Nâng cao năng lực cảnh báo thiên tai

TRẦN HỮU 16/08/2018 05:54

Trước mùa mưa bão, các chủ đập thủy điện cần sửa chữa, nâng cao, đầu tư mới hệ thống cảnh báo lũ để người dân vùng hạ du có thể dễ dàng ứng phó hiệu quả.

 Vì không được cảnh báo lũ sớm, nên người dân vùng hạ du trở tay không kịp.  TRONG ẢNH: Nông dân huyện Đại Lộc bị thiệt hại trong cơn lũ trái mùa cách đây vài năm.
Vì không được cảnh báo lũ sớm, nên người dân vùng hạ du trở tay không kịp. TRONG ẢNH: Nông dân huyện Đại Lộc bị thiệt hại trong cơn lũ trái mùa cách đây vài năm.

Đầu tư hệ thống cảnh báo lũ

Từ đầu năm đến nay, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương và Sở TN-MT cùng với chính quyền các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn phối hợp với các đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện điều tra, đánh dấu vết lũ các năm 2016 và 2017, tiếp tục xây dựng bản đồ ngập lụt, tháp bảo lũ, trạm phát thanh phục vụ cho truyền tin vận hành, điều tiết trong mùa mưa lũ để nhân dân theo dõi, ứng phó kịp thời. Đến nay, nhà máy thủy điện A Vương đã cắm hơn 72 cột mốc báo lũ và xây dựng 7 hệ thống báo mức ngập tự động tại các khu dân cư của huyện Đại Lộc. Theo Tổng Giám đốc Công ty Thủy điện A Vương Nguyễn Trâm, doanh nghiệp đã hoàn tất việc xây dựng các cột báo mức ngập lụt tại 12 xã/thị trấn ven sông Vu Gia thuộc huyện Đại Lộc và xây dựng bản đồ ngập lụt, kiểm soát mức ngập online khi có lũ lụt. Công ty ký hợp đồng với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ cung cấp thông tin về lượng mưa, lưu lượng nước về hồ A Vương, mực nước hồ, bản tin dự báo lũ, tư vấn điều tiết xả tràn khi mưa lũ để chủ động đối phó với thiên tai. Không chỉ dành nguồn lực đầu tư hệ thống cảnh báo lũ, công ty này còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các chủ đập trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn trong phối hợp điều tiết giảm một phần lũ, bảo đảm an toàn cho hạ du bằng việc ký 5 quy chế phối hợp với các đơn vị và địa phương.

Thời điểm này, các nhà máy thủy điện A Vương, Đắc Mi 4, Sông Kôn 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 6, phối hợp truyền thông phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai năm 2018 với các tổ trưởng tổ đoàn kết 260 thôn và đại diện 18 xã, thị trấn của huyện Đại Lộc. Trong khi đó, thủy điện Sông Tranh 2 xây dựng 6 trạm cảnh báo lũ từ xa ở các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn; thủy điện Đắc My xây 6 trạm cảnh báo lũ từ xa. Đáng chú ý, Công ty CP Thủy điện Sông Tranh thiết kế 282 biển chỉ dẫn vùng ngập hạ du, đang lắp đặt tại 66 xã thuộc 9 huyện để cảnh báo, hướng dẫn cho người dân về vị trí sơ tán, địa điểm cần sơ tán đến khi xảy ra các tình huống ngập lụt. Theo Sở NN&PTNT, trước mùa mưa 1 tháng, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cùng với các ngành liên quan sẽ giám sát, yêu cầu các chủ đập bảo dưỡng hệ thống cảnh báo, thông tin vận hành điều tiết lũ ở vùng hạ du và hệ thống camera giám sát, truyền hình ảnh về các đơn vị ở trung ương và địa phương theo quy định; đôn đốc lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn vùng hạ du…

Cần phối hợp nhịp nhàng

Tại cuộc họp đánh giá hiện trạng các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, các chủ đập có quan tâm đầu tư hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn tự động, cảnh báo như tháp báo lũ, trạm loa phát thanh, song còn thưa thớt, chưa phủ khắp vùng hạ du. Đơn cử, Công ty CP Thủy điện Sông Tranh (chủ đầu tư nhà máy thủy điện Sông Tranh 2) chỉ thực hiện lắp đặt loa cảnh báo ở huyện Nông Sơn, còn các huyện phía hạ du như Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn và TP.Hội An hầu như không đầu tư hệ thống này. Từ thực tế các loa hư hỏng, không phát huy hiệu quả, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các chủ đập phải thường xuyên kiểm tra, sửa chữa kịp thời. Nhiều địa phương kiến nghị, các cơ quan quản lý hồ chứa cần tránh việc xả nước về đến khu dân cư vào ban đêm và không nên xả dồn dập khiến mực nước sông lên nhanh gây nguy hiểm. Thêm vào đó, huy động các kênh thông tin cảnh báo kịp thời như mạng xã hội, điện thoại, ti vi, loa đài địa phương...

Phía TP.Đà Nẵng cam kết hỗ trợ Quảng Nam xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cho cộng đồng dân cư tại huyện Hòa Vang, Đại Lộc và thị xã Điện Bàn. Theo đó, đầu tư xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du sông các hồ chứa, xây dựng bản tin dự báo cho từng đối tượng cụ thể; tập huấn tuyên truyền, tăng cường các phương tiện truyền thông cho cộng đồng dân cư. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh còn đề xuất Bộ TN-MT phối hợp với các chủ đập thủy điện bổ sung các trạm quan trắc trên lưu vực hồ chứa; nâng cấp thiết bị công nghệ dự báo nhằm tăng tính chính xác cho dự báo, cảnh báo mưa lũ. Về hạn chế trong truyền tin thiên tai, theo UBND tỉnh vẫn là nằm ở khâu phối hợp giữa các chủ đập với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp và các cơ quan liên quan ở địa phương chưa nhịp nhàng và đồng bộ. Mặt khác, quy chế phối hợp, thông báo, cảnh báo lũ chưa cụ thể, như chưa quy định cụ thể về phương thức liên lạc, cung cấp thông tin, báo cáo, trách nhiệm của đơn vị liên quan trong việc phối hợp phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập; công tác tuyên truyền cho nhân dân vùng hạ du về thủy điện chưa được một số chủ đập quan tâm đúng mức…

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao năng lực cảnh báo thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO