Lâm nghiệp

Nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy rừng

NGUYỄN QUANG 09/05/2024 08:33

Khắc nghiệt của thời tiết, nắng nóng, biến đổi khí hậu gay gắt đặt ra nhiệm vụ cấp thiết trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

rung.jpg
Cánh rừng bạt ngàn ở vùng tây Quảng Nam. Ảnh: Q.VIỆT

Cháy rừng quy mô lớn

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 89 vụ cháy rừng với diện tích 498ha, chủ yếu là rừng trồng, rừng tự nhiên nghèo và rừng non phục hồi.

Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nền nhiệt và số ngày nắng nóng hơn trung bình nhiều năm. Cùng với đó là do sự bất cẩn của người dân trong việc đốt nương làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang lưu ý, năm 2024 sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu và nắng nóng gay gắt, nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm.

Vì vậy, PCCCR đòi hỏi sự chủ động, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương. Các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng hệ thống giám sát phát hiện sớm cháy rừng tự động; ứng dụng công nghệ viễn thám, GIS, công nghệ hiện đại trong PCCCR, mất rừng, suy thoái rừng…

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Quảng Nam hiện có 681.156ha diện tích đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên hơn 462.320ha, rừng trồng hơn 218.835ha; độ che phủ rừng của tỉnh đạt 58,88%.

Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 30 vụ cháy rừng với diện tích 91,048ha. Trong đó có 12 vụ cháy lớn gây thiệt hại 36,142ha rừng (rừng tự nhiên 0,191ha, còn lại là rừng trồng).

Đặc biệt, vụ cháy rừng trồng của hộ gia đình ở xã Đại Hồng (Đại Lộc) làm một người chết. Trong 4 tháng đầu năm 2024, tại Quảng Nam xảy ra 6 vụ cháy rừng với diện tích 18,853ha. Trong đó, có 2 vụ cháy lớn gây thiệt hại gần 7,689ha (rừng tự nhiên gần 0,443ha, còn lại là rừng trồng).

Theo ông Tích, thời gian qua Quảng Nam gặp nhiều khó khăn trong công tác PCCCR. Dự án nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong PCCCR giai đoạn 2021 - 2030 do không được hỗ trợ kinh phí từ Trung ương, trong khi ngân sách tỉnh giảm sút nên chưa triển khai.

Biên chế cho lực lượng kiểm lâm Quảng Nam thuộc nhóm thấp nhất trên cả nước. Với chỉ tiêu biên chế 298 người, hiện nay thiếu 27 công chức nhưng chưa thể thi tuyển. Một số công chức kiểm lâm phụ trách địa bàn 4 - 5 xã nên quá áp lực và khó hoàn thành nhiệm vụ.

“Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách là nòng cốt thực hiện PCCCR nhưng các chế độ, chính sách, đãi ngộ chưa tương xứng, mong Chính phủ có các chính sách hỗ trợ thiết thực. Đồng thời sớm hỗ trợ kinh phí đầu tư cấp bách để thực hiện PCCCR trên địa bàn theo Quyết định 177 ngày 10/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ” - ông Tích nói.

dien-tap-chay-rung.jpg
Ngành chức năng và người dân tham gia diễn tập chữa cháy rừng ở huyện Thăng Bình. Ảnh: Q.VIỆT

Cần đồng bộ giải pháp

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho hay, trong thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành trung ương và các địa phương áp dụng giải pháp cảnh báo, ngăn chặn cháy rừng. Rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách lâm nghiệp và các chính sách liên quan để nâng cao năng lực PCCCR; đẩy mạnh chỉ đạo, điều hành về PCCCR; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong PCCCR; tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức để PCCCR hiệu quả hơn.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí kinh phí cấp bách năm 2024 về PCCCR để các địa phương triển khai ngay biện pháp PCCCR.

“Chính phủ cần xem xét ban hành nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, trong đó có nội dung quy định hỗ trợ cho lực lượng PCCCR” - ông Trị nói.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành đang tập trung hoàn thiện các dự thảo gồm dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 156 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 01/2019 về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, dự thảo Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp. Đó là cách hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, nâng cao hiệu quả PCCCR.

Đối với Quảng Nam, ông Phạm Viết Tích cho biết, để triển khai PCCCR hiệu quả hơn, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh và chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm áp dụng đồng bộ giải pháp. Sở NN&PTNT đôn đốc các địa phương, thông tin cho các chủ rừng kiểm tra, xác minh điểm cảnh báo cháy lên hệ thống quản lý, giám sát tài nguyên rừng Quảng Nam để ngăn chặn, khống chế cháy rừng.

Quảng Nam xây dựng kế hoạch phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” trong PCCCR; rà soát các phương án, kịch bản PCCCR để phù hợp với thực tiễn của từng địa phương; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số để PCCCR hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO