệu của Người, hàng loạt cơ sở kinh tế hợp tác (lúc đó gọi là tổ đổi công, tổ vần công) được hình thành rồi đến các HTX phát triển mạnh mẽ từ những năm 50 của thế kỷ trước. Theo Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 27.7.2011 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 11.4 hàng năm được lấy là Ngày HTX Việt Nam.
Ông Võ Bảy đánh giá, các HTX ngày càng năng động hơn với cơ chế thị trường, tự chủ trong tổ chức hoạt động và có đóng góp thiết thực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là các chương trình: xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, OCOP, phát triển 15.000 nghìn HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả theo Quyết định số 461, ngày 27.4.2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Một số “bà đỡ” có mô hình nổi bật, tạo dựng được thương hiệu và trở thành điểm đến để các đơn vị tham quan học tập kinh nghiệm. Điển hình như HTX Nông nghiệp 1 Điện Phước (Điện Bàn) với mô hình xây dựng chuỗi giá trị sản xuất lúa giống; HTX Y tế An Phước (Duy Xuyên) hoạt động hiệu quả trong khám chữa bệnh; HTX Sản xuất chế biến và tiêu thụ nấm Nhì Tây (Hiệp Đức) nổi bật với nghề trồng, chế biến các loại nấm; HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa (Đại Lộc) gây ấn tượng với sản xuất gạo an toàn và bánh tráng.
Thống kê bình quân một HTX có doanh thu đạt 2,75 tỷ đồng/năm (tăng 1,647 tỷ đồng so với năm 2015), lợi nhuận 550 triệu đồng/năm (tăng 85 triệu đồng so với năm 2015); thu nhập thành viên/người lao động 48 triệu đồng/năm (tăng 13 triệu đồng so với năm 2015).
Bên cạnh những kết quả đạt được, năng lực nội tại của HTX vẫn còn không ít bất cập như thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ cán bộ quản lý phần lớn tuổi cao và nặng tư duy HTX kiểu cũ, cơ sở vật chất xuống cấp, công nghệ sản xuất lạc hậu.
Nhiều HTX chưa phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của mình; việc xác định tư cách thành viên đối với HTX chuyển đổi từ mô hình kiểu cũ sang kiểu mới chưa dứt khoát. Định hướng hoạt động và đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh lúng túng; hạn chế trong hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân - HTX - doanh nghiệp.
Trong khi đó, hoạt động của THT còn lỏng lẻo, mang tính tự phát, địa vị pháp lý thấp… Những tồn tại, bất cập này cần được tháo gỡ kịp thời để KTTT phát huy tốt vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn, là phương thức để nông dân thoát nghèo bền vững.