Nâng cao năng lực giám sát ở cơ sở: Chú trọng công tác phối hợp

VINH ANH 28/11/2016 08:56

ỦY ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án “Tăng cường năng lực giám sát của Ban thanh tra nhân dân (TTND) và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (gọi tắt là Ban giám sát) đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020” do Thanh tra tỉnh soạn thảo.

Việc nâng cao hoạt động giám sát trên lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản sẽ góp phần hạn chế tham nhũng. Ảnh: VINH ANH
Việc nâng cao hoạt động giám sát trên lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản sẽ góp phần hạn chế tham nhũng. Ảnh: VINH ANH

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Hiện nay, ở các địa phương cấp xã trên toàn tỉnh có 244 Ban TTND với 2.206 thành viên và 115 Ban giám sát với 2.102 thành viên. Những năm qua, trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa đủ nhân lực, vật lực; một số cơ quan hành chính và cán bộ, công chức ở cơ sở vẫn còn biểu hiện lạm quyền, sách nhiễu nhân dân…, hoạt động giám sát của nhân dân luôn là một trong những phương thức hữu hiệu góp phần đảm bảo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”. Theo thông tin từ Thanh tra tỉnh, giai đoạn 2011 - 2016, các Ban TTND trên địa bàn tỉnh đã tham gia giám sát phát hiện, kiến nghị hơn 14 nghìn vụ việc, trong đó có 12.320 vụ việc được giải quyết, thu hồi cho Nhà nước hơn 10 tỷ đồng và nhiều giá trị tài sản khác. Trong khi đó, các Ban giám sát trong tỉnh đã giám sát hơn 150 dự án, công trình có biểu hiện tiêu cực, sai phạm liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng…, qua đó đã phát hiện và kiến nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công sửa chữa, đảm bảo chất lượng công trình.

Tuy nhiên, theo Thanh tra tỉnh, hiệu quả hoạt động giám sát của Ban TTND và Ban giám sát trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp; thậm chí có nơi hoạt động giám sát của nhân dân bị vô hiệu quả. Nguyên nhân thì có nhiều, tuy nhiên cốt lõi vẫn là do các thành viên của Ban TTND và Ban giám sát còn hạn chế về kinh nghiệm, thiếu kỹ năng, nghiệp vụ tổ chức giám sát, nhất là ở các lĩnh vực tiếp công dân, tố cáo; phòng chống tham nhũng; đầu tư, xây dựng cơ bản… Trong đó, đầu tư, xây dựng cơ bản là lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng vì sử dụng kinh phí từ ngân sách, trong khi cơ chế quản lý chưa chặt chẽ. Và một trong những biện pháp để hạn chế tham nhũng ở lĩnh vực này là phát huy sự giám sát của quần chúng nhân dân, cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án đầu tư. Đây là những chủ thể có điều kiện thuận lợi nhất, có thể “mắt thấy tai nghe” những gì đang diễn ra, từ đó phản ánh và cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng được đánh giá là “rất khó”, vì nó liên quan đến các yếu tố về kỹ thuật, thiết kế… đòi hỏi người giám sát phải có trình độ, hiểu biết nhất định về xây dựng.

Theo ông Đặng Phong - Chánh Thanh tra tỉnh, sự ra đời của đề án nhằm thực hiện phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Việc hỗ trợ bằng nhiều biện pháp, cách thức khác nhau cho hoạt động của Ban TTND và Ban giám sát là cần thiết, cấp bách để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện lạm quyền, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân; tình hình vi phạm pháp luật khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng của chính quyền cơ sở, nhất là các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quá trình đầu tư các công trình, dự án ở cơ sở.

Còn nhiều băn khoăn

Những chỉ tiêu quan trọng mà dự thảo đề án đặt ra đến năm 2021 là phải có hơn 90% thành viên các Ban TTND và Ban giám sát trên toàn tỉnh được tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ giám sát. Đặc biệt, giữa Mặt trận và Thanh tra nhà nước cấp tỉnh, huyện xây dựng 19 kế hoạch phối hợp hỗ trợ hoạt động của Ban TTND và Ban giám sát; thành lập 18 địa chỉ hỗ trợ hoạt động giám sát cộng đồng tại 18 huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh đó, tất cả UBND cấp huyện phải ban hành chỉ thị về tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng đối với các chương tình, dự án có sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn…
Đề án cũng đưa ra nhiều giải pháp thực hiện, trong đó chú trọng đến các công tác phối hợp giữa cơ quan Thanh tra và Mặt trận cấp huyện, nhằm hỗ trợ, tập huấn cho thành viên Ban TTND và Ban giám sát về nghiệp vụ, kỹ năng giám sát; đồng thời hỗ trực trực tiếp đối với từng vụ việc cụ thể khi có yêu cầu. Dự thảo đề án cũng đã xây dựng tăng mức hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban TTND và Ban giám sát, trong đó ngân sách cấp xã hàng năm phân bổ cho mỗi Ban TTND và Ban giám sát phải đảm bảo tối thiểu 5 triệu đồng; đối với những Ban TTND kiêm nhiệm giám sát, kinh phí tối thiểu 8 triệu đồng.

Việc xây dựng đề án nhằm tăng cường năng lực của Ban TTND và Ban giám sát ở cơ sở được nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân đánh giá là thiết thực, cần thiết. Tuy nhiên, xung quanh nội dung và những mục tiêu, chỉ tiêu của dự thảo đề án, còn có một số ý kiến vẫn tỏ ra băn khoăn. Ở góc nhìn về sự cần thiết tồn tại mô hình giám sát cộng đồng, ông Thái Nguyên Đại - Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật Sở Tư pháp cho rằng, mọi hoạt động ở cấp cơ sở đều có sự giám sát trực tiếp của HĐND, Mặt trận và cả các đoàn thể chính trị - xã hội, chưa nói đến còn có sự lãnh đạo của đảng ủy xã, vậy tại sao còn “đẻ” thêm Ban TTND và Ban giám sát? Trong khi những ban này chỉ là các “thiết chế xã hội”, chỉ dừng ở chức năng phát hiện và kiến nghị. Như vậy liệu hoạt động giám sát có thực sự hiệu quả? Trong khi đó, một số đại biểu cho rằng nếu nhất thiết phải có Ban TTND và Ban giám sát ở cơ sở thì nên gộp lại thành một để giảm bớt sự rườm rà cho “bộ máy” ở cơ sở. “Theo tôi nên gộp làm một ban thôi, chứ ở đây không phải mình đi giải quyết lao động mà lập ra 2 ban cho nhiều, trong khi kinh phí hoạt động có hạn. Và cũng nên đặt ra mục tiêu thấp thôi, nhưng đã đặt ra cái gì thì phải làm cho chắc, cho đến nơi đến chốn” - ông Huỳnh Năm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hiệp Đức nói.

VINH ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao năng lực giám sát ở cơ sở: Chú trọng công tác phối hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO