Với sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, nhất là Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nhiều tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh từng bước nâng cao năng lực trong hoạt động du lịch cộng đồng, đặc biệt là kỹ năng quản trị kinh doanh và tiếp thị sản phẩm.
Theo bà Ngô Thị Thiên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ HTX - doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc Liên minh HTX tỉnh), thời gian qua, các tổ hợp tác (THT) du lịch cộng đồng như Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên), Triêm Tây (Điện Bàn), Bhơ Hôồng và THT Dệt thổ cẩm Đhrôồng (Đông Giang)… đã thu hút được lượng khách du lịch khá lớn. “Sự hỗ trợ đắc lực từ tổ chức ILO thông qua các khóa đào tạo kỹ năng cho các thành viên trong THT, năng lực của những làng du lịch cộng đồng đang có những chuyển biến tích cực. Sau khi trải qua giai đoạn thành lập, hiện nay chúng tôi tiến hành bước kế tiếp là đào tạo kỹ năng kinh doanh cho những người dân ở đây để duy trì và phát triển bền vững mô hình này…” - bà Ngô Thị Thiên cho biết.
Khách du lịch tìm hiểu sản phẩm của làng du lịch cộng đồng. |
Những lớp đào tạo kỹ năng như giao tiếp, quản lý điều hành kinh doanh và giải quyết mâu thuẫn trong nhóm; tập huấn về công tác bảo vệ môi trường, du lịch có trách nhiệm… được tổ chức trong thời gian qua đã giúp cho những thành viên của các THT có được những kiến thức cơ bản trong việc kinh doanh dịch vụ du lịch, có khả năng tạo đột phá trong kinh doanh. Theo ông Ngô Quang Vịnh - Điều phối viên quốc gia của tổ chức ILO, hiện nay khả năng giao tiếp, tiếp thị của người dân còn rất yếu; họ chưa biết cách để thu hút khách du lịch, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của địa phương. “Chúng tôi đã đi nhiều nơi, nghiên cứu rất kỹ cách họ làm du lịch. Có những mặt hàng lúc đầu người tiêu dùng không có ý định mua, nhưng sau khi nghe hướng dẫn viên thuyết trình thì họ lại thay đổi ý định. Đó là một sự thành công lớn trong việc tiếp thị sản phẩm. Chính vì vậy, ngoài việc tập huấn chiến lược kinh doanh, chúng tôi chú trọng đến khâu tiếp thị, quảng bá cho sản phẩm. Có như vậy mới mang lại hiệu quả bền vững và lâu dài được. Khách du lịch sẽ không quay lại một nơi mà không hề có ấn tượng gì sâu sắc cả…” - ông Vịnh nói.
Theo Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ HTX - doanh nghiệp nhỏ và vừa, những khóa đào tạo này không cứng nhắc mà dựa trên cơ sở thảo luận rồi cùng nhau truyền đạt những kinh nghiệm có được, từ đó có cách áp dụng linh hoạt ở từng địa phương. Những học viên sẽ ngồi lại với nhau theo kiểu bàn tròn để thảo luận. Với những kiến thức thực tiễn cũng như định hướng của tổ chức ILO, học viên sẽ trình bày đặc điểm của từng địa phương để từ đó có cách giải quyết rốt ráo nhất. Qua đó các thành viên hiểu nhau hơn, đồng thời kết nối, hợp tác, hỗ trợ nhau trong kinh doanh du lịch cộng đồng. Mỗi nhóm học viên đều có cơ hội tham gia thể hiện kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong nhóm tại lớp học và được học viên, giảng viên góp ý. Các khóa tập huấn cũng đã giúp cho các học viên trong THT phân tích được các điểm mạnh, điểm yếu về tổ chức của THT và các nhóm dịch vụ. Từ đó đề ra các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế hiện nay trong mỗi THT.
TUỆ LÂM