Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 vừa được ban hành cho thấy vấn đề này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách, nhất là khách quốc tế trong bối cảnh mới.
Mới đây, Bộ VH-TT&DL tổ chức hội nghị phổ biến một số văn bản mới có hiệu lực được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy ngành du lịch phục hồi, tăng tốc sau đại dịch COVID-19. Trong số các cơ chế, chính sách mới có việc ban hành chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Chiến lược đề ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế và 130 triệu lượt khách nội địa. Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, du lịch nước ta vẫn sẽ tiếp tục quảng bá thương hiệu với tiêu đề “Vietnam - Timeless Charm” với khách quốc tế và “Việt Nam - vẻ đẹp bất tận” với khách nội địa.
Đáng chú ý, theo chiến lược này, du lịch Việt Nam sẽ ưu tiên phục hồi các thị trường truyền thống kết hợp thu hút các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Trung Đông trong giai đoạn ngắn hạn đến 2025.
Ở giai đoạn 2026 - 2030, ngành du lịch sẽ duy trì, mở rộng quy mô các thị trường truyền thống gồm Đông Bắc Á, châu Âu, ASEAN, Bắc Mỹ, châu Đại Dương; tăng thị phần khách có khả năng chi tiêu cao, đa dạng hóa thị trường, hướng đến phát triển bền vững. Kế hoạch này khá tương thích với động thái thúc đẩy phục hồi du lịch quốc tế của du lịch Quảng Nam.
Ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng, marketing quyết định đến sự thành công của điểm đến, nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cấp quản lý du lịch, chiến lược xúc tiến quảng bá luôn định hướng cho hàng loạt chương trình hành động, sự kiện của điểm đến.
Trong bối cảnh mới hiện nay, chiến lược marketing cũng cần phải thay đổi cách làm để thu được hiệu quả cao hơn, nâng cao sức cạnh tranh du lịch quốc gia. Tới đây, ngành du lịch sẽ xây dựng đề án thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài tại các thị trường trọng điểm.
Gần đây, du lịch Quảng Nam cũng tích cực đổi mới chiến lược, xúc tiến quảng bá để thích ứng. Có thể kể đến việc hợp tác xã hội hóa thiết lập văn phòng đại diện du lịch Quảng Nam tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh; kết nối chia sẻ dữ liệu hệ thống phần mềm du lịch thông minh Quảng Nam với nền tảng số của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; đón nhiều đoàn làm phim quốc tế và trong nước thực hiện các chương trình độc đáo gắn với quảng bá điểm đến…]
Tín hiệu tích cực sau đại dịch COVID-19 là Hội An liên tiếp được vinh danh ở các hạng mục giải thưởng du lịch uy tín trên thế giới; một số điểm đến mới nổi như làng chài Tân Thành (Hội An), biển Bình Minh (Thăng Bình) cũng được trao giải thưởng du lịch ASEAN hay lọt vào top 7 cảnh đẹp bất ngờ khi nhìn từ trên cao…
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL, từ đây đến cuối năm du lịch Quảng Nam sẽ còn nhiều chương trình xúc tiến quảng bá ở một số quốc gia thuộc khu vực châu Á. Ngành du lịch địa phương cũng sẽ đẩy mạnh quan hệ hợp tác, liên kết đa ngành với các lĩnh vực hàng không, truyền thông, thương mại, nông nghiệp… để công tác xúc tiến, quảng bá thu được hiệu quả cao nhất.