Bí thư chi bộ là người chủ trì tổ chức đảng, đòi hỏi phải mẫu mực trong đạo đức, lối sống, uy tín trong công tác chuyên môn và nắm vững nguyên tắc hoạt động công tác đảng, công tác chính trị. Trong đó, vai trò người bí thư được thể hiện rõ nhất thông qua các hội nghị, sinh hoạt chuyên đề... Tuy nhiên, nhiều bí thư chi bộ đã không đáp ứng được yêu cầu về phương pháp, tác phong công tác. Do đó, chất lượng buổi sinh hoạt chi bộ không đạt được yêu cầu đề ra, đảng viên không nắm được các nội dung cần quán triệt.
Về nguyên tắc, trước khi tổ chức sinh hoạt chi bộ ra nghị quyết lãnh đạo, bí thư chi bộ phải hội ý với người cán bộ chủ trì (có thể hội ý với cấp phó nếu cấp trưởng kiêm nhiệm) để đánh giá tình hình, dự kiến nội dung cần tập trung lãnh đạo trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, bí thư chi bộ tiến hành chuẩn bị dự thảo nghị quyết, sau đó tổ chức hội ý cấp ủy để thông qua dự thảo. Như vậy, dự thảo nghị quyết báo cáo trước chi bộ là kết quả đánh giá của tập thể cấp ủy. Khi tiến hành sinh hoạt, bí thư chi bộ đại diện cấp ủy cần đọc nguyên văn dự thảo, sau đó mới tóm tắt, nhấn mạnh những nội dung cần thảo luận làm rõ. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều bí thư chi bộ không nắm vững nguyên tắc này nên đọc đến đâu, dừng lại giải thích đến đấy (vì sợ đảng viên không hiểu) khiến buổi sinh hoạt trở nên kéo dài, nhàm chán, đảng viên cũng không nắm được trọng tâm vấn đề. Mặt khác, trong quá trình thảo luận, có trường hợp đảng viên phát biểu lan man không đi sâu vào nội dung cần tập trung lãnh đạo hoặc lặp lại những điều đã được người khác đề cập nhưng bí thư chi bộ không kịp thời định hướng để đảng viên phát biểu đúng trọng tâm, trọng điểm. Kết luận thảo luận, bí thư chi bộ chưa tóm tắt được nội dung nổi bật mà chi bộ đã đề ra, chưa phân loại được nhóm ý kiến đồng tình hay không đồng tình…
Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến các vấn đề trên chính là quá trình thảo luận, bí thư chi bộ chưa tập trung ghi chép những nội dung chính đảng viên đã phát biểu, bản lĩnh để định hướng thảo luận chưa cao, nhất là còn nể nang với đảng viên là cấp trên đang sinh hoạt tại chi bộ. Đồng thời cũng trong buổi sinh hoạt định kỳ hay đột xuất, thường có nội dung quán triệt văn bản chỉ đạo, nghị quyết lãnh đạo của tổ chức đảng cấp trên. Có đồng chí bí thư chi bộ chưa đọc kỹ văn bản nên khi tiến hành hội nghị vừa đọc vừa dừng lại giải thích, hoặc đọc toàn bộ văn bản (thực tế căn cứ vào thời gian và nội dung văn bản, bí thư có thể tóm tắt nội dung chính liên quan trực tiếp đến cấp trên và chi bộ mình). Để khắc phục tình trạng này, khi chuẩn bị sinh hoạt, bí thư chi bộ phải đọc kỹ văn bản của cấp trên, đánh dấu, ghi chép những nội dung quan trọng để nhấn mạnh sau khi quán triệt toàn văn hoặc tóm tắt nội dung, tránh giải thích dài dòng gây khó hiểu, tốn thời gian.
Chi bộ là “tế bào” của Đảng, để nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chức đảng, trước hết phải bắt đầu từ chi bộ. Do đó, việc bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao năng lực công tác, bản lĩnh trong điều hành hoạt động lãnh đạo của bí thư chi bộ là một hoạt động cần phải thường xuyên được tổ chức đảng các cấp quan tâm.
NGUYỄN AN KHÁNH