Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Xây dựng cuối tuần qua, Quảng Nam kiến nghị với Trung ương cần lồng ghép kế hoạch phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời xem xét phê duyệt bản đồ ngập lụt hạ du đập lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Ứng phó theo từng cấp độ rủi ro
Tiếp tục vận dụng phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, nhưng năm 2020 điểm khác là các địa phương trong tỉnh ứng phó thiên tai theo từng cấp độ rủi ro được UBND tỉnh phê duyệt vào cuối năm 2019. Rõ nhất là ngày 5.5.2020, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các địa phương cập nhật, bổ sung phương án ứng phó với các loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn. Đặc biệt, xây dựng phương án cụ thể để di dân ra khỏi nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, các khu vực bị ngập lụt. Phê duyệt phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão có thể xảy ra.
Ông Trương Xuân Tý – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, từ đầu năm ngành nông nghiệp đã chuyển sổ tay hướng dẫn thực hiện thiên tai theo cấp độ rủi ro; thành lập 244 đội xung kích cấp xã về phòng chống thiên tai ở cơ sở.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ năm 2017 đến nay, 9 huyện miền núi đã đưa 2.075 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu nguy hiểm.
Tại các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nông Sơn, Tiên Phước, Tây Giang, Nam Giang và Đại Lộc xây dựng 27 khu tái định cư để di dời dân cư khẩn cấp. Hiện, địa phương áp dụng bộ bản đồ ngập lụt theo cấp báo động lũ và tình huống bão mạnh, siêu bão phục vụ công tác sơ tán dân; lắp đặt hệ thống theo dõi vận hành điều tiết lũ của các hồ chứa thủy điện; sử dụng các bản tin cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn…
“Hiện nay, bờ sông Vu Gia - Thu Bồn xuất hiện nhiều vị trí sạt lở nặng, nhưng chưa có nguồn vốn để đầu tư, gia cố” – ông Trương Xuân Tý nêu khó khăn.
Sớm phê duyệt bản đồ ngập lụt hạ lưu
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, vừa qua nguồn vốn cho thiên tai có đầu tư nhưng vẫn còn quá nhỏ. Đơn cử, về chống xâm nhập mặn ở sông Vĩnh Điện, mỗi năm ngân sách đầu tư 2 tỷ đồng cho hạng mục đập tạm, nhưng mức độ xâm nhập mặn ngày càng lớn đòi hỏi giải pháp phải căn cơ hơn.
“Bình quân mỗi năm Trung ương hỗ trợ cho tỉnh trồng tối thiểu 1.000ha rừng ngập mặn lẫn đầu nguồn thì 5 năm đến sẽ phủ xanh khoảng 6.000ha. Ngoài ra, Trung ương cần đầu tư công nghệ kiểm soát lũ vì cái này không khó” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói.
UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét phê duyệt bản đồ ngập lụt hạ du đập lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; ban hành quy định về kiểm soát an toàn thiên tai khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị, dân cư.
Bố trí nguồn vốn nâng cấp, sửa chữa 18 hồ chứa thủy lợi đang xuống cấp; xây dựng đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện; miễn thực hiện thu, nộp Quỹ phòng chống thiên tai năm 2020 đối với các tổ chức kinh tế trong nước, nước ngoài và người lao động trong doanh nghiệp. Kiến nghị Bộ KH&ĐT hướng dẫn cụ thể về việc lồng ghép kế hoạch phòng chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, kiêm Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Quảng Nam đang đối mặt với hiện tượng sạt lở, xâm thực mặn, hạn hán, lũ quét; là địa phương có số lượng đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện nhiều, phải đặt an toàn đập lên trước hết.
“Các ngành chức năng cần kiểm tra theo dõi lưu vực trước mùa mưa, từ đó làm cơ sở cảnh báo mức độ thiên tai cho người dân chính xác, kịp thời. Thực hiện phương châm “4 tại chỗ” hiệu quả; kiểm soát chất lượng tàu thuyền trước khi rời bến, công tác hậu cần tại khu neo đậu; đồng thời các dự án đầu tư đều phải được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đánh giá rủi ro thiên tai” - ông Sơn lưu ý.
Đoàn công tác của Bộ Xây dựng đánh giá cao Quảng Nam trong thực hiện Nghị quyết số 76 ngày 18.6.2018 của Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai theo cấp độ rủi ro. Về các đề xuất của tỉnh, Bộ Xây dựng cho biết sẽ xem xét tạo điều kiện thuận lợi nhất để Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh hoạt động hiệu quả. Đồng thời thống nhất với chủ trương đầu tư, mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác chỉ huy, điều hành ứng phó thiên tai của tỉnh; đồng thời ủng hộ về các giải pháp ngăn mặn trên sông Thu Bồn của ngành nông nghiệp tỉnh.