Từ một đề án rất thiết thực, ban thanh tra nhân dân (TTND) và ban giám sát đầu tư cộng đồng (ĐTCĐ) các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia và giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư…
Đại diện ban TTND và ban giám sát ĐTCĐ xã Cẩm Kim, Hội An (phía trên, bên trái) giám sát công trình xây dựng kênh mương nội đồng tại địa phương. Ảnh: L.H |
Phát huy vai trò
Đề án “Tăng cường năng lực giám sát của ban TTND và ban giám sát ĐTCĐ trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng ở các xã phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2021” (gọi tắt là Đề án 1254) dù mới vừa được triển khai hơn một năm, nhưng đã phát huy được tác dụng nhất định. Không chỉ góp phần tích cực vào công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, ban TTND và ban giám sát ĐTCĐ còn phát huy hiệu quả quyền làm chủ, nâng cao trách nhiệm của người dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM), xây dựng đô thị văn minh.
Ông Võ Tấn Hiếu - Trưởng ban Công tác mặt trận tổ 11 thị trấn Hà Lam, Thăng Bình, thành viên ban TTND và ban giám sát ĐTCĐ ở địa phương chia sẻ, trong thực tế, nơi nào giám sát tốt, các công trình đường sá kênh mương đều đảm bảo tốt, nếu lơ là thì chất lượng ngược lại sẽ giảm sút, mau chóng hư hỏng. Dẫn chứng về vai trò quan trọng của ban TTND và ban giám sát ĐTCĐ cơ sở, ông Hiếu cho biết, năm 2017 tổ 11 được đầu tư xây dựng 1.300m kênh mương bê tông. Trong quá trình giám sát, ban TTND và ban giám sát ĐTCĐ phát hiện đơn vị thi công không làm đúng theo thiết kế, nên đã kiên quyết lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ và thi công lại để đảm bảo chất lượng. “Dù là công trình của nhà nước đầu tư, nhưng lợi ích mang lại người dân được hưởng, do đó nếu giám sát tốt, chất lượng đảm bảo, thì độ bền công trình cao, từ đó hiệu quả mới lâu dài. Ngoài ra, còn ngăn ngừa được tình trạng làm ẩu, làm dối, ăn bớt vật tư trong xây dựng các công trình từ nguồn ngân sách” - ông Hiếu nói.
Theo đại diện Thanh tra tỉnh, với chức năng giám sát các hoạt động của cộng đồng tại cấp cơ sở, thời gian qua, nhiều vụ việc phức tạp do vướng mắc về cơ chế chính sách tại địa phương đã được các ban TTND và ban giám sát ĐTCĐ phát hiện, kiến nghị giải quyết kịp thời. Qua các cuộc giám sát, các ban đã kịp thời phát hiện những sai phạm, thiếu sót để báo cáo, kiến nghị lên các cơ quan chức năng kịp thời chấn chỉnh. Nhiều công trình xây dựng sai phạm không bảo đảm chất lượng bị phát hiện, xử lý đã góp phần nâng cao vai trò của lực lượng TTND và ban giám sát ĐTCĐ trong đời sống xã hội.
Tăng cường năng lực giám sát
Ông Trần Công Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam kiêm Trưởng ban TTND và ban giám sát ĐTCĐ phường Cẩm Nam (TP.Hội An) chia sẻ, thời gian qua, các ban hoạt động thường xuyên và rất thuận lợi. Thị xã cũng có văn bản chỉ đạo tăng cường sự giám sát của ban giám sát ĐTCĐ đối với các công trình đầu tư trên địa bàn, tạo điều kiện cho các ban hoạt động. “Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ban chỉ tham gia giám sát những gì ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư, có những lúc không được tham gia giám sát những hạng mục quan trọng của công trình. Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh và chính quyền, các ban ngành địa phương cần có những văn bản chỉ đạo, tạo điều kiện cho ban TTND và ban giám sát ĐTCĐ thuận lợi trong việc giám sát để góp phần đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng cũng như tăng cường năng lực giám sát ở địa phương” - ông Bình kiến nghị.
Ông Trần Hữu Quang - Trưởng phòng Nghiệp vụ 3 Thanh tra tỉnh, thành viên tổ giúp việc của Ban chỉ đạo đề án 1254 nói, từ khi triển khai thực hiện, các ban ở cơ sở luôn chủ động xây dựng kế hoạch giám sát; lắng nghe, nắm bắt kịp thời ý kiến của nhân dân, dư luận xã hội, để kiến nghị, đề xuất lên cấp trên kịp thời giải quyết nhiều vụ việc nóng. Đề án được khởi động, nhiều đơn vị cùng tham gia, các địa chỉ hỗ trợ hoạt động giám sát cộng đồng tại các địa phương được thành lập đã từng bước tăng cường năng lực cho các ban. Song song với đó, ban chỉ đạo đề án xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ giám sát cho thành viên ban TTND và ban giám sát ĐTCĐ các địa phương. Qua đó hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm giúp cho thành viên ban TTND và ban giám sát ĐTCĐ nắm bắt các quy định của pháp luật, quy trình nghiệp vụ để áp dụng vào trong hoạt động giám sát. Đồng thời nâng cao nhận thức pháp luật, tăng cường kỹ năng xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, quy trình thực hiện giám sát cụ thể đối với các công trình dự án trên địa bàn các xã, phường, thị trấn. “Thời gian tới, ban chỉ đạo đề án sẽ tiếp tục tập trung triển khai tốt các hoạt động chính của đề án đã được HĐND tỉnh và UBND tỉnh thống nhất phê duyệt, đảm bảo hiệu quả hoạt động của đề án là “tăng cường năng lực giám sát cho ban TTND và ban giám sát ĐTCĐ trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng ở cơ sở” - ông Quang chia sẻ.
THÀNH CÔNG