Nâng cao hiệu quả quản lý thương mại điện tử

VĨNH LỘC 20/11/2023 07:32

Được xem là xu hướng chủ đạo hiện nay, song thương mại điện tử cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về gian lận, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…, cần được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp tăng cường phòng chống.

Mặc dù TMĐT dần chiếm ưu thế so với thương mại truyền thống nhưng cũng đối diện nhiều vấn đề khó khăn trong quản lý. Ảnh: V.L
Mặc dù TMĐT dần chiếm ưu thế so với thương mại truyền thống nhưng cũng đối diện nhiều vấn đề khó khăn trong quản lý. Ảnh: V.L

Tiềm ẩn gian lận

Tháng 10/2023, bà Nguyễn Thị Phương (Hội An) đặt mua đôi giày của một thương hiệu thời trang nổi tiếng trên một trang mạng xã hội với giá 700 nghìn đồng, kết quả sau gần 1 tháng sử dụng, đôi giày bị bung chỉ, hở keo dán, bà Phương đành tiếc nuối vứt bỏ.

“Tôi vẫn biết đây là hàng nhái nhưng nhìn mẫu mã đẹp, giá cả cũng rẻ nên quyết định mua, không ngờ nó quá tệ” - bà Phương chia sẻ. Rất nhiều người như bà Phương đã gặp phải tình trạng hàng kém chất lượng khi mua hàng trên một số trang thương mại điện tử (TMĐT).

Doanh thu TMĐT Việt Nam bình quân mỗi năm đạt 16 - 19 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 20 - 25%/năm. Năm 2022 doanh thu TMĐT đạt 16,4 tỷ USD với 57 triệu người tham gia, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng. Riêng 6 tháng đầu năm 2023 doanh thu đạt 10,3 tỷ USD, chiếm 7,7% doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng.

Vài năm gần đây, TMĐT phát triển khá nhanh. Cùng với sự ra đời của nhiều website bán hàng, sàn TMĐT, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng xuất hiện nhiều hơn và khó kiểm soát, xử lý.

Theo ông Lương Viết Tịnh - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, bên cạnh nhận thức của người tiêu dùng hạn chế, ham rẻ hoặc không thể phân biệt hàng giả, hàng nhái… thì sự phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa đồng bộ dẫn đến khó truy vết kho hàng và người bán. Hậu quả, không chỉ người tiêu dùng chịu thiệt hại mà người sản xuất, chủ thương hiệu cũng bị ảnh hưởng.

“Để xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng đầu tiên phải có tang vật trong khi mình không bắt được kho hàng, người bán… nên việc xử lý không hề đơn giản. Trong khi, việc đăng ký thông tin, mở tài khoản người bán hàng trên các trang mạng xã hội rất dễ dàng, do đó việc truy xuất dữ liệu, thu nhập thông tin đối tượng vi phạm gặp rất nhiều khó khăn” - ông Tịnh lý giải.

Tại buổi tập huấn “Nâng cao năng lực thực thi pháp luật và ứng dụng các giải pháp trong lĩnh vực TMĐT trên địa bàn Quảng Nam” do Sở Công Thương phối hợp với Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức diễn ra hôm qua 16/11, bà Lê Thị Thu Hằng - Phòng Chính sách (Cục TMĐT và kinh tế số) thừa nhận, các vi phạm trên môi trường mạng thường dễ thực hiện nhưng khó phát hiện xử lý.

Nguyên nhân, do một bộ phận người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua hàng giá rẻ trên mạng. Chưa kể, việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm cần sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng như quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công an, hải quan…

“Để hạn chế gian lận TMĐT, bên cạnh bổ sung trách nhiệm của chủ trang mạng xã hội hoặc sàn giao dịch TMĐT thì cần minh bạch thông tin hàng hóa. Các sàn TMĐT cần thực hiện quy định gỡ bỏ thông tin về hàng hóa vi phạm trong vòng 24h kể từ khi nhận được yêu cầu” - bà Hằng nói.

Hoàn thiện quy trình quản lý

Thật ra, việc ban hành các giải pháp quản lý TMĐT đã có đầy đủ, tuy nhiên việc thực hiện không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Đơn cử, Nghị định 52/2013/ND-CP đã quy định hàng hóa, dịch vụ khi được giới thiệu trên website, người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định giao kết hợp đồng…

Hay Nghị định 85/2021/NĐ-CT cũng quy định, tất cả thông tin về hàng hóa công bố trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa…

Việc hoàn thiện pháp luật TMĐT sẽ giúp quản lý tốt hơn loại hình thương mại này. Ảnh: V.L
Việc hoàn thiện pháp luật TMĐT sẽ giúp quản lý tốt hơn loại hình thương mại này. Ảnh: V.L

Ông Hường Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, TMĐT được xác định là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số mà Quảng Nam đang hướng đến. Vì vậy, việc hoàn thiện các quy trình, kỹ năng, tăng cường quản lý hoạt động TMĐT sẽ giúp TMĐT phát triển minh bạch, an toàn nhằm không chỉ hạn chế các hành vi gian lận thương mại mà còn giúp chống thất thu thuế trong lĩnh vực này.

Thực tế cho thấy, bên cạnh những nguyên nhân như quy định pháp luật về thu thuế chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của TMĐT thì khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền do thói quen dùng tiền mặt giữa người mua và người bán vẫn còn phổ biến. Trong khi việc chia sẻ thông tin, dữ liệu về tổ chức, cá nhân thiết lập, vận hành website, ứng dụng TMĐT cho cơ quan quản lý thuế vẫn chưa thông suốt, cụ thể.

Theo bà Lê Thị Thu Hằng, để chống thất thu thuế, các cơ quan chức năng cần yêu cầu chủ sàn TMĐT cung cấp thông tin người bán, tăng cường chia sẻ dữ liệu quản lý TMĐT giữa các bộ ngành liên quan. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động TMĐT.

Cần sửa đổi chính sách pháp luật liên quan đến TMĐT; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số. Đặc biệt, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan liên quan giúp công tác quản lý, kể cả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên TMĐT được thuận lợi.

“Chúng ta có thể tính đến việc chuyển đổi số sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế, tích hợp sử dụng tài khoản định danh điện tử để kê khai, đăng ký, nộp thuế trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VnelD) và các nền tảng khác do cơ quan thuế cung cấp.

Riêng với TMĐT có yếu tố nước ngoài, cần yêu cầu thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT phải thực hiện đăng ký với Bộ Công Thương. Đưa TMĐT vào trong danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài” - bà Hằng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao hiệu quả quản lý thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO